Saturday, March 23, 2013

Chương III "Bờ biển Ngà"


Những người tình nguyện
Tại căn cứ không lực Eglin ở Florida, thiếu tướng J.Manor nhận được cú điện thoại có vẻ mơ hồ gọi từ Lầu Năm Góc. Ông ta được đề cử chỉ huy một nhiệm vụ đặc biệt cho các tham mưu trưởng hỗn hợp. Ông phải bay đi Oa-sinh-tơn ngày hôm sau bằng chiếc máy bay chở thư đặc biệt. Tuy nhiên, giữa đường bay lên miền Bắc, ông đáp xuống tại căn cứ không lực Pope Bắc Carolina, vừa đủ thời gian để nắm lấy đại tá bộ binh D.Simons từ căn cứ Fort Bragg ở gần đấy. Họ gặp nhau tại căn cứ không lực Andrews, và được đưa thẳng về Lầu Năm Góc. Ở đấy, họ được nghe thiếu tướng D.Blackburn, Tham mưu trưởng hỗn hợp SACSA, thuyết trình.

Manor và Blackburn chưa hề gặp nhau nhưng họ đã biết nhau, và Manor có cảm tưởng tốt đối với việc làm của SACSA. Nhân danh người chỉ huy những lực lượng hoạt động đặc biệt của không lực Eglin, người sĩ quan 49 tuổi sinh trưởng ở New York huấn luyện các đội chiến tranh không thông thường để yểm trợ những hoạt động của SOG tại Đông Nam Á. Những sinh viên của ông gồm có các phi hành gia Mỹ, Việt Nam, Cam-pu-chia, Thái Lan và có khi cả người Lào. Mục tiêu đào tạo khá chi tiết, từ việc làm trụi lá cây trong rừng rậm và rải truyền đơn trên Bắc Việt Nam cho đến việc đưa vào những toán xâm nhập đặc biệt. Ngoài ra, trong ba năm Manor ở Lầu Năm Góc với tư cách là một sĩ quan cầm đầu của không lực có nhiệm vụ thuyết trình về Đông Nam Á, ông ta còn đóng góp cho chiến cuộc Việt Nam nhiều hơn là những việc càn quét “tìm và diệt”, đếm xác và những nhiệm vụ của phi cơ oanh tạc đã làm cho báo chí tường thuật nhiều về những trận đánh ở đó.

Cũng như Simons, Manor đã tham gia nhiều trận đánh: 345 nhiệm vụ trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến cuộc Việt Nam, 275 nhiệm vụ trong số này là ở Đông Nam Á, nơi mà ông ta chỉ huy phi đội chiến đấu chiến thuật 37 tại Phù Cát. Tuy nhiên, tiếng tăm của họ là khác nhau. Trong bộ binh, Simons được coi trọng như là một người lãnh đạo chiến đấu, nhưng ông ta là một sĩ quan bất trị do hành động của ông nhiều khi làm cho cấp trên khó chịu. Trong không lực, Manor là một người tổ chức tinh tường, đã nhanh chóng giành được sự tín nhiệm hoàn toàn của cấp trên. Simons là người hay nói, còn Manor thì trầm lặng. Cả hai đều có khả năng, được kính nể, là những con người nghiêm túc, nhưng họ là “loại mèo khác giống”.

Chuyến bay đến Oa-sinh-tơn kết thúc như đã tính toán, và tại Lầu Năm Góc, Manor và Simons lần đầu tiên được nghe về vụ tập kích ở Sơn Tây. Blackburn và Mayer cho Manor biết ông là chỉ huy toàn bộ, là người “chủ”; Simons là phụ tá chỉ huy và cầm đầu vụ tập kích. Blackburn và Mayer muốn vận dụng sự phối hợp tại Oa-sinh-tơn, nơi mà một trong những công việc chính của họ không bị quấy rầy, để cho Manor và Simons có thể tập trung vào việc tuyển mộ, trang bị, huấn luyện lực lượng và thi hành sứ mệnh. Bất cứ thứ gì họ cần sẽ được ưu tiên cao nhất mà tham mưu trưởng hỗn hợp cung cấp cho họ. Thật vậy, về sau, Manor nhận được một lá thư của tướng Giôn D.Ray-ơn, Tham mưu trưởng không lực chuyển đến bằng tay. Thư nhắn các vị chỉ huy quan trọng của không lực và chỉ thị cho họ phải ủng hộ hoàn toàn Manor trên cơ sở không được hỏi han gì hết.

Sau khi Manor và Simons xem xét lại khái niệm mà nhóm nghiên cứu thực hiện của Blackburn đã trình bày với các tham mưu trưởng hỗn hợp, hai người bàn luận với nhau và tin rằng vụ tập kích có thể thực hiện được. Nhưng còn có một số công việc phải làm, cần thiết có kế hoạch chi tiết, và thành công hay thất bại phần lớn tùy thuộc ở chất lượng của tình báo đến với họ. Tại một buổi họp với Bennett, Steward và Harris của DIA, Manor và Simons khoan khoái được nghe rằng bất cứ cái gì họ cần, bất cứ lúc nào họ cần, DIA sẽ trình bày. Manor và Simons muốn có tình báo tốt nhất mà DIA, CIA, NSA và văn phòng trinh sát quốc gia có thể cung cấp.

Về chuyên môn của NSA là sự kiểm soát bằng điện tử: Manor biết việc làm của nó là như thế nào trong việc chọn những con đường xâm nhập và thoát ra cho máy bay của ông ta. Bắc Việt Nam thường xuyên thay đổi cách phòng không của họ. Những pháo đội được di chuyển, các tần số liên lạc giao thông thay đổi, và màn ra-đa hữu hiệu cũng được thay đổi hàng tuần. Nhưng có một vấn đề: không một lần nào trong cuộc chiến Việt Nam mà việc chặn bắt điện tử của NSA thu được một lời về vị trí của các tù binh. Mặc dù có hàng nghìn cuộn băng điện tín để dưới vòm nhà của NSA: “Cuốn từ điển bách khoa” (The Encyclopaedia Britanica) về vô tuyến ra-đi-ô, và tín hiệu điện thoại, cũng như các đường dây truyền tin thật hoặc giả… Nhưng trong tất cả những chặn bắt đó, không hề có một dữ kiện nhỏ nào về các tù binh như đã được phát công khai ở những nơi tuyên truyền công cộng. Như vậy Manor và Simons thấy rõ, họ hầu như phải hoàn toàn tùy thuộc vào sự trinh sát bằng hình ảnh chụp cho tình báo. Đó là vấn đề sống còn cho sự thành công của vụ tập kích.

Một vài phút cuối cùng, những tin tức mới có thể được triển khai qua những nguồn tin khác, nhưng nó lại có thể là không đúng. Thỉnh thoảng có một ít tin tức hữu ích do thư từ của các tù binh. Nhưng thư từ thì lại lâu đến hàng tuần, có khi cả tháng, không kịp thời. Những tình báo tốt nhất cho Manor và Simons là do các ảnh chụp của SR-71 và những máy bay bay ở độ thấp. Những “máy ảnh cho mục tiêu kỹ thuật” có tiêu cự dài của SR-71 sản xuất những tấm ảnh phi thường chụp từ độ cao hơn 80.000 bộ đủ rõ cho một người giải thích tài ba đếm được con số chính xác của những người cử động trong một khu chật hẹp. Nhưng đôi khi những phi vụ của SR-71 không sản xuất được gì, mà chỉ có hình ảnh những cụm mây ngay trên mục tiêu. Những máy bay có thể bay dưới các cụm mây nhưng chỉ làm được một ít phần việc và không thường xuyên. Những chuyến bay Buffalo Hunter([18]) bay thấp, gần một mục tiêu như Sơn Tây, có thể báo hiệu cho người Bắc Việt Nam biết rằng sẽ có điều gì bất thường xảy ra. Cho nên không cách nào để đánh lừa Bắc Việt Nam với những chuyến bay thấp để nhằm che đậy mục tiêu thật sự. Ngoài ra, thời tiết sẽ xấu trên Bắc Việt trong những tuần lễ sắp tới, và điều đó cũng có thể hạn chế kết quả của những phi vụ chụp ảnh trinh sát.

Manor và Simons còn có những vấn đề khác. Nếu vụ tập kích được tiến hành lúc thời tiết thuận lợi vào đầu tháng 10, thì họ phải làm việc gấp rút. Họ thoả thuận với Blackburn về một thời khắc biểu gay gắt. Họ phải lập tức bay trở về Eglin và về căn cứ Fort Bragg để tuyển mộ những người tình nguyện và chuyên viên của họ. Rồi đến thứ bảy, mồng 8 tháng 8 họ sẽ tập hợp trở lại tại Oa-sinh-tơn với nhóm người phụ tá trong năm hôm để chi tiết hóa kế hoạch. Một đội an ninh đặc biệt sẽ được tổ chức trong thời gian đó để triển khai những câu chuyện nhằm che đậy và vận dụng những biện pháp phản gián cần thiết để bịt kẽ hở. Trong khi nhóm thiết lập kế hoạch họp, Manor và Simons sẽ gửi đi một toán nhỏ về Eglin để nhận địa điểm huấn luyện và chuẩn bị sẵn sàng cho những người của họ bắt đầu tập luyện vào đầu tháng 9. Những nhà thiết kế phải có kế hoạch của mình sẵn sàng vào ngày 20 tháng 8 và kế hoạch cho những hoạt động thực sự phải xong vào ngày 28 tháng 8. Việc huấn luyện phải bắt đầu vào ngày 9 tháng 9 và chấm dứt vào ngày 6 tháng 10. Phần lớn những nhiệm vụ chụp ảnh trinh sát phải làm trong khoảng thời gian đó. Nếu mọi việc suôn sẻ như đã dự tính vào ngày 10 tháng 10 thì lực lượng tập kích sẽ sẵn sàng được phóng đi trong thời tiết đầu tiên tốt nhất, như đã tính trước. Đó là giữa những ngày 20 và ngày 25 tháng 10. Đây là một thời khắc biểu chặt chẽ và họ tin rằng có thể thực hiện được.

Trở về Eglin, Manor bắt đầu tìm kiếm những phụ tá then chốt của ông. Ông ta mời một trong những phi công trực thăng cừ nhất của không lực là trung tá Warner A. Britton, viên sĩ quan huấn luyện và hành quân tại căn cứ không lực Eglin cho các cơ quan giải cứu và tìm lại bằng máy bay. Britton cũng ở trong nhóm nghiên cứu kế hoạch của Blackburn, cho nên ông ta ủng hộ toàn bộ nhiệm vụ trước mắt. Manor còn giao cho Britton chọn lấy những phi hành đoàn trực thăng để đưa Simons và người của ông đáp xuống Sơn Tây. Britton cũng đề nghị với Manor rằng cá nhân ông muốn lái một trong những chiếc máy bay đó.

Một trong những người đầu tiên Britton tuyển mộ là trung tá John Allison, 44 tuổi, chỉ huy một trong những chuyến bay bằng trực thăng HH-53 tại trung tâm huấn luyện cho cơ quan giải cứu và tìm kiếm bằng máy bay. Allison lập tức ký vào giấy tình nguyện. Nhưng Britton gặp khó khăn với một người “tình nguyện” khác là trung tá Ec-be Giơ-lin-đơ vì ông ta không cho Giơ-lin-đơ biết một chi tiết nào về nhiệm vụ mà chỉ nói rằng là một số việc huấn luyện và bay ban đêm. Giơ-lin-đơ là một quân nhân tại ngũ đã 16 năm trời nên ông ta nhiều lần nghe lời khuyên “Đừng bao giờ tình nguyện làm một việc gì mà mình không biết”. Ông ta trả lời với Britton là “không”. Nhưng Giơ-lin-đơ có những kinh nghiệm và lòng can đảm mà Britton cần đến. Người phi công 46 tuổi đã giành được một kỷ lục bay đường dài năm 1967 trong khi lái chiếc trực thăng HH-53 một mạch từ New York đến cuộc triển lãm máy bay ở Pa-ri. Ông ta cũng đã thực hiện những phi vụ chống phiến loạn ở Việt Nam trong thời gian một năm và đôi khi cũng bay trong rừng rậm để giải cứu. Cuối cùng Britton phải nói với ông ta về nhiệm vụ của sự tình nguyện.

Allison và Britton sẽ lái hai chiếc trực thăng để cho Simons và những người của lực lượng tiến công đổ bộ xuống Sơn Tây: Giơ-lin-đơ là lái phụ của chiếc trực thăng thứ ba. Người phi công thứ tư là thiếu tá Frederick Marty Donohue cũng sẽ đóng một vai trò then chốt, nhưng ông được tuyển mộ sau đó. Donohue sẽ lái chiếc trực thăng đầu tiên có vũ trang tiến công các chòi canh gác. Tuy nhiên, ngay lúc đó ông ta lại có một nhiệm vụ đặc biệt khác: chuẩn bị lái chuyến bay xuyên Thái Bình Dương đầu tiên trên thế giới bằng trực thăng. Britton quả quyết rằng Donohue có đầy đủ tinh thần để sẵn sàng thực hiện việc đó.

Donohue đã bay 131 nhiệm vụ ở Đông Nam Á. 4 lần trong số đó là nhiệm vụ đi giải cứu ở Bắc Việt Nam. Ông ta 39 tuổi quê ở California, người gầy cao, đã thực hiện gần 6.000 giờ bay lái trực thăng, có thể là nhiều giờ bay hơn mọi phi công nào khác trên thế giới. Ông ta đã được chọn là sĩ quan huấn luyện bay trong chương trình Apollo.

Trong khi Manor và Britton tập trung những người tình nguyện của họ ở Eglin thì Simons cũng tập hợp người của ông ta tại căn cứ Fort Bragg. Hai người đầu tiên mà ông ta muốn là trung tá Elliot Snyder đảm nhiệm làm người phụ tá toàn diện cho ông, và đại úy Richard D. Meadows, cầm đầu đội tiến công khu trại tù. Cả hai người đến đóng tại Trường Bộ binh, căn cứ Fort Benning. Simons, Meadows và Sydnor biết nhau nhiều. Thời gian Simons và Blackburn công tác ở SOG tại Việt Nam thì Meadows là trung sĩ của lực lượng đặc biệt đã chiếm được cỗ trọng pháo đầu tiên của người Bắc Việt Nam tại Lào. Ngay sau đó Westmoreland phong thưởng cho Meadows chức sĩ quan đầu tiên tại mặt trận của chiến trường Việt Nam. Chính Simons đã gắn huy chương lên áo của Meadows. Simons và Meadows đã cùng nhau phục vụ ở nhiều công tác, không có một công tác nào mà Simons cần thảo luận chi tiết. Về sau Simons giải thích: “Giá tôi xin phép làm một vài việc trong số đó, thì Westmoreland có thể bị ngất xỉu một trong những việc đó Simons cho là hành động tuyệt vời nhất trong chiến cuộc Việt Nam”.

Simons biết rằng chuyến đi Sơn Tây không phải là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của Dick Meadows. Vào năm 1968, sau khi Blackburn không còn làm việc ở cơ quan SOG nữa, Meadows vẫn còn phục vụ ở Đông Nam Á trong chuyến công tác lần thứ ba. Một toán mật báo viên CAS bị “kẹt” sâu trong đất Bắc Việt Nam, tại một địa điểm mang bí danh “Con Ó” nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng. Meadows được chỉ định dùng máy bay từ một hàng không mẫu hạm để vào đất liền giải cứu toán đó. Ông ta đến nơi quá muộn (không gặp được toán mật báo viên bị kẹt tại địa điểm trên). Nhưng Meadows đã cùng toàn đội đi giải cứu trở về an toàn. Chính Mayer sau này cũng có nhận xét về Meadows như sau: “Về con người này thì tôi không biết cách gì để nói tốt hơn nữa. Ông ta đúng là một quân nhân thuộc loại “thượng thặng, vĩ đại”: không những chỉ là anh hùng, ông ta lại còn là loại người biết hoàn thành trách nhiệm chu đáo!”.

Elliot Snyder “gầy nhom, khô khan, cao nhỏng”- Mayer thường mô tả ông ta như là “Hung-nô, sáng suốt, tài ba, nhạy cảm gan dạ, biết phối hợp với đồng đội”. Blackburn thì gọi ông là một “xác ướp”. Khi có ai nhờ làm việc gì thường thì ông ta không có phản ứng gì. Ông ta chỉ yên lặng thi hành ngay. Trong chiến đấu, ông ta tỏ ra có một cá tính, “dị thường, tình huống càng khó khăn bao nhiêu thì ông ta lại càng bình tĩnh bấy nhiêu. Không có việc gì có thể làm cho ông ta luống cuống, nao núng được. Trong đời tôi, tôi chưa hề gặp một quân nhân nào như ông ta!”. Cũng như Meadows và Simons, Sydnor luôn luôn tin tưởng vào việc làm của Blackburn.

Simons cũng cần có thêm một sĩ quan cấp cao nữa - một quân y sĩ. Toán nghiên cứu kế hoạch của Blackburn đã có ghi vào danh sách chuẩn bị điều cần thiết cho công tác là phải có một bác sĩ thành thạo. Các toán lực lượng đặc biệt đều thường được huấn luyện thông thạo về khoa cứu thương, nhưng trong công tác tập kích này thì cần phải có một bác sĩ chuyên khoa, không những chỉ để giúp vào việc hoạch định kế hoạch cuối cùng mà còn phải đi theo toán tập kích để săn sóc tù binh khi được giải cứu - hoặc là chăm lo cho binh sĩ của Simons nếu có việc gì trở ngại xảy ra. Simons yêu cầu Tổng y viện bộ binh giới thiệu cho một quân y sĩ thuộc loại “chiến đấu”, nhưng ông ta không thể nói rõ cho vị chỉ huy trưởng quân y biết lý do yêu cầu đi làm công tác gì.

Một ngày vào thượng tuần tháng tám, một trung tá tên là J.R. Cataldo bước vào văn phòng của Simons. Ông ta tự giới thiệu với Simons: “Tôi là bác sĩ Cataldo. Tôi nghe nói đại tá cần một bác sĩ”. Simons hỏi lại là ông ta có biết tại sao phải cần bác sĩ không? Cataldo trả lời: không biết, nhưng ông ta sẵn sàng nhận mọi công tác. Ông ta trước đây là y sĩ trưởng của lực lượng đặc biệt (mũ nồi xanh) ở căn cứ Fort Bragg, đã tốt nghiệp trường chỉ huy và tham mưu ở căn cứ Fort Leavenworth, và vừa được bổ nhiệm về phục vụ tại Oa-sinh-tơn. Ông ta và vợ cùng với bốn con nhỏ hiện đang sang định cư tại vùng Alexandria, nhưng vị chỉ huy trưởng quân y yêu cầu ông ta đến căn cứ Fort Bragg để gặp Simons về một “nhiệm vụ đặc biệt” nào đó.

Từ trước tới nay, cả hai người chưa từng gặp nhau, nhưng Cataldo chính là người mà Simons đang cần. Cataldo còn xa lạ với vùng Oa-sinh-tơn cho nên việc ông ta vắng mặt một thời gian sẽ không gây ra nhiều nghi vấn. Ông ta biết khá về các loại công tác đặc biệt: đã được huấn luyện nhảy dù hoàn hảo, đã từng làm việc với các toán mũ nồi xanh tại các vùng hoạt động, và nhất là “dân cùng hội cùng thuyền với tôi”. Sau này Simons có nhắc lại như vậy. Simons chỉ còn thắc mắc một điều: “Liệu Cataldo có chịu tình nguyện không?” – ông ta nói thẳng vấn đề với Cataldo rằng một cuộc giải thoát tù binh đang được hoạch định, bao gồm một cuộc đột kích sâu vào vùng đất miền Bắc Việt Nam. “Công tác này khó khăn, nguy hiểm lắm”, Simons nói thêm, cho nên cần phải có một bác sĩ tháp tùng. Chỉ vẻn vẹn có như vậy thôi. Cataldo có chịu tình nguyện đi theo không? Cataldo trả lời ngay: “Tôi là bác sĩ của đại tá”.

Simons tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông ta nhớ lại: “Trong danh sách nhân viên công tác, có ghi chữ bác sĩ, cho nên tôi ghi dấu vào bên cạnh chữ đó. Hỏi lại Cataldo tên của anh ta đọc như thế nào và tôi tự nghĩ thầm: “Mẹ kiếp… thế là, giờ ta có được một thằng như thế rồi”.”
Người ta mô tả bác sĩ Cataldo khác nhau. Một trong những người lập kế hoạch cho công tác Sơn Tây nói rằng: “Ông ta là người hăng say, năng nổ, tận tụy, nhưng thích được quảng cáo rùm beng về cá nhân mình” - Simons nổi giận về lời nhận xét đó, ông ta nói: “Cataldo là một gã lạ lùng. Nhưng tôi muốn bảo các anh một điều là các anh không thể moi đâu ra được một tên đại úy tình nguyện làm công tác này. Có thể là sẽ có vài y sĩ đến đây để giúp đỡ việc huấn luyện, hoặc tiêm giúp vài mũi thuốc men gì đó - nhưng còn chuyện đi vào tận miền Bắc Việt Nam thì thôi, xin phép?…”. Simons suýt nữa cắn nát đầu mẩu điếu thuốc xì gà nhỏ và nói tiếp: “Thế mà bây giờ lại có một trung tá đến và tình nguyện ngay. Tay nghề của anh ta có thể kiếm được cả trăm ngàn đô-la một năm. Kể ra, ông ta đã có được tài sản đó rồi, có thể xin về hưu trí nếu ông ta muốn sẵn sàng hốt thêm bạc khi mở phòng khám bệnh tư. Vì lẽ đó, tôi thấy cần phải cảnh giác đối với kẻ nào muốn hạ uy tín của Cataldo. Tôi không biết tại sao bác sĩ Cataldo lại tình nguyện nhận công tác. Ông ta thừa hiểu là rất nguy hiểm. Nhưng ông ta vẫn tình nguyện. Các anh chỉ cần ghi nhớ điều đó là đủ rồi”.

Simons cần phải thận trọng kín đáo trong việc lựa chọn những người cần thiết khác cho toán hành động. Qua các thượng sĩ điều hành đại đội và các tờ thông báo hàng ngày tại căn cứ Fort Bragg, tin truyền miệng được loan ra là đại tá Simons đang tuyển mộ người tình nguyện. Người nào quan tâm thì đến tập hợp tại hội trường doanh trại. Thành tích và tiếng tăm của Simons đã trở thành một huyền thoại. Một hôm trước giờ ăn cơm trưa, có đến khoảng gần 500 quân nhân tụ tập lại để nghe ông ta nói chuyện. Chẳng có gì để phải nói nhiều.

Không tiết lộ chi tiết nào cả, Simons chỉ thông báo rằng ông ta đang cần người để thi hành một công tác “tương đối nguy hiểm”. Không có tiền thưởng thêm, không có phụ cấp dành cho công vụ tạm thời khi phải tạm rời đơn vị gốc. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Người nào muốn tình nguyện thì sau bữa cơm trưa đến trình diện tại hội trường, với đầy đủ hồ sơ lý lịch cá nhân, gọi là hồ sơ đại đội số 201. Simons sẽ đích thân phỏng vấn từng người tình nguyện. Ai không quan tâm đến thì cũng chẳng phải lo ngại gì cả, Simons bảo đảm là chẳng có ai bị ghi vào danh sách riêng nếu có tình nguyện hoặc không.

Suốt trong giờ cơm trưa, có nhiều quân nhân bàn tán về câu chuyện “công tác tương đối nguy hiểm” của Simons. Sau bữa cơm chỉ có một nửa số quân nhân đã tụ tập trình diện tại hội trường. Simons đã bỏ ra suốt ba ngày để phỏng vấn từng người tình nguyện một. Có Cataldo và hai thượng sĩ phụ giúp, kiểm tra kỹ lý lịch, quá trình quân vụ và hồ sơ sức khoẻ. Cataldo khám sơ sài từng người. Có chín quân nhân không được thu nhận vì quá béo, mặc dù đều là lính mũ nồi xanh cả. Mười một người có hồ sơ bệnh trạng tâm thần cũng bị từ chối. Một vài người khác thì lại có vợ đang mang thai. Simons cũng gạt tên mấy người này ra, vì ông ta không muốn để họ phải liều lĩnh trong khi đầu óc mang đầy những lo âu phù phiếm khác.

Trong khi Simons tìm hiểu khả năng chiến đấu và đánh giá về thể lực của những người tình nguyện - ông ta tìm chọn những quân nhân nào có đủ sức mạnh để cõng các tù binh ra khỏi trại giam Sơn Tây trong trường hợp cần thiết - thì bác sĩ Cataldo lại thử thách phản ứng tâm lý của những người này để xem họ có nhạy cảm khi bị kích thích không, ví dụ: “- Tôi khám thấy lá gan của anh bị sưng to đây này. Chà, tại sao vậy hở chú lính, nhậu nhẹt lu bù phải không?” - Nhiều câu hỏi được đặt ra để che đậy sự việc cụ thể và địa điểm thực tế của công tác, chẳng hạn như các câu hỏi: “- Anh có biết trượt tuyết không?” - “Anh có thể đi bộ trong sa mạc được bao lâu mà không cần uống nước?” - “Da của anh có dễ bị cháy nắng không?” - “Anh có chịu được khi bị nhốt chung trong một phòng chật chội đông nghẹt những người thuộc xứ Li-băng thích ăn tỏi sống nhưng lại sợ nước không dám tắm không?”. Simons và Cataldo cuối cùng chọn lựa được 15 sĩ quan và 82 binh sĩ. Khoảng một phần ba trong số những người này đã từng phục vụ dưới quyền Simons trước đây và ông ta cũng biết rõ ít nhất là một nửa số này. Có sáu người chưa hề tham dự một trận chiến nào nhưng Simons quý lòng dũng cảm của họ. Có mười người được chọn làm đội dự bị để khi cần có người thay thế đối với lượng tập kích độ 50 người. Những người còn lại được sử dụng làm phân đội yểm trợ.

Vào ngày thứ bảy, mồng 8 tháng 8, một thông điệp của Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp do Mayer soạn thảo và trình Moorer ký vào trung tuần tháng bảy đã được gửi đi để thống nhất và ấn định rõ hệ thống chỉ huy liên hệ trên toàn thế giới. Bức thông điệp này ghi rõ một “Toán hành động hỗn hợp cấp thời” đặt dưới quyền chỉ huy của Manor và Simons và được ngụy danh là chiến dịch “Bờ Biển Ngà”. Không có một chi tiết nào khác được nêu ra mục tiêu của chiến dịch “Bờ Biển Ngà” này. Cũng trong thời gian này, Blackburn đã dọn văn phòng tham mưu của ông ta từ cơ sở Arlington về một khu an toàn khác tại khu vực quân báo quốc phòng (DIA) ở dưới căn hầm tòa nhà Lầu Năm Góc.

Hai ngày sau, mồng 10 tháng 8, Manor và Simons đến Oa-sinh-tơn để họp với một số nhân vật mà Blackburn đã mời đến với tư cách là ủy ban kế hoạch cho chiến dịch “Bờ Biển Ngà”. Có 27 người dự họp và 13 người thuộc nhóm tiếp viện hành chính tăng cường của SACSA cũng có mặt. Trong tổng số người dự họp, có 2 người sẽ không ghi vào biên bản hội nghị tại Lầu Năm Góc, đó là: D. Elliot và R.Donohue đều là nhân viên CIA. Uỷ ban kế hoạch - Blackburn giải thích rõ - mỗi tuần sẽ họp từ thứ hai cho đến thứ sáu để soát xét lại và điều chỉnh một kế hoạch cần thiết cho công tác tập kích. Từ nơi đây, khi kế hoạch cuối cùng với đầy đủ chi tiết đã được soạn thảo xong thì nó sẽ được chuyển đi cho Manor và Simons tại căn cứ không quân Eglin. Blackburn và Mayer sẽ đóng vai trò “trung gian” cho hai người này, và phối hợp với Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp Lầu Năm Góc.

Trong số 38 chuyên viên kế hoạch này, có 11 người thuộc nhóm nghiên cứu, 15 người mà Blackburn đã quy tụ được từ ngày 10 tháng 6. Trong số những người mới dự họp lần đầu tiên, ngoài Manor và Simons, còn có Cataldo, Meadows, đại tá hải quân William, M.Ca-pơ-ten từ bộ chỉ huy điều hành hải quân đến, và một nhóm người mang đầy “vẻ tình báo” trên gương mặt. Một trong nhóm người này là “Mác-xanh” một tay chuyên viên phản tình báo hạng cừ, thiếu tá bộ binh Max E.N.Newman, trung tá không quân John K.Kennedy thuộc Bộ chỉ huy phòng không Thái Bình Dương, phòng ước lượng và điều hợp phương tiện. Vị trung tá này là chuyên viên của cơ quan NSA chuyên nghiên cứu về hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam. Đại tá hải quân S.Harris cùng với bốn người tháp tùng là đại điện cho phòng quân báo DIA. Trong tổng số những người tham dự cuộc họp sẽ có bốn người đi Sơn Tây.

Một trong những quyết định đầu tiên trong buổi họp mà Manor và Simons đều đồng ý là gửi ngay đại diện đến căn cứ Eglin để chọn một bãi tập cho toán Simons và bắt đầu cung cấp hậu cần cần thiết. Vào ngày thứ tư và thứ năm, trong khi ủy ban kế hoạch vẫn còn họp bàn tại Oa-sinh-tơn thì các chuyên viên đại diện đã chọn được bãi tập tại bãi phụ số 3 trong căn cứ Eglin. Lịch sử đã được lặp lại. Chính bãi tập này là nơi cách đây 28 năm đã được chọn để huấn luyện một toán tập kích. Đây là bãi tập vắng vẻ, bỏ trống, trước đây dành cho sinh viên sĩ quan không quân sử dụng tập huấn. Nơi đây có tạm đủ các khoảng sân trống để cho trực thăng đáp xuống, có 6 căn nhà dùng làm chỗ ăn ở cho những người tập dượt, một hội trường và vài căn phòng làm lớp học, một gian hàng tạp hóa nhỏ và quán giải khát; một phòng ăn tập thể, một xưởng sửa chữa và đậu xe; một văn phòng chỉ huy với cửa sổ có song sắt có thể dùng làm trung tâm điều hành các công tác đã được dự kiến. Gần bên bãi tập này là một vùng đất trống, bằng phẳng, mọc đầy cây cỏ thuộc vùng đất ẩm ướt của bang Florida. Toán nghiên cứu của Blackburn đã đề nghị - và Simons cũng đồng ý về sự cần thiết này - là dựng một mô hình khu trại giam Sơn Tây để tập dượt trước với mọi địa hình tương tự như địa hình ngay trên đất Bắc Việt Nam. Các loại cây thông và bạch dương mọc trên vùng đất Florida có chiều cao tương tự với các loại cây mọc trong khu trại giam Sơn Tây, mặc dù tán lá không được rậm rạp bằng.

Trong khi uỷ ban kế hoạch thảo luận các chi tiết liên quan đến sự việc này thì các chuyên viên phản tình báo tỏ ý bác bỏ ý kiến về việc xây cất toàn bộ mô hình giống như thực tế mà Blackburn và Simons dự định thực hiện. Nhiều chi tiết liên hệ được mô phỏng lại sẽ vô tình sớm tiết lộ mục tiêu công tác cho toán đi tập kích và việc xây cất một khu vực mới sẽ khó được giải thích trôi chảy đối với những ai có ý quan sát, tò mò. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, các chuyên viên tình báo nhấn mạnh: là các máy chụp ảnh địa hình thuộc hệ thống vệ tinh của Liên Xô thường xuyên bay quan sát trên vùng trời tại căn cứ không quân Eglin cũng như các đồng nghiệp người Mỹ của họ, các chuyên viên Liên Xô phụ trách phân tích và giải thích các ảnh chụp chắc hẳn cũng được huấn luyện để chuyên tìm tòi khảo sát kỹ lưỡng về bất cứ loại xây cất nào mới trong căn cứ quân sự. Cứ 24 giờ vệ tinh Cốt-smốt 355 của Liên Xô thường bay ngang qua căn cứ Eglin hai lần với độ cao khoảng 70 hải lý([19]). Cũng với độ cao này, vệ tinh Big Bird (Đại điểu) của Hoa Kỳ có thể chụp những ảnh về địa hình ở Xi-bê-ri cho phép một chuyên viên không ảnh thiện nghệ có thể tìm thấy được ngay cả một căn chòi nào mới dựng lên ở giữa vùng này. Các loại khảo sát điện tử hồng ngoại tuyến thậm chí có thể dò biết được căn chòi này được sử dụng bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần là 13 ngày hoặc ít hơn, các chuyên viên phân tích tình báo đều biết rõ, các cuốn phim trong vệ tinh Cốt-smốt được tháo ra và chuyển về trung tâm nghiên cứu để tìm dấu vết về những dấu hiệu biến đổi như thế. Thường xuyên Liên Xô cho phóng đến hai vệ tinh vào quỹ đạo trong cùng một thời điểm nào đó, như vậy thì việc phát hiện ra mô hình trại giam Sơn Tây lại càng có thể xảy ra sớm hơn. Ngoài ra, một chiếc tàu kéo của Liên Xô đang hoạt động tại vịnh Mê-hi-cô, rõ ràng là với mục đích thu thập tin tức tình báo qua hệ thống điện tử. Như vậy thì không có cách gì có thể che giấu nổi màn lưới ra-đa về việc có thêm nhiều chuyến máy bay tấp nập lên xuống tại bãi tập số 3; và việc huấn luyện không thể xúc tiến trong sự hoàn toàn im lặng của máy truyền tin mặc dù mật mã và làn sóng phát tuyến thường xuyên thay đổi. Các chuyến máy bay lên xuống thực tập và các làn phát sóng truyền tin có thể gợi cho chiếc tàu kéo của Liên Xô một “dấu hiệu” khả nghi đủ để yêu cầu vệ tinh Cốt-smốt 355, hoặc một vệ tinh đặc biệt khác được phóng lên quan sát thật kỹ bãi tập dã chiến số 3 tại căn cứ Eglin.

Nhưng Simons không thể bắt tay vào việc huấn luyện người của ông ta về một cuộc tập kích ngay trong lòng đất Bắc Việt Nam với một loại “bản đồ thực tập” có sẵn tại căn cứ Fort Leavenworth. Vì lẽ đó, các chuyên viên kế hoạch quyết định xây dựng một loại mô hình có thể tháo rời và cất giấu vào ban ngày được. Có thể dùng loại gỗ 2x4 và vải bạt để dựng vách tường và doanh trại. Cổng chính, cửa lớn và cửa sổ thì có thể được sơn vẽ hoặc cắt hình ngay trên vải bạt. Như vậy thì trại giam Sơn Tây có thể “cuộn tròn” lại và cất giấu đi, các cọc gỗ 2x4 có thể được nhổ lên và các lỗ đất sâu dùng để cắm cọc sẽ được che đậy lại để không phơi dấu vết về chu vi trại giam. Các buổi tập dượt ban ngày sẽ được hạn chế theo chương trình mỗi ngày bốn tiếng đồng hồ vào các thời điểm mà vệ tinh Liên Xô không ở vào vị trí chụp được căn cứ.

Để che giấu sự thật, Simons sẽ mượn cớ nói với binh sĩ của ông ta rằng mô hình này là một cái “làng xã” nào đó mà họ sẽ tập kích vào. Nhưng ông ta muốn việc dựng mô hình phải thực hiện gấp cho xong. Ông ta đã tạm có đầy đủ tư liệu cần thiết để thi hành công tác. Blackburn đã yêu cầu DIA cho thực hiện một chuyến bay trinh sát có chụp ảnh rõ ràng về toàn bộ khu vực mục tiêu. Việc này đã được cơ quan CIA lo giúp và hoàn tất vào tháng tám. Blackburn cũng đã liên hệ với Mít Giắc-lốp ở cơ quan NSA, người lo phối hợp về việc yêu cầu cung cấp các loại tin tức thu thập bằng máy điện tử cho Lầu Năm Góc. Cho đến thời gian này thì “hồ sơ mục tiêu” về Sơn Tây đã được đựng đầy trong nhiều tủ đứng có ngăn kéo. Trong đống hồ sơ này có cả một bộ bản đồ đặc biệt loại tỉ lệ lớn về toàn bộ khu vực mục tiêu, được in riêng chỉ có vài bản sao (tỷ lệ 1: 50.000 phân Anh); có nhiều tấm ảnh chụp lớn nhỏ khác nhau về vùng địa thế từ Sơn Tây đến sông Đà, 65 dặm về hướng Tây: nhiều tấm ảnh đặc biệt chụp rõ các ngả đường quanh co từ đất Lào vào vùng mục tiêu; và nhiều tấm ảnh khác về ngay chính khu vực mục tiêu, có hai tỉ lệ xích, mỗi ô vuông nhỏ trên tấm ảnh ngang với 100 và 200 mét vuông trên thực tế. Uỷ ban kế hoạch biết rõ từng ngọn cây trong toàn khu trại Sơn Tây: và trong vòng vài ngày sau buổi họp thứ nhất tại Oa-sinh-tơn, 710 cọc gỗ bề dài 6 bộ([20]), bề cạnh 2x4, và 1.500 ya-dơ([21]) vải bạt được chở đến bãi tập dã chiến số 3. Tại một nơi nào đó trong căn cứ Eglin, nhiều loại cây to được đào gốc lên và trồng lại tại khu vực mô hình để tạo ra vẻ giống như các loại cây thật thực tế tại trại giam, mục tiêu để cho trực thăng thực tập bay ngang qua và đáp xuống ngay trong sân trại để cho toán tập kích của Simons hoạt động.

Các chi tiết về tình báo cũng hết sức được quan tâm đến trên suốt đoạn đường bay dài từ đất Lào vào vùng mục tiêu và trở về. Uỷ ban kế hoạch được biết là các ảnh vừa do máy bay trinh sát SR-71 chụp được không có dấu vết gì về có đổi thay lớn tại khu kế cận mục tiêu, chỉ có một địa điểm huấn luyện báo động phòng không được phát hiện ở cách 3,3 dặm về hướng đông nam của trại giam, và có nhiều loại xe lớn nhỏ di chuyển về hướng nam và tây của vùng mục tiêu, số lượng xe cộ nhiều hơn thường lệ.

Các chuyên viên kế hoạch cũng được biết thêm một điều khác: các tấm không ảnh chụp được kể từ ngày 6 tháng 6 đến nay cho thấy dấu hiệu là trại tù Sơn Tây có vẻ “ít sinh hoạt” hơn thường lệ.

Một vài cuộc “máy bay oanh kích” của Mỹ đang được thực hiện một cách khác thường tại vùng phía Bắc Lào đến vùng hướng tây Sơn Tây trong suốt thời gian toán nghiên cứu kế hoạch của Blackburn đang thảo luận về dấu hiệu “giảm mật độ sinh hoạt” đã được phát hiện tại khu trại giam. Sau này Manor có ghi chú trong bản báo cáo sau khi hoàn tất công tác đệ trình Bộ tổng tham mưu hỗn hợp rằng: “Nhiều nguồn tin tình báo khác đã giải thích rõ ràng về các dấu hiệu đổi thay mật độ sinh hoạt này”. Nhưng ông ta không nói rõ thêm ngay cả trong bản tài liệu tối mật, rằng: “nguồn tin tình báo khác” ấy là gì - hoặc có thể người ta cũng không cho ông ta biết. Có thể chính ngay cả Manor và các chuyên viên kế hoạch khác về công tác Sơn Tây cũng không biết dấu hiệu này có nghĩa là trại tù Sơn Tây không những chỉ có vẻ “ít sinh hoạt” mà thôi, thật ra trại tù đã trống rỗng. Người ta cũng không cho họ biết là các dấu hiệu “những thay đổi” đó là hậu quả gây ra do các cuộc oanh kích khác thường trên đất Bắc Lào là một phần của chương trình hoạt động tối mật được gọi là “chiến dịch Po-pey” (chiến dịch Mở mắt). Chiến dịch Mở mắt chỉ là một trong nhiều mật danh được dùng để nói về các “hoạt động làm thay đổi thời tiết” do Bộ Quốc phòng và cơ quan CIA phối hợp chỉ đạo trong chiến tranh Việt Nam. Tin tức liên quan đến các loại hoạt động này được giữ kín theo một “hệ thống đặc biệt”. Số người được biết đến loại tin tức này bị hạn chế đến nỗi năm năm sau cuộc tập kích Sơn Tây, một thủ trưởng của một cơ quan tình báo đã phải giải thích rằng không những ông ta chỉ “sợ hãi” khi thảo luận đến việc này mà hơn nữa, ông ta cảm thấy “run rẩy” khi đề cập đến. Có ý kiến cho rằng các tù binh, mà một vài người Mỹ đang cố gắng giải thoát khỏi trại tù Sơn Tây, đã bị di chuyển ra khỏi khu vực mục tiêu kể từ tháng bảy năm 1970 vì một tràn lụt nhân tạo do một vài người Mỹ khác thực hiện quanh vùng kế cận bằng các chuyến bay tạo mưa lụt với hóa chất. Nhưng bởi vì chiến dịch Mở mắt - và các hoạt động hữu quan - được xếp vào loại công tác tối mật trong chiến tranh Việt Nam cho nên các chuyên viên kế hoạch về vụ Sơn Tây và những người tham gia vào chuyến đi tập kích, đều không biết gì về các sự kiện trên.

Chương trình thực hiện mưa nhân tạo được xúc tiến dưới nhiều mật danh khác nhau: “Chiến dịch Đồng hương”, rồi đến “Chiến dịch Trung gian”, đến khi các loại mật danh này bị “tiết lộ” thì dùng đến “Chiến dịch Mở mắt”- Toàn bộ chương trình này kéo dài từ tháng ba năm 1967 đến tháng bảy năm 1972, và không phải là một chương trình nhỏ bé. Có tất cả 2.602 chuyến bay được xuất phát, gần bằng với số chuyến bay oanh tạc thả bom đã được thực hiện trên vùng trời Bắc Việt Nam trong suốt các năm 1970 và 1971. Mục đích của chương trình này là làm “tăng cường các trận mưa trong mùa gió mùa hàng năm”, sử dụng các loại hóa chất gồm có chất bạc và chì để tạo ra các đám mây lạnh. Với chương trình này, người ta hy vọng rằng sẽ làm chậm trễ các đường dây tiếp tế vào đường mòn Hồ Chí Minh, do mưa nhân tạo gây ra mặt đường lầy lội trơn trượt, sụp lở và cuốn trôi đi các đoạn cầu gỗ nhỏ bắc qua sông suối. Hơn nữa, vì Bắc Việt Nam thường dùng các dòng suối trên đất Lào, theo các nhánh chảy vào sông Cửu Long, để thả trôi vật liệu xuống miền Nam. Thông thường đồ tiếp liệu được đựng trong các thùng gỗ tròn, nếu bị bom thì vẫn nổi lềnh bềnh, ngập xuống trồi lên - cho nên một mục đích khác nữa của chương trình này là làm cho các dòng suối này ngập tràn nước, biến thành “thác lũ”. Lại có thêm một phần hoạt động tối mật hơn nữa nằm trong chương trình làm thay đổi thời tiết do CIA thực hiện ở miền Bắc nước Lào là cho đổ xuống hàng tấn hóa chất như loại “nhũ tương” trên các đường mòn và dọc theo các bờ sông, đã bị thấm ướt do mưa nhân tạo. Loại nhũ tương này làm cho các đường mòn trở nên không thể nào đi được, đầy rẫy đất cát trơn, sụt lở, còn các bờ sông thì bị sụt lở, gây ra lũ lụt.

Trong thời gian lệnh ngừng thả bom do Tổng thống Johnson chỉ thị vào ngày 1-11-1968, tất cả “các hoạt động hóa chất dọc theo biên giới Bắc Việt Nam đã chấm dứt không bao giờ tái diễn nữa”. Nhưng hoạt động ngang qua đất Lào vào ngay trên đất Lào, thì lại được tăng cường.

Tất cả những hoạt động hóa chất trong suốt năm 1969 đều được thực hiện ở Bắc Lào, tại một khu vực mục tiêu nhỏ cạnh biên giới Bắc Việt Nam. Khu vực này nằm ở hướng tây hoặc tây nam Hà Nội - và Sơn Tây. Vào năm 1970 thì khu vực mục tiêu được mở rộng ra bao gồm luôn cả vùng đông nam Lào; khu vực hướng tây Hà Nội và Sơn Tây cũng được nới rộng gấp đôi. Nội trong năm đó, 277 lượt bay hoạt động đã được xuất phát, 8.312 “đơn vị hóa chất” đã được thả xuống. Đây là số lượng cao vào hàng thứ ba tính theo hàng năm trong suốt thời gian sáu năm mà chiến dịch Mở mắt hoạt động. Và hầu hết các công tác thả hóa chất này được thực hiện trong thời gian giữa tháng 8 và tháng 11.

Có phải các loại công tác này đã gây ra trận lụt ở Sơn Tây, hoặc làm ngập tràn thêm những trận lụt hàng năm thường xảy ra vào thời gian này tại vùng hướng tây ở Bắc Việt Nam, làm cho tù binh phải sơ tán đi chỗ khác hay không?- Không hiểu vì lý do gì mà các số liệu liên hệ của hoạt động năm 1970 không còn được lưu giữ. Nhưng số liệu của năm 1971 thì vẫn còn, và trong hồ sơ tháng 6 năm này có ghi chú rõ là đã đo được mực nước mưa cao 16 phân Anh tại vùng núi đồi đất Lào, hướng tây và tây nam Sơn Tây. Các chuyên viên phân tích dữ kiện tại Lầu Năm Góc đã tính ra rằng trong số mực nước dâng cao 16 phân Anh ấy, có 7 phân Anh là do chiến dịch Mở mắt gây ra. Có một điều đáng lưu ý là hầu hết các chuyến bay công tác năm 1971 đều được thực hiện tại vùng viễn nam đất Lào, trong khi đó thì đa số các chuyến bay của năm 1970 lại hướng trọng tâm mục tiêu vào miền Bắc, tại khu vực hướng tây và tây nam Sơn Tây. Vào năm 1970, trời mưa như thác đổ tại vùng Bắc Lào vào Bắc Việt Nam.

Các chuyên viên khí tượng giỏi nhất trên thế giới cũng sẽ ấp úng không thể giải thích nổi tại sao trong cùng một vùng mà năm này thì mưa như trút nước còn năm sau thì lại ít mưa. Nhưng nếu chính vì chiến dịch Mở mắt đã tạo ra nhiều trận mưa lũ mùa hè trên đất Lào và gây ra trận lụt tháng bảy tại khu vực trại giam Sơn Tây vào năm 1970 thì cũng chẳng mấy ai biết được điều đó. Bộ Quốc phòng phỏng định rằng, trong suốt sáu năm thực hiện các công tác hóa chất tạo mây mưa, chỉ có 1.400 viên chức được quyền biết về các hoạt động này. Số người này bao gồm cả các phi hành đoàn và “nhân viên yểm trợ” đã thực hiện 2.602 chuyến bay liên hệ, và đã chuyển vận 47.409 “đơn vị hóa chất” lên các loại máy bay dùng cho chiến dịch Mở mắt. Có thể tính ra là mỗi năm chỉ có khoảng 230 người được tuyển chọn kỹ về an ninh để được quyền tham gia vào việc hoạch định, vận chuyển khiêng bốc hóa chất, và thực hiện độ 435 chuyến bay công tác. Như vậy, Mở mắt là một chiến dịch “tối mật của tối mật”.

Một tài liệu do Lầu Năm Góc cung cấp sau này có nêu rõ là chỉ có “Giám đốc và một số viên chức tham mưu hạn chế của CIA” mới được quyền biết đến các hoạt động này. Tài liệu này cũng có tiết lộ danh sách 14 cơ quan hoặc văn phòng khác “được phép thông báo cho biết tùy theo từng độ mật của công tác chiến dịch và phạm vi hoạt động”. Số cơ quan này được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên kể từ “văn phòng Tổng tư lệnh Bộ tổng tham mưu hỗn hợp” và “số viên chức tham mưu hạn chế tại văn phòng Bộ trưởng quốc phòng” cho đến “Giám đốc, Nha Khai thác và Điều hợp quốc phòng”. Trong bản danh sách thông báo, không thấy nêu tên cơ quan DIA. Lẽ ra thì phải có mới đúng, và như thế thì chính cơ quan DIA phải thông báo lại cho uỷ ban kế hoạch tập kích Sơn Tây được rõ. Nhưng trên thực tế thì ngay cả các viên chức quan trọng chuyên trách về nghiên cứu của DIA trong việc yểm trợ cho cuộc tập kích cũng không biết mảy may gì về chiến dịch Mở mắt. Còn cơ quan CIA thì không phải lúc nào cũng thông báo cho Bộ tổng tham mưu hỗn hợp biết về các công việc họ làm tại vùng “lãnh thổ riêng biệt” của họ trên đất Lào.

Tình trạng này thật hết sức phức tạp - và mơ hồ một cách cố tình - gây ra nhiều câu hỏi thắc mắc trong công tác tập kích Sơn Tây. Một vài viên chức cao cấp trong giới tình báo; vào khoảng tháng bảy hoặc đầu tháng tám có biết được sự kiện số tù binh ở Sơn Tây đã được di chuyển đi chỗ khác trước đó không?- Có phải số tù binh này bị sơ tán vì trận lụt do hoạt động mưa nhân tạo của Mỹ gây ra không? - Và nếu đúng như vậy thì việc các chuyên viên lập kế hoạch Sơn Tây đã không được thông báo cho biết trước về sự kiện tù binh đã bị sơ tán rồi có phải là do nguyên nhân các chuyên viên kế hoạch này không được phép biết đến chiến dịch Mở mắt?- Một thời gian dài sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, các câu hỏi này mới được nêu ra. Vào tháng tám năm 1970, các chuyên viên kế hoạch Sơn Tây chỉ biết có một điều là có dấu hiệu “giảm sinh hoạt” tại khu trại giam và trong các tuần lễ trước mắt, họ phải đương đầu với các điều kiện thời tiết bất thường. Chính Manor sau này đã viết trong bản báo cáo công tác rằng: “Đại khái trong hai tháng trước ngày tập kích một số lượng mưa bão gần bằng mưa bão trong năm năm qua đã đổ ập xuống Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam và Lào”. Khắp cả ba vùng này đã hứng chịu cảnh “thời tiết xấu nhất” kể từ bao năm qua. Như vậy thì việc chụp không ảnh để cung cấp nguồn tin tình báo mới nhất vào phút chót, sẽ là điều vô cùng khó khăn. Như vậy cũng có nghĩa là việc ấn định thời điểm cho công tác tập kích cũng sẽ khó khăn. Phải chăng ta có thể nghĩ rằng một chiến dịch tối mật của Hoa Kỳ đã vô tình suýt làm nguy hại đến sinh mạng của số tù binh Mỹ ở Bắc Việt Nam lẫn cả tính mạng của binh sĩ và phi hành đoàn đang cố gắng lên đường đi giải cứu số tù binh ấy.

phithiengia
09-04-2008, 13:52
Vốn quý
Không một nơi nào ở Bộ tham mưu chỉ huy không quân chiến lược O-ha-ma A-bờ-rao-oa, hoặc bất kỳ nơi nào khác của SAC (Chỉ huy không quân chiến lược) - được phép biết một điều gì về cuộc tập kích Sơn Tây. Mặc dầu vậy SAC vẫn phải cung cấp số lớn tin tình báo mà Manor và Simons cần. Các đội tiếp nhiên liệu của SAC, cũng như các đường giao thông tiếp vận của nó phải yểm trợ cuộc tập kích.

Trong khi nhóm làm kế hoạch của Blackburn tiếp tục những buổi họp từ ngày 10 đến 14 tháng 8 thì một toán máy bay trinh sát gồm 7 chiếc Buffalo Hunter được giao cho Manor sử dụng nhằm giúp nhóm người làm nhiệm vụ của ông kiểm tra được giờ chót tình hình ở trại Sơn Tây và tình hình chiến đấu của Bắc Việt. Ít ra nhiều nhiệm vụ ở độ cao của SR-71 cũng làm được một số việc, nhưng các nhà giải thích ảnh cần những không ảnh để kiểm soát kết quả của ảnh chụp theo tỷ lệ nhỏ từ những máy ảnh kỹ thuật có tiêu cự cực dài, chụp bao trùm một bề rộng 10 dặm trên mặt đất.

Các phi đội của SAC phải bay cho cả hai loại nhiệm vụ, nhưng không một ai ở O-ha-ma hiểu tại sao. Các nhà giải thích ảnh của SAC cũng không được biết việc đó nhằm mục đích gì. Sau cuộc tập kích Manor có nhiệm vụ dặn “trong tương lai, nếu khi nào những vốn quý trinh sát của SAC được sử dụng thì một sĩ quan của Văn phòng trung tâm đòi hỏi tình báo trinh sát của SAC” phải thuyết trình về hoạt động này. Ông ta tiếp tục giải thích rằng, kinh nghiệm cho thấy là gặp khó khăn trong việc phối hợp những yêu cầu trinh sát của JCTC (Nhóm nhiệm vụ hỗn hợp trường hợp bất ngờ) với Trung tâm trinh sát của SAC ở căn cứ không lực Ốp-phút như việc không một nhân viên nào của SAC được phép biết hoạt động này. Một “sự hiểu biết cặn kẽ của những yêu cầu Manor đề nghị, sẽ giúp nhiều trong việc đạt được kết quả mong muốn”.

Còn một khó khăn khác. Do mưu kế đánh lừa của nền hành chính quân sự, SAC chịu trách nhiệm về tất cả việc trinh sát ở độ cao (Những vệ tinh, U-2 và SR-71) chỉ trừ một phần của kế hoạch trinh sát ở độ thấp của không lực SAC chịu trách nhiệm về những máy bay (RPV) điều khiển từ xa hoặc máy bay không người lái - những Buffalo Hunter và các chuyến bay ở độ thấp không người lái cho những nhiệm vụ trinh sát Ở Bắc Việt Nam; nhưng Bộ chỉ huy không lực chiến thuật (đặc biệt là không lực thứ 7 ở Sài Gòn) hoạch định nhiệm vụ bay có người lái ở độ thấp, thường thường là với máy bay RF-4 hoặc RF-101. Những trách nhiệm hỗn hợp bắt các nhà làm kế hoạch của Lầu Năm Góc thực hiện những sứ mệnh phức tạp và sôi động như vụ tập kích Sơn Tây - Nhất là khi mà văn phòng trinh sát của Bộ tham mưu hỗn hợp không thể nói cho SAC (chỉ huy không lực kỹ thuật) hay là không lực thứ 7 biết Lầu Năm Góc đang tìm kiếm gì hoặc khi nào phải đánh vào các mục tiêu được trinh sát đó.

Một phần của sự lộn xộn là cố tình để ngăn ngừa những sự tiết lộ, trong đó có một phần là do tình cờ. Nhưng tại tổng hành dinh của SAC một trung tá trẻ tên là Giôn Da-le thắc mắc với tư cách là chỉ huy trinh sát bằng máy bay cho SAC. Ông đã thực hiện nhiều nhiệm vụ bằng chiếc Buffalo Hunter trên một phần Bắc Việt Nam liền trong 2 năm mà không ai chú ý đến, và những chiếc máy bay trinh sát săn bắt của ông ta cũng không thu lượm được gì. Bảy lần bị bắn trong khi bay từ giữa đầu tháng 9 đến cuối tháng 10; ít nhất có hai chiếc bị bắn rơi bởi những tay súng Bắc Việt Nam và 4 lần “thất bại kỹ thuật” do thời tiết gây ra. Mỉa mai thay một trong những máy bay đó, bay vào ngày 12 tháng 7 - ngày mà hai ngày trước khi các tù binh Mỹ ở Sơn Tây bị di chuyển. Hai trong những tù binh Mỹ đó là Elmo Baker và Larry Carrigan, đang ở ngoài sân của trại tù thì trông thấy máy bay bay đến gần. Họ mừng quýnh rồi vẫy tay để nói với thế giới bên ngoài: “Chúng tôi ở đây, chúng tôi đang ở đây”. Nhưng có điều không may, trong số 127 triệu tấm ảnh của Buffalo Hunter chụp trên Bắc Việt Nam mà giấy nay chứa đầy trong những hồ sơ của DIA lại không có được một bức ảnh nào của lần bay đó.

Lần chụp sau cùng của Buffalo Hunter là hoàn hảo. Người ta cho rằng nó mang về những bức ảnh chụp từ độ cao trên ngọn cây, gần sát trên những bức tường của nhà tù Sơn Tây, để cho thấy “tầm cao, màu sắc và những nét mặt” của mỗi người trong nhà tù Sơn Tây. Những ảnh chụp tuyệt diệu đó do máy bay tính toán kỹ đã thực hiện quá sớm và chụp vào một khoảng chân trời cách xa trại tù. Khi ông giám đốc Bennett của DIA trông thấy ảnh, ông ta hồi tưởng lại “Tôi đã khóc suốt 2 ngày liền”. Bởi vì ông ta chỉ có thể nói theo trí tưởng tượng của mình rằng Sơn Tây có thể trống hoặc là đông đảo nông dân đi thăm ruộng lúa”.

Tập thể tình báo cho rằng nếu bay thêm những phi vụ gần trại tù có thể báo hiệu cuộc tập kích. Họ quyết định phải dựa vào sự “xâm nhập trên độ cao” đối với số ảnh còn lại. Những chiếc SR-71 sẽ cất cánh từ căn cứ không lực của Ka-de-na, Ô-ki-oa, nhưng phim chụp thì phải đưa nhanh về cho các nhà giải thích ảnh của DIA trong đội trinh sát kỹ thuật thứ 67 của SAC ở căn cứ không lực Y-ô-ko-ta, Nhật Bản, rồi gửi về Oa-sinh-tơn để xem kỹ thêm. Vì những người của DIA bổ nhiệm cho SAC không được phép biết vụ tập kích nên các nhà giải thích ảnh ở Y-ô-kô-ta phải tìm kiếm những thay đổi trong hệ thống phòng không của Bắc Việt và những điều động quân sự trên con đường cắt rộng 10 dặm mà ảnh của SR-71 đã chụp được. Họ đã làm một công việc tốt. Như lời của một người trong bọn về sau nói lại: “Họ đã xác nhận được vị trí của mỗi một nòng súng trong khoảng 50 dặm cách xa nơi đó”. Chỉ có những nhà giải thích ảnh của DIA bổ nhiệm thẳng cho nhóm Hỗn hợp hành động bất ngờ của Manor mới đọc thấy sự việc tiến triển như thế nào ở Sơn Tây. Nhưng không phải mọi việc đều đã dễ dàng. Bởi thời tiết bất thường ở phần đất Đông Nam Á vào giữa năm 1970 này, nên mục tiêu thường bị mây che phủ hoặc khuất trong những bóng đen nặng nề.

Tại DIA - Bennett và phụ tá của ông ta là Sít-tiu-y-ớc quyết định rằng đến giờ phải áp dụng những “vốn quý” khác. Đó là cho xâm nhập một điệp viên CAS vào gần mục tiêu. Như cho một điệp viên nào đó có thể “đạp xe đạp” bên ngoài trại tù Sơn Tây đến đó làm như hỏng xe để quan sát vào bên trong cổng chính của trại tù, nghe ngóng có giọng nói của người Mỹ nào không? Việc ngăn cấm xâm nhập vào và không cho tiếp tế trở lại đã được hủy bỏ phần nào do lệnh của Tổng thống Nixon. Bennett đi gặp Moorer về sự xâm nhập mà ông ta đề nghị, để trù tính thời gian cho chính xác, điệp viên có thể lọt vào và trở ra an toàn. Đô đốc Moorer đồng ý, ông ta ra lệnh cho Bennett kiểm soát lại với CIA và “điều tra xem có nên cho một toán CAS xâm nhập hay không? Và phải làm trên cơ sở hết sức kín đáo”.

Khi người ta hỏi: “Việc đó ra sao” thì Moorer cho biết: “Bị phản đối”. Ông ta giải thích: “Trong một nước và một xã hội bị đóng kín như Bắc Việt, thì một người dân da trắng nổi bật ra như là một mục tiêu dễ bị phát hiện, dễ bị để ý. Còn sử dụng một điệp viên người Việt Nam, thì chúng ta không thể tin được. Và như vậy thì kết quả là con số không. Rồi vì sự việc có thể dẫn tới khả năng người Bắc Việt Nam có thể đoán được vụ tập kích để bố trí phục kích”. Được hỏi: “Ông có biết rằng đã có một toán CAS hoặc một điệp viên được đưa vào trước đây hay không” thì Moorer đáp sau khi dừng lại một lát: “Không, tôi không nghĩ rằng có một điệp viên nào đã vào đấy”. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Có thể có một toán ở bên Lào, nhưng mà toán đó chẳng cung cấp được một tin nào. Những hoạt động có tính chất như thế đang diễn ra ở biên giới Bắc Việt Nam, nhưng mà nó không đóng góp được gì cho vụ tập kích Sơn Tây cả, tôi nhớ như vậy”.

Bennett hồi tưởng lại những việc đã qua, còn rõ ràng hơn: “Chúng ta quả thực có ném một điệp viên khoảng hai tháng” trước vụ tập kích, nhưng theo lời của Bennett thì anh ta không tìm thấy được gì. Được hỏi điệp viên đó có về được hay không thì Bennett đáp là: “Tôi không biết. Nhiệm vụ của tôi đã hết rồi. Ông biết không, chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy được gì nhiều hơn khi mà ở đó, chung quanh đó, họ đang sục sạo”.

Có lẽ vì hoạt động này quá được giữ kín hoặc vì điệp viên không khám phá được gì nên Blackburn không biết CIA và DIA đã làm gì. Rõ ràng đến cả đô đốc Moorer cũng không được biết gì về chi tiết của hoạt động. Một “vốn quý” trước đây đã bị loại bỏ bởi vì nó có thể làm mất an toàn của vụ tập kích, bây giờ đang được sử dụng lại - Những người có nhiệm vụ làm kế hoạch vẫn không biết. Blackburn không biết rằng, một điệp viên CAS có thể đang “sục sạo” quanh Sơn Tây không lâu trước ngày vụ tập kích tiến hành.

Lại có một “vốn quý” khác nữa mà chỉ có một nhúm người trong giới viên chức của chính phủ Hoa Kỳ biết. Đó là một người Bắc Việt, một người thuộc “tầng lớp trung lưu” nhưng là một viên chức am hiểu tin tức ở Hà Nội. Tên của anh ta là Nguyễn Văn Hoàng, một viên chức cũ trong cơ quan điều tra của văn phòng soát xét quân dịch của Bắc Việt Nam, nhóm liên quan đến hành chính và giám sát những tù binh và những nơi họ bị giam cầm. Cơ quan sưu tầm của họ và đặc biệt là Hoàng, có giao dịch với các vụ chất vấn những tù binh. Hoàng trạc 50 tuổi và hơi cao đối với một người Việt Nam. Cái đặc biệt nhất của anh ta là nước da trắng trẻo, tóc đen cắt ngắn, lông mày rậm.

Hoa Kỳ đã đào tạo Nguyễn Văn Hoàng qua trung gian của tổ chức gọi là “An-phờ-rét” ở Hà Nội. Khi mà những bức ảnh của Buffalo Hunter được phóng ra thì DIA tìm cách hỏi Hoàng tin tức về Sơn Tây và để che giấu sự quan tâm quá rõ ràng của mình về mục tiêu đó, cũng như các trại tù binh khác. Đó là một đòi hỏi sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực hơn là việc cho một điệp viên CAS xâm nhập vào. Nhưng Blackburn và Mayer đều không được biết tí gì về cái “vốn quý” ấy cả.

Nhìn lại 5 năm sau vụ tập kích, các viên chức quân báo công nhận rằng có một con “chủ bài” mà họ quên không dùng đến: đó là những máy dò tiếng động bên trên và tiếng địa chấn để nắm trại Sơn Tây. Máy này được sử dụng rộng rãi để gieo rắc, cài cắm trên những ngả đường ở Nam Lào thời kỳ đó, mà kết quả được không lực cho là “ngoạn mục” để điều khiển những vụ oanh kích ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Bắc Việt cho miền Nam.

Don Blackburn đã biết nhiều đến sự tiến triển lúc đầu của những máy dò tìm đó. Ngay sau khi từ SOG trở về vào năm 1966, ông ta đột ngột phải rời khỏi Uỷ ban quân sự NATO để bổ nhiệm vào một cục mới được thành lập gọi là “Nhóm kế hoạch bảo vệ giao thông”. Công việc của nó là thiết kế và thiết lập “hàng rào điện tử” hay “hàng rào xâm nhập” mà Bộ trưởng quốc phòng McNamara hy vọng với niềm lạc quan to lớn là có thể cô lập hóa Nam Việt Nam. Công việc của Blackburn ở Nhóm kế hoạch bảo vệ giao thông (DCPG) là trợ tá phó giám đốc tình báo và đánh giá. Khi mà các máy dò tìm được triển khai và thí nghiệm, ông ta có được một vài sự đánh giá tốt về tiềm năng của nó. Về sau, ông ta được thuyết trình đều đặn về tin tức mà những máy dò tìm đã thu được và những hoạt động mà nó thực hiện. Thời gian này, McNamara đã rời Lầu Năm Góc và “hàng rào điện tử” của ông ta đã bị loại bỏ; nhưng những máy dò tìm mà DCPG triển khai được đặt làm những “lính gác đường” bí mật ở Lào đến mức độ cứ bốn bụi rậm dọc đường mòn Hồ Chí Minh đều có một ăng-ten cắm trong đó. Như một sĩ quan không lực sau này đã nói “Chúng tôi giăng chằng chịt dây trên đường mòn Hồ Chí Minh giống như một cái máy cổ lỗ của hiệu bán thuốc tự động và rồi chúng tôi liên lạc với nó vào ban đêm”.

Sau khi Manor và Simons bay trở về Florida sau những buổi họp cho kế hoạch trong những ngày 10-14 tháng tám với các chuyên viên, họ có nói đến một kiểu mẫu mà Mayer đã giới thiệu với họ. Tên của mẫu đó là Barbara. Mayer miêu tả “hoàn toàn đẹp, được tô điểm đầy đủ và lắp ráp tuyệt vời”. Khi Simons trông thấy nó, ông ta chỉ có việc tán thành. “Barbara” là một mô phỏng của trại tù Sơn Tây cỡ bằng chiếc bàn, giá 60.000 đô-la do CIA làm trong tháng 6 theo yêu cầu của Mayer, có đầy đủ chi tiết và được lắp ráp như những máy móc đặc biệt. Qua đó, những người của Simons có thể trông thấy khu trại tù giống hệt như trại Sơn Tây trước mắt để họ dễ dàng nhận thấy lúc tập kích ban đêm. Thay đổi ánh sáng trại tù sẽ hiện ra như dưới ánh trăng khuyết, hoặc gần như trong bóng đêm. Simons đã từng trông thấy những kiểu mô hình như thế trong những hoạt động khác, nhưng không có cái nào được hoàn chỉnh như kiểu này. Ông ta muốn cho người của ông biết rõ mục tiêu với mọi chi tiết được nghiên cứu trên sa bàn ở Eglin gần với những cuộc tiến công thật sự tại Sơn Tây. Mỗi một thành viên của lực lượng tập kích sẽ có thể chiến đấu theo nhiệm vụ của mình trong những buồng giam của tù binh cho dù thành viên ấy có mù, điếc, say hay bị thương.

phithiengia
10-04-2008, 09:33
Cuba
Cu-ba ám ảnh nặng nề tâm trí của Marty Donohue. Cuộc huấn luyện của không lực cho vụ tập kích Sơn Tây bắt đầu vào ngày thứ năm, 20 tháng 8. Trong thời gian đó, Donohue đã trở về từ chuyến bay kỷ lục xuyên Thái Bình Dương trên chiếc thực thăng HH-53 rồi gia nhập vào các phi đội trực thăng và C-130 mà Warner Britton đã tuyển mộ. Họ đều là những người trong kế hoạch. Phần nhiều những phi vụ của họ được thực hiện trên vịnh Mê-hi-cô, vừa gần kề căn cứ Eglin của không lực ở phía Nam. Phần còn lại bay ở độ rất thấp, sát mặt đất ngoằn ngoèo, quanh co trên vùng núi non miền Bắc Ghê-óc-ghi và Ten-nét-si, rồi bay trở về qua những chòm thông bằng phẳng của vùng cán xoong Florida ở độ cao trên ngọn cây. Thường khi họ được những máy bay tiến công loại A-1 bay kèm, loại này kềnh càng nhưng dễ vận dụng. Những chiếc máy bay khổng lồ còn sót lại từ cuộc chiến Triều Tiên, thường dùng để hộ tống những trực thăng lớn trong những nhiệm vụ bay giải cứu ở Đông Nam Á.

Donohue không có ý kiến gì về cuộc luyện tập này. Có nhiều vụ bay ban đêm, tập tiếp nhiên liệu và bay thành đội hình sát nhau với trực thăng tiếp cứu loại HH-53 kềnh càng và loại nhỏ hơn HH-3, đôi khi với loại bé hơn nữa là UH-1 của quân đội. Hai loại trực thăng sau cùng này thường bay rút vào đội hình sau những chiếc C-130, 4 động cơ không người lái. Mọi người đều phân vân không hiểu Britton và Manor đang tính toán điều gì, nhưng qua thời gian của những phi vụ luyện tập - và những báo cáo cho biết Liên Xô có thể đang xây dựng căn cứ tiếp tế cho tàu ngầm tại Ci-en-phuê-gốt ở Cu-ba - Donohue quả quyết rằng kế hoạch Bờ Biển Ngà là chuẩn bị cho một vụ tiến công Cu-ba bằng trực thăng.

Những việc đó có vẻ ăn khớp. Khi huấn luyện lái trực thăng HH-53 tiến triển, Donohue nhận thấy những phi vụ kéo dài ngày càng lâu, lúc đầu chỉ độ dưới 2 tiếng đồng hồ đến cuối cùng đúng hơn 4 tiếng.

Từ căn cứ Eglin đến bờ biển miền Nam của Cu-ba độ 1.000 dặm, phải bay 9 tiếng rưỡi với chiếc HH-53 ở tốc độ nhanh nhất của nó. Song một cuộc tập kích từ Eglin đến Cu-ba là không thể thực hiện được. Công tác thực tế này có thể phải được phóng đi từ Bộ chỉ huy không lực chiến thuật to lớn tại căn cứ không lực Mác-din phía nam Pê-téc-bua. Đó là căn cứ, nơi xuất phát những vụ oanh kích các giàn hỏa tiễn của Liên Xô năm 1952 trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cu-ba. Mác-din cách xa Cu-ba khoảng 520 dặm, khoảng chừng 5 giờ bay của HH-53; nhưng nếu các máy bay đáp xuống để lấy thêm nhiên liệu tại căn cứ không lực Hôm-mít-tít ở nam Mai-a-mi thì chuyến bay đến Cu-ba sẽ mất từ 3 giờ đến 3 giờ rưỡi. Có vẻ là hợp lý - 3 tiếng rưỡi đồng hồ, phần nhiều bay trên mặt nước, sát một ngọn đồi, bay ở độ thấp qua dãy núi Săng-ta Cờ-ra của Cu-ba và nổ súng để đánh sụp căn cứ tiếp liệu cho tầu ngầm ở Ci-en-phuê-gốt.

Các phi đội khác trong chương trình huấn luyện cũng nghĩ như Donohue, Cu-ba sẽ là mục tiêu. Họ chỉ cách xa đó khoảng 9.500 dặm.

Dù sao, những tính toán của Donohue cũng chính xác theo một nghĩa nào đó. Trong vụ tập kích Sơn Tây, những chiếc HH-53 sẽ bay từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ để đến mục tiêu. Nhưng không bay nhiều trên mặt nước, chỉ một ít sông ngòi và hồ ở Lào và Bắc Việt Nam, chỉ bay ba giờ rưỡi bay vòng những đồi và núi quanh co theo con đường mà DIA và NSA đã vạch ra để che giấu sự xâm nhập vào Sơn Tây, tránh qua những chốt ra-đa của Trung Quốc và Bắc Việt Nam đã được biết vị trí. Mỗi một lần quanh co phải được tính toán kỹ thời gian để làm sai những khoảng cách phát hiện của ăng-ten ra-đa Việt Nam.

Việc huấn luyện những chuyến bay ở Eglin mất nhiều thì giờ nhưng không buồn tẻ. Một vài trong những chuyến bay tập đó đúng là sởn gai ốc, thí dụ những chiếc C-130, hoạt động với hết khả năng của nó - như các kỹ sư hàng không vẫn gọi là tiến sát đến cái chết. Ba chiếc C-130 sẽ tham gia vào cuộc tập kích. Một chiếc loại giải cứu HC-130 sẽ tham dự ở những giai đoạn đầu của chuyến bay và tiếp nhiên liệu cho các trực thăng trên không ở đất Lào. Hai chiếc C-130 khác được trang bị đặc biệt, với khí cụ bay mới và hệ thống hồng ngoại dò tìm (chưa hề sử dụng trước đây) thích hợp nhằm chống lại những “ổ tình báo” ở mỗi điểm quanh co dọc theo những con đường dẫn đến mục tiêu. Một trong những chiếc C-130 đó sẽ cầm đầu hướng dẫn lực lượng tập kích gồm 5 chiếc HH-53 và thêm một chiếc HH-3 hoặc UH-1 để thả pháo sáng xuống trại tù. Chiếc C-130 thứ hai sẽ hướng dẫn chiếc A-1, lực lượng oanh tạc yểm trợ bay xuyên qua được mạng lưới ra-đa của Bắc Việt. Đội bay của hai chiếc C-130 phải luyện tập chính xác các vai trò xoay trở và bay thành đội hình, khi gặp trường hợp một trong hai chiếc bị bắn rơi hoặc bị hỏng hóc máy móc dọc đường mà phải ở lại. Đó không phải là một khả năng không thể xảy ra, nhưng cũng không phải là một trong những vấn đề hiếm có.

Thiếu tá L.Franklin thuộc phi đội hoạt động đặc biệt thứ 7 của không lực và trung tá P.Blosch thuộc phân độ 2 phi đội hoạt động đặc biệt thứ nhất, đã từng bay một số phi vụ C-130 - nhưng chẳng có phi vụ nào giống như những phi vụ này. Tốc độ thường của một C-130 bay ở độ thấp là khoảng 250 hải lý. Blosch và Franklin giờ đây đang tìm cách bay với tốc độ 105 hải lý và gần như đã không điều khiển được máy bay, vì gần mất hết tốc lực. Họ phải bay chậm như vậy bởi vì một trong hai chiếc HH-3 và UH-1 sẽ đổ quân tiến công xuống bên trong những bức tường của trại tù. Hai chiếc này cũng không đủ sức để mang đủ máy móc của chính nó dùng để bay cho chính xác và phải chở thêm đội đột kích. Còn chiếc trực thăng to hơn thì lại không thể sử dụng được, vì khoảng trống bên trong khu trại Sơn Tây quá hẹp. Những chiếc “trực thăng mẹ” C-130 giống như là những con chó trinh sát cho chuyến bay đường dài vào Sơn Tây: cả hai trực thăng HH-3 và UH-1 đều không đủ sức thực hiện sứ mệnh mà nó phải bay, nó vừa đủ bám sát sau các cánh của những chiếc máy bay, giống như các tay lái xe đua vẫn chạy theo sau những chiếc xe đua phía trước trong những vòng đầu để tiết kiệm nhiên liệu và có thêm tốc độ.

Thật là điên rồ. Muốn lái một loại máy bay C-130 với tầm thấp như vậy thì Blosch và Franklin phải dùng 70 phần trăm độ vòng quay tốc lực của chong chóng, điều mà họ chỉ áp dụng trong trường hợp hạ cánh mà thôi. Bay chậm như vậy thì tất cả 4 động cơ phải phối hợp với nhau một cách hoàn hảo. Nếu một trong những động cơ này không hoạt động thì các đặc điểm về việc vận hành của máy bay C-130 trở nên kém hiệu lực. Và lẽ tất nhiên phi công không thể nhảy dù một cách an toàn được vì quá thấp. Blosch và Franklin chỉ có thể kéo cần điều khiển tốc lực vừa kịp để tăng lên 140 hải lý, và trong suốt 3 giờ rưỡi bay đến với việc điều chỉnh 70% vòng quay như đã nói ở trên thì chiếc C-130 không ổn định và không thể dùng hệ thống tự động để điều khiển.

Hơn nữa, Blosch và Franklin cũng hiểu rằng “cần phải rất thận trọng trong việc thay đổi tốc lực hoặc lái các đường bay ngoằn ngoèo” giữ cho được thăng bằng trong khi hạ cánh với điều kiện kỹ thuật này là một sự nguy hiểm. Nếu dùng quá tốc lực một cách đột ngột thì hoặc là máy bay sẽ mất thăng bằng hoặc là làm cho nó lao nhanh xuống đất. Với tốc độ 105 hải lý chiếc C-130 cũng không có thể phản ứng kịp để bay lên cao một cách an toàn khi máy ra-đa báo có chướng ngại vật ở phía trước. Trong khi đó thì đường bay đến mục tiêu phải bay qua vùng Bắc Thái Lan, Lào và vùng phía tây của Bắc Việt Nam lại đòi hỏi phải thực hiện nhiều đoạn bay quanh co lên xuống. Riêng có việc điều khiển này thôi cũng đã tỏ ra quá phức tạp, đến nỗi Manor đã quyết định bổ sung thêm một người lái thứ 3 vào phi hành đoàn của chiếc C-130 vào giữa giai đoạn của chương trình huấn luyện.

Viên phi công của chiếc C-130 còn nhiều việc rắc rối khác phải đối phó. Như khi đến mục tiêu phải thả pháo sáng để rọi khu doanh trại và sau đó thả pháo khói để đánh lạc hướng, làm rối loạn hàng ngũ và lung lạc tinh thần các toán canh gác Bắc Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn huấn luyện bay thử thì một vài pháo sáng do Franklin thả xuống bị tịt ngòi.

Cuộc tập bay càng trở nên phức tạp, khó khăn khi các trực thăng, C-130 và A-1 bắt đầu tham gia tập dượt chung. Những máy bay A-1 với đầy đủ bom, hỏa tiễn và xăng dầu, phải bay với tốc độ khoảng 145 hải lý để giữ thăng bằng, và cần phải có một chiếc C-130 bay kèm để hướng dẫn chúng đến mục tiêu. Chiến thuật bay vòng và bay theo hình chữ S đã được nghiên cứu kỹ để những chiếc máy bay bay với tốc độ 105 hải lý vẫn có thể liên lạc được với những chiếc máy bay với tốc độ 145 hải lý. Như vậy, nếu có trường hợp một chiếc C-130 nào bị bắn rơi hoặc bị hỏng hóc thì những chiếc trực thăng hoặc các chiếc A-1 còn lại vẫn có thể tiếp tục hướng dẫn những chiếc C-130 E khác đến mục tiêu.

Toàn thể phi hành đoàn đã tập dượt cách bay ngoằn ngèo lên xuống vào ban đêm với tầm cao sát ngọn cây, trên vùng đất lởm chởm của miền Bắc tiểu bang Giê-oóc-ghi và dãy núi Gờ-rét Sơ-mo-ky dưới ánh trăng lờ mờ. Để dưới đất không phát hiện được, phi công phải cố gắng giữ cho đội hình bay sát nhau nhờ ánh đèn mờ của buồng lái, chứ không sử dụng đèn báo hiệu ngoài cánh để giữ khoảng cách khi bay trong ban đêm.

Phi công sử dụng ống nhòm điện tử có gắn mắt kính trông thấy được tầm thấp trong bóng đêm, nhưng ánh đèn mờ trong buồng lái lại làm cho việc sử dụng loại ống nhòm này ít hữu hiệu. Tuy nhiên, trong buồng máy bay phía sau, các chuyên viên cơ khí và các xạ thủ vẫn có thể dùng những ống nhóm này để theo dõi các máy bay bay phía sau. Tất cả các đường bay này đều phải thực hiện trong sự im lặng (không mở máy vô tuyến liên lạc). Và vì thời tiết trên đất Lào và Bắc Việt Nam rất bất thường cho nên họ phải tập dượt bắt liên lạc với nhau thường xuyên khi bay qua các đám mây hoặc sương mù che kín mặt đất Trong suốt chương trình huấn luyện này các phi hành đoàn của Manor đã phải tập dượt 1017 giờ bay để sẵn sàng cho việc thi hành tập kích Sơn Tây. Họ không để xảy ra một tai nạn nào trong 368 phi vụ trong những điều kiện khắt khe nêu trên. Tất cả đều được hưởng tiền phụ cấp giờ bay. Vào trung tuần tháng 9, họ đã sẵn sàng phối hợp với lực lượng của Simons để cùng tham gia giai đoạn huấn luyện hỗn hợp, tập dượt các cuộc đột kích ban đêm vào mục tiêu “cái làng kia” ở gần bãi tập dã chiến số 3.

phithiengia
10-04-2008, 09:47
Xạ trường C-2
Trong khi các phi công của Manor toát mồ hôi, rồi lại bị lạnh cóng trên bầu trời thì những lính tình nguyện của Simons lại đổ mồ hôi trên xạ trường C-2 tại căn cứ Eglin. Tất cả 103 người tình nguyện đều là loại “lính mũ nồi xanh” có kinh nghiệm, được lựa chọn theo sức vóc và thể lực của họ. Nhưng khi họ đến căn cứ Eglin thì Simons và Sin-đơ lại bắt đầu “uốn nắn thêm” vào thứ tư ngày 9 tháng 9, suốt trong một giờ trước bữa điểm tâm trong ngày huấn luyện đầu tiên. Simons bắt đầu hướng dẫn toán tình nguyện tập thể dục. Đầu tiên ôn lại sáu bài thao diễn cơ bản số 1. Hít đất 12 lần mỗi ngày mà bất cứ cựu quân nhân nào cũng còn nhớ rõ - và tiếp theo là chạy 2 dặm đường dài. Ngày hôm ấy họ chạy 3 phút, đi bộ một phút, rồi chạy lại. Chương trình tập luyện ngày càng tăng lên, và họ lại hít đất 8 lượt, mỗi lượt 12 lần, và chạy 2 dặm không nghỉ. Trong tuần lễ đầu chương trình huấn luyện được coi như là “xả hơi”, mỗi ngày 7 giờ học về xạ kích, hệ thống truyền tin và tập luyện liên lạc, định hướng máy bay trực thăng, phá hoại, tuần tiễu; cộng thêm thực tập về vượt ngục và kiếm sống. Và mỗi ngày nếu chương trình tập luyện chấm dứt trước giờ ấn định thì lại tập thêm về điền kinh.

Tối ngày 17 tháng 9 bắt đầu huấn luyện ban đêm, xạ kích và nhận định mục tiêu trong bóng tối. Cả hai chương trình này được thực hiện dưới đất và từ trên máy bay trực thăng. Sin-đơ và Meadows lúc nào cũng ở bên cạnh từng xạ thủ để hướng dẫn bắn trúng vào tiêu điểm của mục tiêu với số điểm tối đa - mục tiêu này là chòi canh hướng tây bắc và cổng chính của trại giam. Chương trình huấn luyện khác được thực tập từ việc di động việt dã, kiểm soát làng xã, lục soát nhà cửa, phá hoại chướng ngại, và thu dọn mục tiêu cho đến việc tiếp thu các bài học cứu thương do bác sĩ Cataldo dạy về cách băng bó các vết thương nơi trận địa, chống hoảng loạn, gãy tay chân và chích thuốc an thần. Nhiều giờ được dành thêm cho việc huấn luyện đột kích; Meadows chỉ dẫn cho toán tình nguyện từng bước một bắt đầu bằng cách ra dấu hiệu bằng tay:

- Ngón tay cái chỉ xuống: Nguy hiểm - có kẻ địch hoặc tình hình không tốt - chuẩn bị vũ khí để bắn.

- Ngón tay cái chỉ xuống kèm theo hai ngón di động và chỉ hướng phía trước: kẻ địch đang ở hướng đó.

- Bàn tay nắm lại, từ bụng đưa thẳng cánh tay ra trước: coi chừng bị phục kích - tránh xa và chuẩn bị nổ súng.

- Bàn tay quay vòng trên đầu với một ngón tay chỉ thẳng lên trời: Thành lập ngay vòng đội hình phòng vệ.

- Ngón tay cái chỉ lên: Được rồi - tình hình an toàn - chuẩn bị tiến lên.

Bài tập của Meadows gồm có 8 trang về thực tập các dấu hiệu nêu trên. Một phần huấn luyện bổ sung gồm có: Việc thực tập bắn các loại pháo hiệu đủ màu khác nhau để gọi máy bay trực thăng trong trường hợp khẩn cấp, việc sử dụng hỏa châu để đánh dấu địa điểm đổ bộ và các thủ tục đặc biệt về truyền tin dùng cho toán tấn công khi đã đáp xuống đất để liên lạc với nhau và để gọi máy bay đến pháo kích khi cần thiết.

Sau đó Simons chia những người lính của ông ta ra thành ba toán. Toán thứ nhất là toán tấn công gồm 14 người sẽ cùng với Meadows đổ bộ từ một chiếc trực thăng nhỏ xuống ngay trong sân trại giam, vì chỗ trên máy bay trực thăng quá chật chội cho nên toán này được trang bị loại súng CAR-15, một loại vũ khí nhỏ và nhẹ hơn loại 5,56 ly của súng M-16 mà những toán khác có mang theo. Một trong những đặc tính khác của loại súng CAR-15 là loại súng này có báng được gấp lại dùng để cầm tay. Sin-đơ thì chỉ huy toán chỉ đạo và an ninh gồm 20 người. Simons chỉ huy toán yểm trợ gồm 22 người. Cả hai toán này sẽ đổ bộ từ những chiếc trực thăng lớn hơn đáp ngay xuống ngoài vòng thành của trại Sơn Tây. Cả hai toán này đều được trang bị 2 súng trung liên M-60 với đạn 7,62 ly để chặn đứng mọi cuộc phản công - loại đạn này khi bắn trong đêm có phát ra vệt sáng để định hướng. Trong cuộc tập kích này cả ba toán đều mang ngụy danh là Thằng bé xanh, Rượu đỏ và Lá xanh. Ngụy danh riêng của cá nhân Simons là Rễ hoang. Người ta không còn nhớ là cái tên ngụy danh này đã được chọn một cách ngẫu nhiên hay là cố tình châm biếm vì lẽ Simons có đầu tóc thưa thớt.

Các toán không quân và bộ binh bắt đầu phối hợp thực tập tấn công vào ngày thứ hai, 28 tháng 9. Mỗi ngày 3 cuộc đổ bộ bằng trực thăng được tập dượt và mỗi đêm tập thêm ba lần nữa. Một vài cuộc tập dượt này không có trang bị vũ khí, hoặc có vũ khí nhưng không nạp đạn: những cuộc tập dượt khác thì có mang theo đạn thật, loại đạn phát ra vệt sáng trong bóng đêm; túi thuốc nổ, lựu đạn, và mọi thứ khác. Đến giai đoạn này thì tất cả các toán đã trải qua mọi việc thực tập đi bộ, trườn và chạy ra chạy vào khu vực mô hình nhiều lần đến nỗi họ biết rõ từng hướng ngắm bắn - lẽ tất nhiên chỉ là đạn bắn thử. Vị trí của từng người trong mỗi giây đồng hồ suốt cuộc tập kích đều được ấn định rõ ràng: “người lính nào chạy lệch ra khỏi vị trí chỉ độ hơn một mét hoặc sớm hay muộn hơn một giây đồng hồ thì sẽ bị trúng đạn 5,56 hoặc 7,62 ly của súng tiểu liên M-16 hoặc trung liên M-60 của đồng đội”. Sau một vài lần tập thử, Simons đích thân đi đếm từng dấu đạn trên điểm mục tiêu - được đặt xung quanh mô hình như để tượng trưng cho lính Bắc Việt đang đứng, ngồi hoặc nấp. Ông ta muốn những mục tiêu này phải mang đầy dấu đạn. Nếu không thì phải tập lại nhiều lần nữa. Không thể có chuyện sai lầm được, cuộc tấn công phải diễn ra chớp nhoáng, dữ dội và tiêu diệt gọn. Người nào không thể bắn nhanh chóng và chính xác thì sẽ bị thải ra khỏi toán tấn công, chuyển sang các nhóm hành chính và yểm trợ hậu cần.

Bây giờ người của Simons không những chỉ bắn xuyên qua mô hình mà thôi. Họ còn phải đột nhập vào doanh trại của mô hình, phá toang cửa, đập tan bản lề và chốt, chặt đứt dây xích bằng đèn xì và kìm cắt khóa - rồi họ thay phiên nhau người này cõng người kia ra khỏi “làng”. Trong số 103 người của Simons chỉ có 4 người được biết rõ họ đã và đang thực tập để làm gì. Với mục đích đánh lạc hướng và ngăn ngừa việc tiết lộ bí mật, những người khác chưa biết thì được bảo rằng đây là một cuộc giải cứu một vài viên chức ngoại giao bị bệnh đã bị bắt giữ làm con tin tại một toà đại sứ nào đó. Ngụy danh là “Bờ Biển Ngà” làm cho người ta tưởng rằng việc giải cứu này sẽ xảy ra ở vùng Trung Đông hoặc ở châu Phi. Vì lo sợ một vài tù binh có thể trở thành điên hoặc mất lý trí vì bị dao động trong cuộc tập kích cho nên bác sĩ Cataldo yêu cầu binh sĩ làm ra vẻ “chống đối” khi được cõng đi. Binh sĩ huấn luyện để đối phó với các “nhà ngoại giao” như đấm đá la hét - kể cả những người quá yếu không thể cử động tay chân được.

Khi giai đoạn tập huấn “dễ dàng” này đã hoàn thành thì Simons lại bắt đầu nâng cao chương trình tập khó hơn. Một kế hoạch gọi là “kế hoạch xanh” sẽ được thực hiện ngay trong trường hợp chiếc trực thăng của ông ta bị bắn rơi hoặc bị hỏng hóc giữa đường. Chương trình “Xanh da trời” được thực hiện khi toán tấn công của Meadows bị tan rã hoặc bị thất lạc. Gặp trường hợp này thì toán của Simons sẽ thay thế ngay để đập phá vách tường, truy quét doanh trại và giải cứu tù binh, trước khi đó thì toán của Simons sẽ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho khu vực ngoài vòng rào trại giam Sơn Tây. “Kế hoạch đỏ” sẽ được áp dụng trong trường hợp chiếc trực thăng của Sin-đơ và Cataldo không đến kịp mục tiêu. Trường hợp này nếu xảy ra thì toán của Simons sẽ đảm nhiệm việc hoạt động cả trong lẫn ngoài vòng rào doanh trại, trong khi đó thì chiếc máy bay oanh tạc của Donohue sẽ được gọi đến ngay đến bắn phá mục tiêu với một lưới đạn đủ các loại.

Trong giai đoạn huấn luyện này, Simons cũng lại yêu cầu binh sĩ của ông ta thực tập bắn đạn giả và đạn thật, tập bắn ngày và bắn đêm, tạo ra một tình trạng dữ dội và căng thẳng như trong thực tế có thể sẽ gặp phải trong cuộc tập kích. Vào khoảng hạ tuần tháng 9, Simons gặp phải sự lo âu. Bởi vì ban đêm người của ông ta chưa tập thuần thục việc bắn nát các mục tiêu, thế mà thời gian chỉ còn độ hai tuần lễ nữa là sẽ có thể bắt đầu hành động khi thời tiết cho phép. Simons lo nhất là việc thanh toán hai chòi gác trong trại. Dù ông ta đã cố gắng thúc giục các toán tấn công dưới đất tập luyện gắt gao nhưng vẫn chưa thể bắn nát được mục tiêu là tấm vải 2x4 tượng trưng cho mục tiêu thực tế quan trọng nhất. Ông ta có hỏi ý Manor xem các chòi gác ấy có thể được bắn sụp bằng máy bay pháo kích mà không làm tổn thương đến tù binh không?

Manor đề nghị thử dùng trực thăng loại HH-53 có gắn súng nòng 7,62 ly loại nhỏ như kiểu đại liên 6 nòng, để bắn từ hai sườn và phía sau trực thăng xuống vọng gác. Nếu trực thăng HH-53 bay sát ngọn cây trên doanh trại và bay xuyên qua khoảng giữa hai chòi gác thì việc pháo kích này có thể thực hiện được một vài giây đồng hồ, sau khi bắn hạ các chòi gác thì trực thăng chở các toán tấn công sẽ bay đến và đáp xuống trại Sơn Tây.

Simons tỏ ra nghi ngờ về việc này. Ông ta muốn thấy tận mắt việc thực hiện và sẽ được thực hiện như thế nào. Ông ta không muốn các buồng giam tù binh bị bắn thủng đầy đạn. M.Donohue được lựa chọn để lái chiếc trực thăng pháo kích và Simons quyết định cùng bay chung với Donohue để tự tay mình bắn thử xem sao. Donohue đồng ý và chiếc trực thăng HH-53 được chở đầy súng đạn đủ có thể bắn tan nát một sư đoàn Bắc Việt nếu mỗi viên đạn đều trúng mục tiêu. Một chiếc trực thăng UH-1 có gắn đèn rọi bay phía trên để soi sáng mô hình giống với thực tế trại Sơn Tây có ánh sáng trăng và ánh sáng hỏa châu trong đêm tập kích thật sự. Khi Donohue, Simons và 3 xạ thủ của Donohue, bắt đầu trực tiếp xạ kích với chiếc trực thăng HH-53 bay sát mái nhà của vài khối buồng giam thì Simons như bị điếc tai. Ông ta đã quên không mang nút bịt tai nên suốt cả ngày hôm sau không thể nghe gì được nữa, nhưng cặp mắt thì sáng rực vì lẽ “các mục tiêu đã được triệt hạ”. Và Simons cũng được an lòng vì đạn không bắn trúng các tấm vải tượng trưng cho khu buồng giam tù binh. Simons tỏ vẻ khoái chí. Donohue và các xạ thủ của ông ta từ đây cho đến ngày lên đường tập kích chỉ cần tập dượt việc pháo kích bằng máy bay này một lần nữa thôi là đủ.

Vào giữa khuya đêm thứ 3 mồng 6 tháng 10, Manor và Simons chỉ đạo toàn thể lực lượng thực tập một lần cuối cùng, bắn bằng đạn thật vào ban đêm. Tất cả mọi đường bay quanh co để đi đến mục tiêu đều phải thực hiện, lẽ dĩ nhiên là chỉ thực hiện trên vùng trời của miền Đông Nam Hoa Kỳ chứ chưa phải tại Đông Nam Á (Chuyến bay cuối cùng trong giai đoạn thực tập này bao gồm độ 1 giờ bay tượng trưng cho thời gian từ lúc các toán của Simons bắt đầu rời căn cứ Takhli ở miền Trung Thái Lan cho đến căn cứ xuất phát ở Udorn, khoảng phía nam của biên giới Lào, độ 192 dặm đường bay đến mục tiêu tập kích. Từ địa điểm này bay đến trại giam Sơn Tây và trở về là một đoạn đường bay dài và quanh co khoảng 587 dặm.

Đ.Blackburn và Mayer bay đến căn cứ Eglin quan sát việc thực tập cuối cùng này. Simons và các toán lính của ông ta thật là tuyệt vời. Các phi hành đoàn của Manor là những người vững vàng, đáng được tin tưởng nhất mà Blackburn và Mayer chưa từng thấy. Nếu mọi việc được thực hiện tốt đẹp thì tất cả tù binh ở Sơn Tây sẽ trở thành những con người tự do trong vòng 15 ngày nữa. Manor và Simons đã quyết định rằng ngày 21 tháng 10 là ngày tốt nhất để xuất phát cuộc tập kích.

Simons rất hài lòng với việc thực tập này, nhưng rồi ông ta lại phải đương đầu với một sự rắc rối mới, cuối cùng - một rắc rối to lớn. Chiếc trực thăng không thể đáp xuống trong vòng rào của trại giam một cách nhanh chóng như ý muốn. Loại trực thăng HH-3 quá to lớn đối với khu vực chật hẹp trong sân trại. Phi công đã cố gắng thử mọi cách nhưng cũng không đáp lọt xuống được sân trại. Còn loại trực thăng UH-1 nhỏ hơn thì có thể đáp xuống được nhưng lại không đủ chỗ để chứa toán lính của Dick Meadows vì nó chỉ chở được 10 người mà thôi. Ngoài ra, vì chật chội cho nên việc đổ bộ ra khỏi trực thăng sẽ bị chậm chạp và như vậy thì việc hoạt động trong hàng rào trại giam có thể sẽ bị thất bại. Loại trực thăng nhỏ này còn có những nhược điểm khác: nó không được chế tạo để tiếp nhận nhiên liệu trên không, nếu mang theo bình chứa nhiên liệu lớn thì càng không đủ chỗ và nó không thể bay kịp chiếc vận tải C-130 dẫn đường. Như vậy chỉ còn có cách là toán lính của Meadows sẽ được giảm đi tới mức tối thiểu và sẽ phải dùng loại trực thăng nhỏ này đi từ một địa điểm nào đó của CIA ở biên giới Lào để bay vào miền Bắc Việt Nam. Như vậy cuộc tập kích trở nên khó khăn hơn.

Manor yêu cầu phi hành đoàn thực thăng thử đáp xuống một lần nữa với loại HH-3. Cho đến bây giờ thì H.Zender và viên phi công phụ của ông ta là thiếu tá H.Kalen đã bắt đầu biết rõ ràng về loại công tác này, cho nên cả hai đều muốn giúp cho toán của Meadows rút thật ngắn thời gian đổ bộ vào các khu buồng giam tù binh trước khi các lính canh Bắc Việt phát hiện được.

Họ tình nguyện đưa chiếc HH-3 xuống ngay trong doanh trại. Cánh quạt dài 62 bộ([22]) của chiếc trực thăng sẽ phải chặt đứt các ngọn cây khi đáp xuống: Thân cây cách nhau khoảng từ 65 đến 70 bộ. Có nghĩa là Kalen phải đưa chiếc trực thăng dài 73 bộ cho lọt ngay xuống một khoảng trống sân trại tối đa là 85 bộ. Điều này nếu không làm bị thương các toán lính đi theo thì thật là may mắn. Nếu Meadows và toán lính cùng đi được cột chặt, nằm thẳng tay trên sàn trực thăng có lót đệm thì may ra mới khỏi bị thương. Cả Meadows và Kalen đều cho rằng đấy là giải pháp duy nhất. Simons và Manor cuối cùng cũng phải đồng ý. Meadows sẽ gắn chất nổ định giờ để phá vỡ chiếc trực thăng ngay trước khi ông ta thoát ra khỏi doanh trại. Kalen và hai chuyên viên phi hành cùng với Meadows và toán tấn công sẽ bay ra khỏi Sơn Tây trên một chiếc HH-53 dùng để chở tù binh đã được giải cứu. Kalen và Zender đã thực tập đáp trực thăng HH-3 trong điều kiện gắt gao như vậy, với một khoảng trống chật hẹp. Họ đã thực tập 31 lần gồm 79 giờ rưỡi bay. Ngay trong lần thực tập cuối cùng, họ đã thành công trong việc đáp trực thăng an toàn xuống khoảng sân trống trong mô hình - một cách rất khít khao, không thừa một phân.

Trong thời gian này, bác sĩ Cataldo cũng dùng rìu đập phá các loại cửa. Đây là một trong những môn huấn luyện phụ mà ông ta phải chuẩn bị để đi theo toán tập kích. Ông ta thường bị các người khác trêu chọc khi thấy sử dụng cái rìu một cách có vẻ “hung dữ”, về việc bắn súng M-16 và súng lục 45 thì ông ta thành thạo hơn. Nhưng việc phải tập lại thể dục để tăng sức lực và việc phá trại tù là một việc làm ngoài nghề nghiệp thông thường của ông.

Cataldo lo lắng, rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của các tù binh. Ông ta đã theo dõi rất kỹ các hồ sơ bệnh lý của 9 tù binh đã được Bắc Việt Nam thả ra trước đó, và đã phỏng vấn họ để tìm hiểu về tình trạng lao tù tại Bắc Việt Nam. Ông ta cũng kiểm soát lại hồ sơ bệnh lý của từng tù binh trước khi bị cầm tù tại Sơn Tây và so sánh với hồ sơ về tình trạng tâm lý của các tù binh trong chiến tranh thế giới thứ hai (nhất là những người bị giam trong các trại tù của Nhật Bản, ở đây thường có nhiều điều nghiêm trọng xảy ra) và cả tù binh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Kết quả của việc nghiên cứu này cho thấy tình hình không được tốt lắm.

Cataldo đã đòi hỏi được cấp phát một số dụng cụ y tế đặc biệt và hướng dẫn cho họ sử dụng các dụng cụ này để săn sóc các tù binh ngay trên máy bay sau khi thoát khỏi Sơn Tây. Một trong những loại đó là một “túi y cụ M5” đặc biệt với một ống hít Duke để dùng với chất thuốc “Penthane”, một chất không làm bỏng như là một loại thuốc mê, Cataldo còn lo cấp cho mỗi chiếc trực thăng một túi thuốc gồm có chất “Ketamine HCL” là một loại thuốc mê cực mạnh có tác dụng cấp thời; một cái kẹp để cầm máu, tấm gỗ dùng để bó xương gãy; các loại ống tuýp và kéo giải phẫu dùng trong trường hợp cấp cứu. Để giữ cho tù binh được ấm, sẽ phải mang theo nhiều loại chăn mền đặc biệt do quân nhu sản xuất. Còn có thêm những loại dép đặc biệt với đế mềm do hãng Bata sản xuất để cho tù binh sử dụng. Cataldo đã yêu cầu sản xuất các loại đồ dùng này chỉ để dành cho vụ tập kích Sơn Tây và đã phải nói dối như một tên ăn trộm khi giải thích với các hãng sản xuất vì sao ông ta lại cần những loại đặc biệt này.

Còn có nhiều dụng cụ y tế khác nữa, gồm 100 bộ đồ ngủ và áo choàng để cho tù binh và cho những người bị thương mặc trên đoạn đường bay dài trở về Hoa Kỳ. Khi yêu cầu được cung cấp 100 bộ đồ ngủ và áo choàng này tại Quân y viện ở Va-lây-phóc, ông ta lại phải nói dối thêm nhiều lần nữa để che giấu bí mật. Cuối cùng Cataldo đã đặt mua một lô thức ăn dành cho trẻ con của hãng Hen - như là cơm nghiền nát - được gói trong những túi giấy không in chữ để bảo mật.

phithiengia
11-04-2008, 10:52
Đạn dược, đèn xì và kìm phá chốt cửa
Vào ngày 8 tháng 9, trong khi Manor và Simons còn đang tập dượt các toán lính tại căn cứ Eglin thì một phân đội yểm trợ gồm có 26 sĩ quan và binh sĩ được phái tới bãi tập dã chiến số 3 để lo việc ăn, ở và mọi sinh hoạt cần thiết khác cho các toán tập kích Sơn Tây. Phân đội này gồm có một sĩ quan hậu cần và hai trung sĩ cộng với một nhóm ba người làm việc truyền tin. Việc trang bị cho toán tập kích Sơn Tây với đầy đủ dụng cụ đặc biệt xông vào một trại tù giống như một cơn ác mộng đối với phân đội yểm trợ này. Mọi đơn yêu cầu cung cấp vật dụng đều được ghi là ưu tiên, nhưng không hề giải thích lý do, và đôi khi có những loại đơn yêu cầu loại dụng cụ lạ lùng khó hiểu, khó kiếm. Nhưng cuối cùng các tập sách quảng cáo hàng của hãng Sê-ác Rô-bớc đã giải quyết giúp.

Sau cuộc tập kích, Manor có ghi nhận trong bản báo cáo công tác rằng phân đội hậu cần đã làm việc hơi quá sức. Ông ta có lưu ý rằng, trong tương lai với những công tác tương tự cần phải có đầy đủ nhân viên hậu cần để bảo đảm việc cung ứng vật liệu nhanh chóng khi có yêu cầu khẩn cấp. Quan niệm trước đây về việc này chỉ cần có một sĩ quan hậu cần và hai trung sĩ là không đủ cho nhu cầu thiết yếu. Manor còn đề nghị rằng phân đội tiếp liệu trong tương lai cần phải có thêm một chuyên viên vũ khí, một chuyên viên đạn dược, một thư ký kiêm tài xế xe vận tải nhẹ, một trung sĩ liên lạc về tiếp liệu của không quân có khả năng biết giỏi về mọi thủ tục và đơn xin đặt hàng đối với Bộ chỉ huy không quân. Và cũng cần có thêm một nhân viên loại A về tài chính với một số tiền mặt linh động để mua hàng ngay tại địa phương khi cần. Ông ta đề nghị số tiền mặt đó chừng 4.000 đô-la lúc nào cũng sẵn sàng thì sẽ giải quyết được nhiều việc hóc búa. Cả ba chuyên viên hậu cần trong công tác vừa qua đã gặp nhiều điều phiền phức, chán nản, điều đó ta có thể hiểu được vì sao.

Một người lính trong toán tập kích ngay trong giai đoạn thực tập, đã cảm thấy cần phải có một loại dao đặc biệt để phá tung cửa hoặc chướng ngại vật. Loại dao này giống như mã tấu nhưng lưỡi lê dày và đầu nhọn hơn. Khối quân cụ ở phòng sản xuất vật liệu Na-tích gần Bớt-tôn đã sản xuất được một loại dao đúng yêu cầu. Sau khi khối biệt kích ở căn cứ Fort Benning dùng thử đã cho kết quả tốt. Nhưng phân đội hậu cần của Manor đã thấy rằng ngay cả thủ tục đặt mua hàng theo hệ thống quân đội cũng phải mất 4 tháng mới được cung cấp loại dao mà các toán tập kích cần mang theo. Họ phải nhờ văn phòng tiếp liệu đặc biệt tại căn cứ Eglin chỉ dẫn giúp cách mua một loại dao tương tự sản xuất ngay tại địa phương. Nhưng họ lại gặp trở ngại là muốn có số lượng dao theo nhu cầu thì cũng phải mất nhiều thời gian và thủ tục hành chính liên hệ. Nhưng thời gian thì quá gấp rút. Họ phải nhờ xưởng rèn trong căn cứ sửa chữa lại số mã tấu có sẵn của quân đội theo đúng với hình dáng yêu cầu. Sau nhiều tuần lễ chạy khắp nơi một cách vô hiệu quả, mặc dù có lệnh của Lầu Năm Góc chỉ thị ưu tiên mọi mặt cho cuộc tập kích, nhưng các toán lính chỉ có được loại dao họ cần bằng cách mua ngay tại một lò rèn địa phương, chỉ trong một vài ngày là xong.

Simons lại yêu cầu phân đội hậu cần tìm kiếm cho ông ta loại kẹp đạn đặc biệt, một kẹp chứa được 30 viên. Để dùng cho loại súng M-16, cần phải có 250 loại kẹp đạn đặc biệt này. Theo tiêu chuẩn thống nhất của bộ binh thì chỉ có loại kẹp 20 viên chứ không có loại 30 viên. Loại kẹp đạn thông thường có thể được cung cấp qua hệ thống hành chính bình thường. Một nhân viên hậu cần đã cố gắng liên lạc trực tiếp với hãng sản xuất vũ khí Côn. Hãng này có thể chế tạo được loại kẹp đạn 30 viên, nhưng phải có chỉ thị của Bộ chỉ huy hành chính quân đội họ mới nhận đơn đặt hàng. Cuối cùng các loại kẹp đạn đó cũng được cung cấp nhưng một trở ngại khác lại đến là: quân đội không có các loại túi để đựng các kẹp đạn đặc biệt đó. Phân đội hậu cần lại phải dùng một số bao túi đựng mìn định hướng sửa chữa lại cho hợp với nhu cầu.

Các tù binh đã được thả ra trước đây có tiết lộ cho biết rằng tù binh ở Bắc Việt có thể mang loại khóa (cùm) chân, chốt then cửa bằng kim khí và ống khóa. Như vậy các toán tập kích cần phải có hai dụng cụ cắt kim khí dùng bằng chất “ốc-xy a-xê-ty-len”; dụng cụ này cần phải nhẹ, dễ sử dụng, và có thời gian đốt cháy lâu 30 phút. Phân đội tiếp liệu đã tìm kiếm tại một số hãng sản xuất tư nhân nhưng vẫn không có kết quả. Căn cứ không hải quân ở Pen-sa-cô-la, bang Florida cho biết là loại dụng cụ này có thể được cung cấp theo hệ thống đơn đặt hàng Liên bang. Tuy nhiên khi phân đội hậu cần được Liên bang cung cấp cho các loại dụng cụ này, thì họ biết thêm một điều là muốn có các chất ốc-xy a-xê-ty-len (dưỡng khí và đất đèn) cần thiết thì phải mua tại các hãng sản xuất dân sự mới được nhanh chóng hơn.

Các loại kìm phá chốt cửa cũng cần thiết cho việc tập kích. Phân đội tiếp liệu tìm mua được các loại này thông qua các tập sách quảng cáo bách khoa của Liên bang, loại kìm dài 36 inh-sơ([23]) có sức chịu đựng dẻo dai và cắt khỏe. Nhưng khi các loại kìm này được cung cấp thì các toán lính của Simons trong khi thực tập đã thấy rằng gọng kìm quá mềm không thể cắt đứt được các loại dây xích 3x4 inh-sơ và các ổ khóa mà theo các chuyên viên tình báo của Simons đã cho biết là có thể tìm thấy ở các cửa buồng giam tại Sơn Tây. Phân đội hậu cần một lần nữa lại chạy đi tìm loại kìm khác và cuối cùng tìm ra được ba loại có kích thước khác nhau của đội chữa cháy không quân đang sử dụng.

Simons cũng cần có thêm sáu loại cưa máy cầm tay chạy bằng xăng, nhẹ nhàng và dễ sử dụng, với lưỡi cưa dài 16 inh-sơ và không thấm nước. Vì lẽ trời có thể mưa tại miền Bắc Việt Nam trong thời gian công tác. Cho đến nay thì phân đội hậu cần đã quá vất vả với hệ thống hậu cần của Liên bang, cho nên họ đi tìm các loại cưa máy này trong các trại cưa và cửa hàng bán đồ sắt ở địa phương. Họ tìm được một loại cưa do hãng Xýt-kin sản xuất.

Một vài yêu cầu nhỏ khác cũng làm cho phân đội hậu cần bận rộn. Trong các toán tập kích có một vài người mang theo súng phóng lựu đạn M.79 và họ cần phải có túi vải để mang loại đạn 10 ly này. Các túi vải này muốn có thì cũng phải xin cung cấp qua hệ thống hậu cần Liên bang. Nhưng khi được cung cấp thì lính của Simons phát hiện ra các túi vải này không thể sử dụng được, vì nó không chứa được loại lựu đạn mới sản xuất sau này, mà chỉ có thể đựng loại lựu đạn cũ hiện nay không còn dùng nữa. Phân đội hậu cần lại phải nhờ xưởng may cắt ở căn cứ Eglin sửa chữa lại các túi vải cho thích nghi với hình dáng của loại lựu đạn mới.

Để có thêm tài liệu về tình trạng mà các tù binh Mỹ đã bị giam giữ, Simons muốn một vài người trong các toán lính của ông ta cố gắng chụp ảnh các buồng giam tại Sơn Tây. Nhiều người tình nguyện trong số biệt kích mà ông ta đã chọn lựa được là chuyên viên nhiếp ảnh. Họ đề nghị mang theo 6 máy ảnh 35 ly loại Pen-EE. Khi phân đội tiếp liệu không thể tìm được loại máy này qua các hệ thống cung cấp thông thường của quân đội, họ tìm đến hãng Kodak để mua loại máy chụp ảnh tự động S.20. Loại máy này được chế tạo một cách giản dị và chắc chắn nhưng sau cuộc tập kích thì Simons chê là các ảnh chụp được đều “vô giá trị”.

Phân đội hậu cần còn phải giải quyết một lô đơn đặt hàng lạ lùng khác nữa, gồm có loại đèn pin gắn ở mũ. Nhưng Simons chê là bất tiện khi đội trên đầu cho nên ông ta bảo các toán lính gắn đèn vào các bao đựng dụng cụ đeo sau lưng, 15 ba-lô đựng đầy những dụng cụ cần thiết cho việc vượt ngục do xưởng cắt may của lực lượng đặc biệt ở căn cứ Eglin thực hiện; và thêm 8 bình chữa cháy để chiếc máy bay trực thăng mang theo khi đổ bộ xuống sân trại giam Sơn Tây. Các loại loa phát thanh nhỏ cầm tay cũng được cần đến để báo cho các tù binh rằng họ đang được giải thoát và họ phải giữ bình tĩnh, cúi đầu xuống trong khi toán đột kích đập phá phòng giam. Hai mươi lính biệt kích có thể sẽ đứng gần vị trí phát nổ trong khi phá trại giam cho nên họ cũng cần phải có loại nút bịt tai đặc biệt; những người khác thì cần có loại nút bịt tai thông thường để cho tiếng động của trực thăng trên đường bay dài vào Bắc Việt Nam sẽ không làm cho họ trở thành gần như điếc khi đổ bộ xuống Sơn Tây. Người của Simons cũng cần có các loại bao tay để phòng ngừa thương tích khi đập phá các ổ khóa. Ông ta đã lựa chọn được loại bao tay thông thường của phi hành đoàn sử dụng khi lái máy bay, vì lẽ loại này bó sát vào tay và không cần phải tháo ra trong lúc sử dụng vũ khí và các loại dụng cụ khác. Mỗi một người cũng cần phải có một đôi kính đeo mắt đặc biệt ban đêm. Loại kính này giữ cho mắt khỏi bị lóa khi các pháo sáng được bắn ra và đồng thời cũng có tác dụng bảo vệ cho người đeo khỏi bị các loại mảnh, tạp chất do cánh quạt của trực thăng quạt tung lên làm bị thương ở mắt và mặt. Nhưng loại kính đặc biệt này trở thành một vấn đề rắc rối thật sự. Phân đội hậu cần trước tiên thử dùng loại kính mắt thông thường của không quân với mắt kính màu vàng đậm và màu xanh nhưng loại này không đủ che chở cho mắt của người đeo trước ánh sáng rực rỡ của hoả châu tại Sơn Tây trong đêm khuya tăm tối. Người của Simons lại thử dùng loại kính chiếu điện đặc biệt của phòng bào chế quân đội, nhưng loại kính này khó sử dụng. Sau cùng, phân đội hậu cần phải tìm trong các tập sách quảng cáo bách hóa của Sê-ác Rô-bớc và trong các hiệu bán dụng cụ thể thao, tìm cách giải quyết khó khăn này. Rốt cục họ phải nghĩ ra cách dùng một loại sơn mỏng hiệu Chắc-pác mà các hoạ sĩ và các chuyên viên về sơ đồ thường dùng vẽ địa đồ để sơn lên hai mắt kính trắng của loại kính bình thường. Các tập sách quảng cáo bách hóa của Sê-ác Rô-bớc đã giúp ích rất nhiều cho phân đội hậu cần của Simons trong việc tìm kiếm nhiều loại dụng cụ quá đặc biệt mà ông ta liên tiếp giao phó cho họ cung cấp.

Nhưng chính việc cung cấp đạn dược và vũ khí, dụng cụ căn bản của một quân đội lại là điều làm cho người của Simons phải điên đầu nhất. Simons muốn có một vài khẩu súng bắn đạn ria để dùng cho việc thanh toán mục tiêu. Nhưng loại súng bắn đạn ria theo tiêu chuẩn quân đội chỉ bắn được một vùng khoảng 20 mét mà thôi. Phân đội hậu cần phải tìm đến các hãng sản xuất dụng cụ thể thao theo như quảng cáo trong sách và đã mua được loại súng săn tự động lắp được 5 viên đạn, Simons ưa thích loại súng này: bắn được một vùng 25 mét và mỗi mảnh đạn ria có thể giết được một mạng người nếu đứng trong vòng tỏa ra của đạn.

Simons còn cần thêm một vài loại pháo sáng 40 ly có tỏa ra khói trắng để dùng cho loại súng phóng lựu đạn M.79 và để đánh dấu mục tiêu. Loại pháo sáng này tỏa khói ra rực rỡ và cũng có thể làm chết người. Phân đội hậu cần không thể ngờ được rằng họ phải đi qua mọi thủ tục về cung cấp đạn được, qua mọi cơ quan của Bộ chỉ huy lục quân và cuối cùng đến CIA nhưng loại pháo sáng lân tinh này không nơi nào có cả. Họ phải thử loại pháo sáng tỏa ra khói thông thường, loại 40 ly để tạm thay thế. Nhưng vì chương trình huấn luyện cần phải thực hiện gấp rút và số đạn dùng cho cuộc thực tập ngày càng tăng lên cho nên số lượng pháo sáng tìm mua được không đủ cho Simons dùng huấn luyện. Phân đội hậu cần lại phải yêu cầu căn cứ Fort Bragg cung cấp thêm nhưng họ trả lời là trong kho không còn đủ số theo đơn xin. Sau cùng họ phải gọi thẳng về Lầu Năm Góc để nhờ liên lạc với Bộ chỉ huy Lục quân xin cung cấp 150 viên pháo sáng.

Các loại đạn dược có tỏa ra lằn sáng cũng cần thiết để đánh dấu mục tiêu. Simons và 50 người lính của ông ta sẽ mang theo loại súng lục 45 là loại được sản xuất từ chiến tranh thế giới thứ nhất. Súng thì có sẵn nhưng đạn thì được xếp vào loại “cần phải được kiểm soát trước khi dùng”. Trong công tác này Simons và các toán của ông ta đã được cấp quyền ưu tiên trong bất cứ mọi lĩnh vực hậu cần nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhưng thực tế chỉ có một số đạn dược nhỏ mà phải có sự phối hợp đặc biệt với viên giám đốc của kho quân cụ ở bang I-li-noi thì mới được chở từ tiểu bang Ma-ri-len đến.

Vào năm 1970 quân đội đã tiêu xài gần 10 triệu đô-la mỗi ngày, một phần tư của toàn bộ ngân sách chỉ riêng cho việc cung cấp đạn dược tại Việt Nam. Nhưng khi số lượng đạn ít ỏi mà Simons cần dùng được chở đến căn cứ Eglin thì lính của ông ta phát hiện là có nhiều viên đạn bắn không nổ. Để châm ngòi nổ cho các loại mìn phá hoại, một nghìn ngòi nổ loại không có dẫn điện đã được xin căn cứ Fort Bragg cung cấp giúp và chở từ kho quân cụ ở căn cứ Bê-ning sang. Các chuyên viên phá hoại của Simons đã báo rằng 22% ngòi nổ không có hiệu lực: có nghĩa là không phát nổ kịp hoặc tịt ngòi. Một báo cáo đã được gửi ngay đến vị sĩ quan tiếp liệu của của Trung tâm lực lượng đặc biệt để nhờ phối hợp với sĩ quan đạn dược của căn cứ Fort Bragg. Sau cùng nhờ sự giúp đỡ hữu hiệu của ông Thô-mát ở kho đạn thuộc căn cứ Fort Bragg mới tìm được 100 ngòi nổ thứ tốt và đã được chuyển đến cho Simons từ kho đạn đặc biệt ở căn cứ Ford Steward bang Gioóc-gia.

Simons còn muốn một vài người lính mang theo vài khẩu súng chống tăng loại 66 ly cỡ nhẹ (Law) để sử dụng trong trường hợp cần phải bắn phá các loại xe cộ trên đường vào Sơn Tây. Khi các loại súng chống xe tăng Law này được gửi đến thì ông Thô-mát ở căn cứ Fort Bragg lại gọi điện thoại báo thêm một tin rắc rối: Có lệnh ngừng sử dụng loại súng này vì lẽ đạn có thể dùng cho việc huấn luyện mà thôi chứ không hoàn toàn bảo đảm khi chiến đấu. Loại súng chống tăng này là một loại vũ khí được sản xuất theo tiêu chuẩn quân đội và đã được cấp phát cho các đơn vị bộ binh và chiến xa khắp nơi trên thế giới, nhưng phân đội hậu cần của Simons phải nhờ kho vũ khí Đô-li-ét ở tiểu bang I-li-noi mới tìm được 250 viên đạn cần thiết. Nhưng số đạn này lại nằm trong kho đạn Công Xít-ta, Am-mu-ni-ti-ông ở Tếch-dát-ka-na, tiểu bang Tếch-dát và phải lấy bớt trong các thùng đạn định gửi cho miền Đông Nam Á. Phân đội hậu cần của Simons đã phải hấp tấp chạy ngược chạy xuôi để hầu như van nài căn cứ Fort Bragg một lần nữa cố gắng giúp đỡ cho được số đạn dược này.

Số đạn dược cần thiết của Simons đã được tăng lên nhưng ông ta vẫn chưa hài lòng. Cần phải có thêm hai loại chất nổ và hai loại mìn phá hoại đặc biệt nữa để phá vỡ vách tường rào tại trại giam nhằm đem tù binh thoát ra chỗ đỗ trực thăng. Ông ta cần mang theo 4 túi chất nổ khoảng 15 ki-lô-gam mỗi túi. Nhưng Simons không tin vào loại chất nổ thông thường. Để tiết kiệm sinh mạng hoặc như quân đội thường nói là để giảm thiểu số thương vong, ông ta cho rằng nếu lỡ có sai lầm thì nên sai lầm theo hướng dùng bạo lực. Simons đã chỉ thị các túi chất nổ phải được nhồi thuốc cho đầy. Để phá sập vọng gác bằng xi măng cốt sắt ở phía nam trại giam, các chuyên viên phá hoại của Simons đã đề nghị sử dụng một túi chất nổ 2 cân rưỡi. Simons đồng ý nhưng sau đó thì nói cần phải dùng 4 túi chất nổ mới đủ phá tan.

Để phá tan chiếc trực thăng mà Dick Meadows cùng toán tập kích dùng để đổ bộ ngay trong sân trại Sơn Tây, các chuyên viên phá hoại của Simons đã dùng thử nhiều loại chất nổ khác nhau. Cuối cùng họ đồng ý sử dụng một cân rưỡi thuốc hỗn hợp loại C.4 được lính nhồi vào trong một ống nhựa dài 30 inh-sơ và rộng 4 inh-sơ. Ống nhựa nhồi thuốc nổ này sẽ được đặt dưới sàn trực thăng ở ngay giữa các thùng chứa nhiên liệu. Để ngăn ngừa bộ đội Bắc Việt đến tháo gỡ chất nổ, lính của Simons đã quyết định đậy ống nhựa bằng một hộp sắt khóa lại và chỉ châm ngòi nổ vào phút chót với một ngòi nổ chậm 10 phút. Simons đồng ý nhưng lại nói cần phải châm 2 ngòi cho chắc.

Để phá sập cái cầu dài 120 mét phía bắc của trại giam, các chuyên viên dùng 2 túi chất nổ. Chất nổ này có thể mang theo trong ba-lô và treo lên hai cọc sắt ở dưới chân cầu. Theo yêu cầu phá hoại, các chuyên viên đã nhồi thuốc đúng theo số lượng cần thiết mỗi túi cân nặng 15 cân, có nghĩa là 10 cân nặng hơn tiêu chuẩn ấn định vì sau này họ đã biết rõ cái trò chơi độc đáo này. Simons đồng ý nhưng lại bảo họ cân thêm 1 túi nữa cũng với sức nặng bằng các túi kia để tăng cường sức nổ.

Một trang bị cuối cùng nhưng rất quan trọng đã làm cho phân đội hậu cần của Simons phải điên đầu một lần nữa. Đó là loại ống ngắm ban đêm. Hai mươi năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và ít nhất là 6 năm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rút kinh nghiệm rằng, muốn chống lại một kẻ thù Á Đông thì đặc biệt là phải ưu tiên chiến đấu về ban đêm. Kể từ cuộc chiến Triều Tiên cho đến nay, quân đội đã chi phí 18,4 tỷ đô-la cho việc khảo cứu và phát triển các loại ống ngắm ban đêm. Bởi vì bóng đêm bao trùm trái đất vào khoảng 50% thời gian mỗi ngày cho nên một phần đáng kể của số tiền kia đã được sử dụng khi không có ánh sáng mặt trời. Nhưng vào năm 1970 thì Simons đã thấy là quân đội vẫn chưa có loại ống ngắm hữu hiệu cho ban đêm để giúp cho binh sĩ bắn chính xác trong bóng tối. Ông ta phải nhờ CIA, nhưng chính cơ quan này cũng chẳng có loại ống ngắm đó.

Trong những lần thực tập bắn đạn thật vào ban đêm, Simons bực mình khi thấy ngay cả những xạ thủ tài ba nhất của ông ta cũng chỉ có thể bắn trúng được 25% số đạn vào bia cỡ to bằng hình sáng người thật đặt cách tầm bắn 50 mét để tượng trưng cho các bộ đội địch đang đứng trong những hố cá nhân. Với cách bắn chỉ chính xác như vậy thì có lẽ ông ta phải có cả một kho đạn nhỏ ở Sơn Tây để sử dụng cho thời gian tập kích trong vòng 26 phút. Simons thật lo lắng: Nếu sự bắn chính xác về ban đêm không được cải tiến với mức độ cao hơn nữa thì việc làm vô hiệu hóa mọi sự chống đối của địch sẽ kéo dài quá lâu và sinh mệnh của cả tù binh lẫn người của ông ta sẽ phải bị thiệt hại vì số đạn bắn chệch mục tiêu.

Tuy vậy, vào đầu tháng 9, ông ta an tâm khi được biết qua một hệ thống hậu cần đặc biệt là có một dụng cụ hồng ngoại tuyến mới đã được chế tạo bí mật có thể giải quyết được việc nêu trên. Đây là một loại ống ngắm đã được cải tiến nhiều so với loại ống ngắm hồng ngoại tuyến nặng nề 15 ki-lô-gam mà quân đội đã sử dụng không hữu hiệu vào cuối thập niên 59 và 60; và ống ngắm mới chỉ cân nặng 3 ki-lô-gam mà thôi. Sử dụng mọi quyền ưu tiên có thể có được, Simons đã yêu cầu gửi tất cả số ống ngắm mà quân đội hiện có đến căn cứ Eglin. Nhưng khi loại dụng cụ tối mật này được khui trong thùng ra thì chỉ có 6 ống ngắm. Một trong những chuyên viên hậu cần của Simons đã nói đùa rằng: “Có lẽ họ muốn chúng ta thay phiên nhau sử dụng mấy cái ống ngắm này”.

Sau đó Simons biết được rằng 6 ống ngắm đó là cả gia tài quân đội hiện có. Loại này được sản xuất bằng tay và đang ở trong giai đoạn thí nghiệm, ông ta được họ cho biết như vậy; và không có cách gì có thể yêu cầu cung cấp thêm cho kịp thời gian tập kích.

Simons lại bắt phân đội hậu cần của ông ta cố gắng tìm kiếm một loại ống ngắm khác mà quân đội đã phải mất 17 năm với 18 tỷ đô-la cũng chưa sản xuất được. Các chuyên viên hậu cần này có lẽ khôn ngoan hơn. Họ biết rằng hệ thống hậu cần quân sự không phải lúc nào cũng đáp ứng được mọi yêu cầu của binh sĩ. Hơn nữa họ cũng biết rằng không phải chuyên viên nào về dụng cụ của quân đội cũng biết rõ những loại hàng hiện có trên thị trường tư nhân. Đôi khi các chuyên viên này quá bận phát minh lại những gì đã có từ trước, họ bị mù quáng bởi lối quan niệm là vật ấy vẫn “chưa được phát minh”. Trong khi đó thì người của Simons trái lại luôn luôn cố gắng tìm đủ mọi cách có hiệu lực nhất để giải quyết vấn đề.

Họ bắt đầu tra cứu trong tất cả các sách quảng cáo bách hóa về dụng cụ thể thao có bày bán trong các hiệu sách nhỏ, các tạp chí về săn bắn và các tập quảng cáo về vũ khí. Một trong những loại tạp chí nói trên - không ai còn nhớ chính xác là loại tạp chí nào, có đăng một quảng cáo nhỏ của hãng Ác-ma-lít ở Cốt-ta Mê-sa, tiểu bang Ca-li-phoóc-ni-a, về một loại ống ngắm ban đêm với giá 49,50 đô-la. Hãng Ác-ma-lít là hãng chuyên sản xuất vũ khí đã có lần cải tiến việc sản xuất loại súng trường M.15 theo mẫu vẽ của Ge-ne Sít-tôn. Nhưng bộ chỉ huy quân cụ chỉ thử qua một cách sơ sài rồi loại bỏ không chấp nhận, để rồi sau đó lại chọn mẫu riêng M.14 của quân đội sản xuất nặng nề hơn. Quân cụ được yêu cầu thử lại một lần nữa loại súng M.15 nói trên. Nhưng rồi loại này cũng bị gạt bỏ chỉ vì với lý do là quân đội đã thay thế nòng súng M.15 cũ trước đó bằng một loại nòng mới theo mẫu mà Sít-tôn đã vẽ riêng cho hãng Ác-ma-lít khi ông ta bán bản quyền cho hãng này. Các cuộc thử nghiệm vẫn xúc tiến nhưng người ta đã để mất gần 3 năm để vượt qua mọi thủ tục hành chính rườm rà ở cấp cao nhất của chính quyền. Sau đó chính quân đội lại công nhận rằng loại súng M.14 mà họ đã bỏ 10 năm và hàng triệu đô-la để sản xuất chỉ là một món đồ chơi không hơn không kém. Vào năm 1963, quân đội đã xin ngân khoản để trang bị lại cho các lực lượng ở Việt Nam với loại súng do hãng Ác-ma-lít sản xuất theo mẫu vẽ của Sít-tôn. Nhưng trong thời gian này hãng Ác-ma-lít đã bán bản quyền sản xuất cho hãng Côn và loại vũ khí mới sản xuất cuối cùng được mang tên là M.16.

Người của Simons gọi điện đến hãng Ác-ma-lít vào ngày 15 tháng 9 để hỏi qua về loại ống ngắm ban đêm giá 49,50 đô-la và cả chân gắn ống ngắm vào súng. Ba ngày sau hãng Ác-ma-lít gửi đến một bộ bằng máy bay theo yêu cầu của căn cứ Eglin. Ngay khi bộ ống ngắm này đến nơi, phân đội hậu cần của Simons vội vàng đọc ngay tập sách chỉ dẫn cách sử dụng dầy 16 trang. Họ hiểu được loại ống ngắm này là một phát minh cũ của Thụy Điển, có môn bài khắp nơi trên thế giới, được sản xuất tại nước Anh và nhập khẩu vào Hoa Kỳ qua một hãng bán dụng cụ thể thao có tiếng ở tiểu bang Mi-nơ-sô-ta tên là Noóc-măng Coóc-pe-re-sơn. Họ cũng có thể kết luận rằng bất cứ một tay chơi súng nào ở Mỹ cũng biết loại ống ngắm này chỉ trừ quân đội Mỹ.

Họ cấp tốc thử nghiệm ống ngắm ngay trong điều kiện thực tế ngoài trời. Dụng cụ này có nhiều hứa hẹn, khả quan. Phân đội hậu cần của Simons cũng đau lòng khi thấy có ghi chú rõ ràng trong tập sách là loại ống ngắm này đã được sản xuất đúng theo điều lệ và tiêu chuẩn quân đội. Nhưng họ gặp một vài trở ngại với bộ phận gắn ống ngắm: nó được để rời và đôi khi bị tụt ra, nhưng không hại gì đến ống ngắm. Simons lập tức cho đặt mua thêm 49 ống ngắm nữa.

Khi tất cả số ống ngắm được gửi về và được toán tập kích của Simons thử nghiệm thì số đạn bắn trúng mục tiêu tăng lên kinh khủng. Số đạn bắn vào mục tiêu đều chụm vào một vòng nhỏ. Xạ thủ tỏ vẻ tự tin hơn với vũ khí của mình. Đứng xa 25 mét, một xạ thủ thuộc loại kém nhất cũng có thể bắn được tất cả số đạn vào trung tâm của một vòng mục tiêu nhỏ 12 inh-sơ vào ban đêm. Đứng cách xa 50 mét, cũng người xạ thủ đó có thể bắn trúng từng viên đạn vào một tấm bia hình nhân loại “E”, có nghĩa là loại bia to bằng vòng ngực của con người. Vào ban ngày khi sử dụng loại ống ngắm này để bắn mục tiêu thì thời gian được nhanh hơn mặc dù hơi kém chính xác so với loại ống ngắm M.16 thông thường. Nhưng về ban đêm thì kết quả xảy ra lại trái ngược. Xạ thủ có thể bắn trúng mục tiêu cũng với thời gian nhanh như ban ngày và tầm chính xác thì vô cùng hữu hiệu. Và cuộc tập kích này lẽ tất nhiên sẽ được thi hành vào lúc đêm khuya tăm tối.

Phân đội hậu cần đã phấn khởi và bảo đảm với Simons rằng họ có thể điều chỉnh lại bộ phận ống ngắm. Hai mươi bảy ống ngắm với cả chân ngắm được đặt mua thêm. Khi số lượng cuối cùng này được gửi đến vào 9 giờ ngày 21 tháng 10 thì đội sửa chữa vũ khí gồm ba người của Simons đã điều chỉnh được bộ phận ống ngắm - họ đã dùng loại băng nhựa màu đen của thợ điện để gắn chặt chân ngắm vào ống ngắm.

Trong suốt thời gian này phân đội hậu cần của Simons phải cố gắng duy trì và sửa chữa một kho nhỏ đựng đầy đủ loại dụng cụ cần cho cuộc huấn luyện và sẽ được sử dụng trong cuộc tập kích. Kho gồm có 234 máy truyền tin - để cho 56 người ở dưới đất sử dụng. Sở dĩ phải cần có nhiều máy truyền tin như vậy là vì Simons muốn đặt 2 máy tại căn cứ Eglin, một máy dùng cho việc huấn luyện được coi như là mượn tạm của Bộ chỉ huy, còn máy thứ hai sẽ dùng cho công tác. Một lý do nữa là vì sự phức tạp của công tác và việc cần thiết liên lạc đột xuất giữa các đơn vị với nhau trong khoảng thời gian ngắn 26 phút khi người của Simons thực hiện công tác tại mục tiêu. Một mình Simons sẽ sử dụng 3 tần số liên lạc khác nhau; các toán lính của ông ta sẽ mang theo 4 loại máy truyền tin khác nhau.

Hai tần số liên lạc cực mạnh dùng cho hệ thống không-địa, Simons sẽ dùng để gọi máy bay A-1 đến oanh kích yểm trợ cho lính của ông ta khi cần, dùng để gọi trực thăng bốc lính ra khỏi mục tiêu, chở tù binh ra khỏi Sơn Tây. Sau đó chuyển tiếp báo cáo hành quân của ông ta từ địa điểm mục tiêu đến cho R.Manor ở tận Bộ chỉ huy đóng trên núi Sơn Trà ở Đà Nẵng. Và từ đấy Manor lại chuyển tiếp các diễn tiến của cuộc tập kích về Lầu Năm Góc. Hai máy truyền tin AN-PRC-41 được mang theo trong cuộc tập kích để sử dụng cho mục đích nói trên, lính truyền tin của Simons đeo một cái, lính của Sin-đơ đeo một cái. Một tần số thứ 3 sẽ được sử dụng để điều khiển các máy bay oanh tạc khi được gọi đến. Mười máy AN-PRC-77 với tần số thay đổi được mang theo cho mục đích này. Bốn tần số khác nữa sẽ được lực lượng dưới đất sử dụng, mỗi toán một tần số. Và tần số thứ tư còn lại dùng để nhận lệnh và báo cáo hành quân cho Simons. Với mục đích này, lực lượng dưới đất sẽ mang theo 24 AN-PRC-88, loại máy truyền tin cầm tay. Sau cùng mỗi một người lính trong số 56 người tập kích đều mang theo loại máy truyền tin cấp cứu AN-PRC-90, chỉ dài và và to bằng một tút thuốc lá. Máy này được sử dụng trong trường hợp máy bay bị bắn rơi hoặc buộc phải đáp xuống một nơi nào đó trên đường đi đến mục tiêu hoặc trở về. Nếu có việc gì trở ngại tại Sơn Tây thì Simons đã quyết định không cần sử dụng loại máy này, và ông ta chỉ có thể cho biết rõ tại sao không sử dụng, vào phút chót trước khi lên đường. Như vậy thì Simons và 55 người tình nguyện của ông ta sẽ mang theo đến Sơn Tây tất cả là 92 máy truyền tin, gần bằng số máy truyền tin của một tiểu đoàn bộ binh 794 người thường mang theo chiến đấu. Với số máy này họ có thể liên lạc được 12 lần tốt hơn so với bất cứ một binh sĩ trung bình nào ở tiền tuyến.

Ngoài số 92 máy truyền tin kể trên, còn có thêm 15 máy truyền tin khác đặt tại căn cứ Eglin để cho Simons sử dụng phòng ngừa và kiểm soát trong khi huấn luyện. Giữ cho tất cả 234 máy truyền tin được chạy đều suốt ngày đêm là một việc làm quá mức của phân đội truyền tin gồm có một chỉ huy và hai chuyên viên. Họ đã nghĩ rằng ngay cả hệ thống truyền hình của hãng ABC về tin tức thể thao khắp thế giới cũng không dùng nhiều máy truyền tin đến như vậy để truyền hình về các cuộc thi Thế vận hội. Để giúp đỡ họ, Manor và Simons đã mượn được một kho sửa chữa dụng cụ điện tử của không quân. Nhưng kho này chỉ một hạ sĩ quan quản lý nên Simons phải biệt phái thêm bốn chuyên viên truyền tin ở trong toán tập kích đến để giúp đỡ thêm ngoài giờ huấn luyện nặng nề của họ. Dù sao đi nữa thì cả năm người này cũng đã giữ cho tần số máy truyền tin hoạt động tốt. Trong cuộc tập kích, máy nào cũng phải hoạt động hữu hiệu mới được.

Suốt trong giai đoạn huấn luyện ở căn cứ Eglin, Manor và Simons đã thực hiện đúng câu phương châm cũ của đội Phòng vệ Do Thái: “Lực lượng càng gọn nhẹ càng chiến đấu tốt”. Vào năm 1970 ngân sách của Lầu Năm Góc ghi rõ có 175.000 nhân viên quân sự và dân chính để quản lý hệ thống hậu cần và yểm trợ của quân đội. Trong khi đó thì phân đội hậu cần và truyền tin của Simons gồm 6 người chỉ có thể xin cung cấp được độ một nửa số vật liệu cần thiết qua các hệ thống đó mà trong số này chỉ có một nửa dùng tạm được như đã quảng cáo. Số cần thiết còn lại họ phải tự xoay sở lấy, tự tìm mua, thử nghiệm, sửa chữa và bảo quản theo khả năng của mình.

phithiengia
11-04-2008, 11:13
Con quay Bờ Biển Ngà
Trong khi bác sĩ Cataldo thực tập sử dụng búa rìu cho thành thạo và các toán tập kích Sơn Tây khác tập cho hoàn hảo việc xâm nhập vào và thoát ra khỏi “cái làng” thì Manor và Simons dùng thời gian còn lại để phối hợp mọi hoạt động. Họ đi khắp nơi từ Nhà Trắng đến Bộ Tư lệnh lục quân và không quân ở Sài Gòn. Họ bay đi bay về từ căn cứ Eglin thường xuyên đến nỗi có cảm tưởng rằng Lầu Năm Góc đã buộc chặt họ vào đầu sợi dây của con quay. Còn Blackburn và Mayer cố gắng làm việc thật nhiều để giải quyết mọi việc và “can thiệp” vào mọi vấn đề càng nhiều càng tốt. Nhưng có nhiều vấn đề lại yêu cầu sự có mặt của Manor và Simons.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch Bờ Biển Ngà, Manor đã bay đến căn cứ không quân Sơ-cốt ở gần Xanh Lu-i. Ở đấy, ông ta tiếp xúc riêng với vị chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy không vận (MAC) và đưa cho vị này xem bức thư của Tham mưu trưởng không quân ra lệnh về việc yểm trợ “Toán phối hợp hành động cấp thời” trên nguyên tắc “không được hỏi điều gì”. MAC sẽ có nhiệm vụ di chuyển cấp thời các tù binh từ Thái Lan về Hoa Kỳ. Manor đã sắp đặt cho các chuyến máy bay vận tải C-141 của MAC sẵn sàng khi nhận được lệnh di chuyển mà không có bất cứ một ai - kể cả chỉ huy trưởng MAC - được biết rõ điều gì. Ngoài ra, tất cả phi hành đoàn trực thăng của Manor đều được biệt phái từ cơ quan giải cứu không quân của MAC, cũng như tất cả máy bay trực thăng HH-53 và HH-3 đang dùng để huấn luyện tại Eglin, cũng đều xuất phát từ MAC. Những máy bay khác dùng chính thức trong cuộc tập kích sẽ được “biệt phái” vào phút chót từ các căn cứ không vận đang có mặt tại Đông Nam Á. Chúng ta nên hiểu rõ rằng thời gian thi hành cuộc tập kích sẽ quy định căn cứ vào thời tiết - mà cơ quan khí tượng không quân lại đang làm việc cho MAC.

Manor cũng đến thăm Bộ chỉ huy chiến thuật không quân ở gần Nóc-phon-kơ, tiểu bang Virginia, vì các loại máy bay vận tải C-130 và A-1 đều thuộc quyền quản lý của Bộ chỉ huy chiến thuật không quân (TAC). Manor cũng chuyển tay bức thư có ghi chú “không được hỏi lôi thôi” đến vị chỉ huy Bộ chỉ huy hệ thống không vận (AFSC) ở căn cứ Andrews, gần Oa-sinh-tơn. Có nhiều loại dụng cụ mới và nhạy cảm dùng cho việc điều khiển và liên lạc đã được gắn trên các loại máy bay. Một số trong các loại dụng cụ mới đó vẫn còn ở trong tình trạng thí nghiệm. Vì lẽ đó, sự yểm trợ đặc biệt từ Bộ chỉ huy AFSC cần phải thực hiện để gắn và bảo vệ các loại dụng cụ đó vì có nhiều dụng cụ chưa hề được gắn trên các loại máy bay mà Manor sẽ sử dụng. Loại dụng cụ mới này gồm có máy quấy âm RC-128 loại cực mạnh dùng cho máy bay A-1; máy này dùng để phá mọi phát lệnh của lực lượng phòng không Bắc Việt khi gọi các máy bay phản kích MIG đến để chống lại các toán tập kích. Một loại máy điều khiển đường bay theo hệ thống hồng ngoại tuyến do hãng Tếch-giát In-tru-men chế tạo sẽ được gắn trên các máy bay C-130 dẫn đường. Các loại máy F.L.2B này rất khó khăn và phức tạp trong việc lắp, duy trì và sử dụng đến nỗi phải có thêm một phi hành viên chuyên lo về việc kiểm soát các tuyến bay trên đường đến mục tiêu và ấn định rõ địa điểm mục tiêu. Các loại bom nhỏ chống xe cộ và phá vỡ đường sá do hãng Rốc-két chế tạo cũng được dùng cho các máy bay A-1. Các vận tải cơ C-130 đã được cải tiến cho thích nghi với việc thả pháo sáng, bom na-pan, các loại hỏa châu chỉ dẫn mục tiêu khác.

Manor, Simons và Blackburn còn có nhiều lo âu khác nữa. Vào ngày thứ tư 2 tháng 9, Mác-xanh phát hiện ra một việc tiết lộ tin tức bí mật ở tại một quán rượu gần căn cứ ở Bragg do một chuyên viên trong nhóm kế hoạch của SACSA gây ra. Blackburn ra lệnh “chặt tay” ngay tên ấy - có nghĩa là đổi đến một đơn vị khác một cách âm thầm. Nhưng tên ấy vẫn bị theo dõi khắp nơi và suốt cả thời gian cho đến khi cuộc tập kích chấm dứt.

Cùng trong thời gian này viên chỉ huy trưởng phòng hành động đặc biệt của quân đội là thiếu tướng Clarke Baldwin có hỏi Blackburn về kế hoạch di tản tù binh. Ông ta đề nghị chuyển tù binh đến bệnh viện Trip-lơ của lục quân ở Hawaii. Nhiều người khác thì muốn chuyển tù binh thẳng về quân y viện trong căn cứ không quân Andrews. Blackburn có ghi chú vào sổ tay riêng của ông ta như sau: “Khi bức màn nhung kéo lên thì các diễn viên sẽ đứng ở đâu?” Đấy là một việc “tạp dịch” mà ông ta sẽ tự lo giải quyết lấy còn Manor thì lo sắp đặt cho các loại máy bay C-141 của MAC đến đúng địa điểm.

Trong một vài lĩnh vực khác Blackburn lại được “ân cần giúp đỡ” quá nhiều - thời gian này thủ trưởng của ông ta là John W. Vogt đã được thăng chức lên làm giám đốc văn phòng Tham mưu hỗn hợp. Người thay thế ông ta trong chức vụ là đại tướng M.R.Giai, chưa được thông báo điều gì về việc tập kích này. Blackburn phải nhờ đại tướng Ri-sa T.Kơ-nâu-lét phụ tá của Tổng tư lệnh giúp dẹp bỏ bớt những lời huyền hoặc những điều thắc mắc mà ông ta và Mayer thường xuyên nhận được.

Trong một trường hợp, ví dụ, một viên tướng giữ chức vụ phó tham mưu trưởng lục quân đã tỏ ý nghi ngờ về việc cho đổ bộ ngay vào trong doanh trại Sơn Tây. Blackburn nghe đồn rằng chính viên tướng này tỏ vẻ lo ngại sẽ bị mất một chiếc trực thăng tại Sơn Tây nếu đổ bộ như vậy. Khi Blackburn nghe câu chuyện ngồi lê đôi mách này thì ông ta mời ngay viên tướng ấy xuống phòng an ninh của SACSA để thảo luận cho ra lẽ vấn đề. Đây là một cuộc gặp gỡ thân mật. Viên tướng nói với Blackburn rằng ông ta đã lỡ lời phát biểu ý nghĩ hơi to tiếng. Rồi ông ta lại hỏi không biết Blackburn có nghĩ đến giá tiền của một chiếc trực thăng nếu phải đổ bộ ngay vào sân trại và bị phá hủy hay không. Ông ta đề nghị nên dùng trực thăng UH-1 của bộ binh, chỉ tốn có 350.000 đô-la, nếu như phải dùng đến trực thăng của không quân HH-3 thì tốn gần 1.000.000 đô-la.

Blackburn nổi khùng lên: “Lạy chúa, nếu đây là việc thảo luận giữa sự tiết kiệm từng giây phút và từng sinh mệnh với sự sử dụng một chiếc UH-1 vì nó rẻ hơn thì thật là chúng ta đang bận tâm về một việc sai lầm”. Ông ta tỏ vẻ sửng sốt. Suốt 6 năm trong chiến tranh Việt Nam, trên 3.000 trực thăng đã bị bắn rơi hoặc bị phá hủy, và bây giờ ngay tại đây thì lại có một viên tướng Mỹ đối với việc giải cứu tù binh tại Sơn Tây, lại đi lo đến việc có thể mất thêm một chiếc nữa. Các loại vạch lá tìm sâu, tư tưởng nghi ngờ như thế này thường xảy ra và cần được giải quyết kịp thời. Blackburn biết rõ ràng điều cuối cùng mà Manor và Simons cần phải được giúp đỡ là làm sao để họ quan tâm đến việc huấn luyện cho cuộc tập kích hơn là phải lo đi quét dọn mọi đàm tiếu đang ùn lên tại Lầu Năm Góc. Bây giờ thì ông ta hiểu được là Vogt đã có lý khi quyết định để SACSA đứng riêng ra và để người khác lo việc chỉ huy vụ tập kích.

Còn nhiều vấn đề quan hệ khác nữa: kế hoạch đánh lạc hướng khi di chuyển các lực lượng tập kích từ căn cứ Eglin đi đến vùng Đông Nam Á; hệ thống truyền tin đặc biệt trong thời gian tập kích giữa Manor và Simons với Bộ tư lệnh quân đội, “những việc nhỏ” khác như việc tìm ra cái từ chính xác theo mã để chỉ định “thi hành công tác”, việc không biết có nên cần có một lệnh hành quân chính thức của Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp để “hợp thức hóa” công tác tập kích này không?

Cuộc tập kích Sơn Tây là một cuộc hành quân đầu tiên của quân đội trong lịch sử Hoa Kỳ, được xúc tiến dưới sự kiểm soát trực tiếp của Văn phòng chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng hỗn hợp quân đội. Bộ tư lệnh trung gian do vị Tổng tư lệnh Thái Bình Dương chỉ huy cũng chỉ là một cơ quan được “thông báo” và nhận lệnh yểm trợ công tác này - yểm trợ mà thôi chứ không được thay đổi gì kế hoạch cả. Một viên tướng 3 sao, sau khi được biết về cuộc tập kích này, tỏ ý thắc mắc tại sao cuộc hành quân này lại được Lầu Năm Góc trực tiếp chỉ huy. Ông ta hỏi Blackburn tại sao lại không để cho Bộ chỉ huy gồm có lục, hải, không quân, đóng tại căn cứ Mác-din ở Florida điều khiển việc này. Bộ chỉ huy này được thành lập từ thập niên 60 để huấn luyện và di chuyển mọi lực lượng chiến thuật hỗn hợp ra các nước ngoài. Câu thắc mắc hoặc lời đề nghị của viên tướng này không ích lợi gì cả. Bộ chỉ huy tam quân này (STRICOM) ở cách xa các vùng Đông Nam Á thì việc điều khiển công tác liên hệ sẽ không sát thực tế. John W. Vogt yêu cầu viên tướng này gạt chuyện Sơn Tây riêng qua một bên để lo các việc khác của Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp thì tốt hơn.

Sau khi chấm dứt mọi việc rắc rối nêu trên thì Manor và Simons lại gặp những phiền phức khác. Một tháng sau khi họ được chỉ định chỉ huy công tác này thì vào ngày thứ tư 16 tháng 9 họ được gọi đến văn phòng Tham mưu trưởng hỗn hợp để báo cáo mọi việc. Vào lúc 3 giờ chiều ngày hôm ấy, Manor đã thuyết trình cho các vị tham mưu trưởng về mọi quan niệm kỹ thuật liên hệ đến việc thi hành kế hoạch. Ông ta trình bày rằng các lực lượng tình nguyện sẽ chấm dứt thực tập và sẽ sẵn sàng xuất phát vào ngày thứ năm 8 tháng 10. Ông ta đề nghị cuộc tập kích giải cứu tù binh sẽ được thực hiện vào ngày 21 tháng 10.

Khoảng hơn một tuần lễ sau vào ngày thứ năm 24 tháng 9, Manor lại được gọi đến Oa-sinh-tơn để trình bày công tác tập kích lên Bộ trưởng Quốc phòng Laird. Giám đốc CIA là Richard Helms cũng có mặt trong buổi họp này. Một lần nữa Manor đề nghị thời điểm xuất phát là từ 20 đến 25 tháng 10. Bộ trưởng Laird nói ông ta sẽ xét lại việc chấp thuận đề nghị trong khi chờ đợi phối hợp với cấp cao hơn. Ông ta không nói cho Manor biết về các cố gắng ngoại giao đang được xúc tiến vào phút chót để thoả hiệp về việc thả tù binh, hoặc nếu những cố gắng ngoại giao này thất bại thì ông ta sẽ trình Tổng thống xin chấp thuận việc tập kích. Nhưng ông ta đồng ý là đã đến lúc cần phải trình bày cho vị chỉ huy Thái Bình Dương là đô đốc John McCain biết rõ về một công tác mà Oa-sinh-tơn sắp thi hành ngay sau lưng của ông ta.

Ngày hôm sau, thứ sáu 25 tháng 9, Blackburn và Mayer trình bày với McCain, “ông già vĩ đại của Thái Bình Dương” là họ đang chuẩn bị để thi hành một cuộc tập kích tại Sơn Tây. Họ trình bày cho ông ta rõ mọi chi tiết, kể luôn những tù binh nào đã được xác nhận hoặc được nghi ngờ đang bị giam giữ tại đó. Đô đốc McCain biết rằng con trai của ông, bị bắt cầm tù 3 năm về trước và đã bị lính Bắc Việt đánh đập, sẽ là một trong những tù binh bị “bỏ rơi” ở lại, cho dù chiến dịch Bờ Biển Ngà sẽ thành công hay thất bại. Blackburn và Mayer nhìn thấy nỗi đau buồn trong ánh mắt của một người cha, lo âu nhưng vẫn rất can đảm. McCain nói với họ rằng, ông ta hoan nghênh mọi kế hoạch đã được trình bày. Ông ta sẽ làm mọi việc trong phạm vi quyền hành để giúp đỡ cho công tác thành công. Ông ta cũng đồng ý rằng vì lý do bảo vệ an ninh nên chỉ có một người nữa trong Bộ chỉ huy của ông ta được biết về công tác này, đó là vị tham mưu trưởng. McCain nói là ngay cả vị chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương cũng không nên cho biết: cơ quan SACSA có thể làm việc trực tiếp với viên chỉ huy hạm đội phản ứng nhanh 77 ở vịnh Bắc Bộ để phối hợp mọi liên lạc với hải quân trong việc yểm trợ cuộc tập kích. Xem ra là toàn thể Bộ tham mưu đang chỉ đạo cuộc chiến tranh tại Đông Nam Á đã bị bịt mắt không biết gì về một cuộc hành quân nghiêm trọng sẽ được thực hiện ngay trong vùng trách nhiệm của họ - như vậy là để giữ cho 61 tù binh Mỹ có thêm được cơ hội may mắn trở về nhà an toàn.

Trong giai đoạn này của cuộc chiến Việt Nam, hai mươi tháng dưới chính quyền của Nixon đã có 1.463 lính Mỹ bị bắt làm tù binh hoặc mất tích tại Đông Nam Á. Vấn đề lo lắng cho số phận của họ đã trở nên một vấn đề thời sự nóng bỏng nhất trong nước. Vợ của các tù binh và những người mất tích trong một năm qua đã tạo nên một nguồn dư luận lo lắng, thể hiện nhiều cách bày tỏ tình cảm khác nhau. Hàng triệu người Mỹ, từ học sinh trung học cho đến những người lớn tuổi trong một đất nước đang cay đắng về chiến tranh đều mang ở tay những vòng có khắc tên tù binh và kẻ mất tích. Những vòng đeo tay bằng nhôm hoặc bằng đồng 1/4 inh-sơ có khắc tên và ngày của những người bị bắn rơi, bị bắt cầm tù hoặc bị mất tích. Những người mang các vòng đeo tay này đã tuyên bố sẽ không tháo ra cho đến khi nào tên của người lính được xác nhận hoặc là được thả trở về nhà.

Những cuộc can thiệp về ngoại giao đối với Bắc Việt Nam cũng thất bại tương tự. Ba ngày sau khi Bờ-ru-man thuyết trình tại quốc hội, Henry Kissinger bay đi Pa-ri để hội đàm với đại sứ Đa-vít Bờ-ru-xơ vào cuối phiên họp thứ 85 của cuộc hòa đàm Pa-ri. Nhưng trong thực tế ông ta đến Pa-ri để gặp gỡ bí mật ông Xuân Thủy, trưởng đoàn hòa đàm của Bắc Việt Nam lần thứ hai trong tháng ấy. Những chuyến đi trong tháng 9 này của Kissinger là để tiếp theo 4 lần đi bí mật đến Pa-ri trước đó trong vòng một năm để gặp riêng ông Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Nam. Kissinger đánh điện về nhà với nội dung thất vọng: Không có sự tiến triển nào về vấn đề tù binh.

Ngày chủ nhật 27 tháng 9, Tổng thống Nixon rời Oa-sinh-tơn để đi châu Âu lần thứ hai và đây là lần công du thứ 3 ra ngoại quốc kể từ khi ông ta vào Nhà Trắng. Chuyến đi dài 12.000 dặm này sẽ đưa ông ta đến thăm năm quốc gia trong chín ngày, gồm: Nam Tư, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Anh và Ai-rơ-len. Bí thư báo chí của Nhà Trắng Rô-nan Gi-e-gờ-léc đã tự tuyên bố rằng Tổng thống có thể sẽ gặp giáo hoàng Pôn VI và cũng trong ngày hôm đó sẽ viếng thăm hạm đội 6 đang tập dượt trên Địa Trung Hải. Trong thông cáo chính thức không đề cập đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Laird và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Moorer đi theo Tổng thống nhưng trên thực tế họ có đi cùng.

Hai vị này đã gặp Tổng thống trên chiến hạm Sơ-pơ-ring Phi-en vào buổi chiều ngày ấy. Laird và Moorer có trình với Nixon về đề nghị giải cứu tù binh Mỹ ra khỏi Sơn Tây, một vị trí nằm sâu trên đất Bắc Việt Nam. Họ nói rõ cuộc tập kích sẽ được xuất phát trong vòng bốn tuần lễ nữa, nhưng một quyết định chấp thuận cần phải được ban hành sớm hơn để có đủ thời gian chuẩn bị công tác.

Trong thời điểm này, Nixon đang phải đương đầu với sự kiện quân đội Mỹ có thể can thiệp vào Trung Đông. Gioóc-đa-ni đang bị xâu xé bởi cuộc nội chiến và các chiến xa của của Xi-ri đã vượt qua biên giới của Gioóc-đa-ni. Một cuộc ngừng bắn đã được thương lượng trong các tháng trước đó giữa I-xra-en và Ai Cập nhưng có thể sẽ thất bại. Tổng thống Ai Cập là Ga-man Ab-den Na-xơ qua đời ngay trong ngày đó. Và bây giờ thì Laird và Moorer lại đặt thêm vấn đề can thiệp quân sự mới tại Đông Nam Á nữa.

Nixon duyệt qua tình trạng tù binh với hai vị này và nói ông ta chấp nhận việc giải cứu – trên nguyên tắc. Nhưng ông ta muốn họ trình bày cho Kissinger rõ mọi chi tiết trước khi ông ta có thể quyết định khi nào thì việc giải cứu được thi hành. Trong khi Laird và Moorer đi thăm Hy Lạp và Man-ta trong ba ngày thì Nixon đánh điện gọi ngay Bờ-rúc-xơ và viên phụ tá là Phi-líp Ba-bíp đến gặp ông ta tại Ai-rơ-len. Ông ta muốn hai viên chức này cân nhắc mọi điều hơn thiệt việc cố gắng tìm cách trao trả tù binh tại hội nghị hơn là việc tổ chức một cuộc tập kích vào Bắc Việt Nam, mặc dù ông ta không nói rõ cho họ biết là đang có kế hoạch này. Báo cáo của hai viên chức này không được rõ ràng lắm.

Tuy nhiên trên một lĩnh vực khác lại nhận được nguồn tin đáng phấn khởi và vô cùng quan trọng. Trung Quốc đã hoan nghênh một cuộc viếng thăm của nhà văn Ét-ga Snâu. Ngày thứ năm mồng 1 tháng 10, Snâu sẽ được mời đứng cạnh Chủ tịch Mao Trạch Đông trong lễ quốc khánh của Trung Quốc. Đây là dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ cho Oa-sinh-tơn biết là Mao đang muốn xích lại gần, thân thiện với một kẻ thù thâm độc trong suốt 25 năm qua. Sáng kiến này đem đến việc chấm dứt cuộc xâm chiếm Cam-pu-chia vào tháng tư và tháng năm cùng với cuộc xung đột giữa hai phe đã không còn nữa.

Nixon trở về Oa-sinh-tơn vào thứ hai ngày 15 tháng 10 để tuyên bố trước 3.000 người đang tụ tập để đón chào ông tại căn cứ không quân Andrews rằng: Hoa Kỳ đang có nhiều tiến triển trong cuộc hoàn thành mục tiêu tại Việt Nam, và ông ta cũng tiên đoán rằng nhiều biến cố trong tương lai sẽ chứng minh việc này.

Ngay sau khi Tổng thống trở về thì Laird, Moorer, Blackburn và Manor được tin là cuộc tập kích Sơn Tây “có thể” sẽ bị hoãn lại sau ngày 20-25 tháng 10. Ngày 24 tháng 10, là ngày kỷ niệm thứ 25 của Liên Hiệp Quốc, họ biết rõ ngày đó và muốn nhắc nhở Nhà Trắng ghi nhớ lễ kỷ niệm này. Họ không biết rằng ngày 25-10 thì Tổng thống Y-a-khan của Pa-ki-xtăng sẽ gặp Nixon để hội đàm về việc đi viếng thăm Trung Quốc vào giữa tháng 11. Và Tổng thống Y-a-khan sẽ truyền đạt ý muốn của Nixon về các cuộc hội đàm cấp cao ở Bắc Kinh. Họ cũng không biết rằng tại văn phòng đặc biệt của Tổng thống, ban tham mưu của Kissinger đang thảo đi thảo lại một bài diễn văn cho Tổng thống đọc vào ngày 26 tháng 10. Vào đêm đó, Chủ tịch Xê-au Xê-cu của Ru-ma-ni được nghênh tiếp tại Nhà Trắng trong một bữa dạ tiệc và Nixon sẽ hoan nghênh sự giao dịch tốt đẹp trước sau như một của Ru-ma-ni đối với Hoa Kỳ… đối với Liên Xô… và đối với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Hoa Kỳ đã đề cập đến đất nước cộng sản Trung Hoa với tên gọi chính thức là “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

Nếu cuộc tập kích bị hoãn lại, thì thời điểm thuận lợi về thời tiết chỉ có thể xảy ra đến cuối tháng 11. Manor và Simons sẽ dùng thời gian còn lại này để kiện toàn kế hoạch của họ. Nhưng ngày tháng càng trôi qua thì một vài chuyên viên về kế hoạch Sơn Tây có cảm tưởng rằng cuộc tập kích sẽ bị bãi bỏ. Còn đối với chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Tôm Moorer thì cho rằng cuộc tập kích sẽ được Tổng thống chấp thuận. Tuy nhiên Moorer vẫn còn hai điều lo âu. Điều thứ nhất là “không biết ngày nào thì sẽ có quyết định tối hậu”; và điều thứ hai là việc có thể xảy ra bất ngờ “Họ sẽ không cho phép chúng ta làm việc này”. Moorer tâm sự: “Đây là kinh nghiệm của đời tôi. Trong hình thức chính phủ của ta lúc nào cũng có nhiều kẻ đến với nhiều lý do khác nhau để bác bỏ điều này điều nọ. Điều tốt nhất đối với chúng ta để chứng tỏ rằng chúng ta không bao giờ làm điều gì sai trái và không muốn sai trái thì đừng bao giờ làm gì cả”. Nhưng ông ta cũng nhấn mạnh rằng Laird và Tổng thống Nixon muốn mọi việc đều phải được chuẩn bị hoàn hảo để đạt tới thành công. Cả hai vị này đều nghĩ rằng với thời gian thêm một tháng nữa thì việc huấn luyện sẽ tốt đẹp hơn.

Trong thời gian đó, việc phối hợp cho công tác tập kích cũng trở nên kiện toàn hơn. Ngày thứ tư 7 tháng 10, Blackburn bay từ căn cứ Eglin sau một cuộc thực tập ban đêm với đầy đủ trang bị để về thuyết trình cho phó đô đốc N.Gay-lơ, chỉ huy NSA về cuộc tập kích Sơn Tây. Gay-lơ hứa giúp đỡ Blackburn và yểm trợ đầy đủ. Ông ta tuyên dương hành động can đảm này và vô cùng khâm phục việc Simons sẽ đích thân cùng với binh sĩ đổ bộ xuống địa điểm mục tiêu.

Ngày hôm sau, Manor và Simons từ Eglin bay về Oa-sinh-tơn. Lần này thì Blackburn mời cả hai người đến thuyết trình cho vị phụ tá an ninh của Tổng thống là Henry Kissinger. Trong khi chuẩn bị gặp Kissinger thì Blackburn, Manor và Simons hội đàm với D.Bennett và Dick Steward ở cơ quan DIA, với Mi-ét Da-xlốp ở cơ quan NSA và với Dick Elliot ở cơ quan CIA để kiểm tra lại những tin tức tình báo cuối cùng mới nhận được. Bắc Việt Nam luôn luôn thay đổi hệ thống phòng không. Một trong hai máy ra-đa ở phi trường Phúc Yên, căn cứ phòng không chính của Hà Nội cách Sơn Tây 20 dặm về phía Đông Bắc đã được di chuyển đi chỗ khác. Họ không biết tại sao và cũng không biết chuyển đi đâu. Blackburn tỏ vẻ lo lắng. Không biết bí mật có bị tiết lộ không? Có phải là máy ra-đa ấy đã được chuyển đến một chỗ nào khác để theo dõi việc tập kích Sơn Tây chăng?

Máy ra-đa của Bắc Việt Nam sẽ là một trở ngại chính trong vòng 55 phút ở quanh vùng mục tiêu, đấy là thời gian mà toán tập kích sẽ xuất phát từ biên giới Lào đến mục tiêu. Còn có một máy ra-đa khác nữa có thể theo dõi họ từ hướng bắc. Máy này được sử dụng trong tuyến đường bay 5 độ, cách khoảng từ 4 phút rưỡi đến 5 phút mỗi vòng quay kiểm soát. Như vậy toán phục kích phải xâm nhập đúng vào thời điểm ở giữa, tạm gọi như là “xỏ mũi kim”. Không có cách gì để che giấu máy bay khỏi năm lưới ra-đa. Càng gần đến mục tiêu thì lại có thêm một máy ra-đa nữa có thể kiểm soát họ từ hướng nam. Tuy nhiên, nếu bay thấp và xuyên qua những đường bay đúng theo kế hoạch thì các loại máy bay C-130, trực thăng, và A-1 có thể thoát được màn lưới ra-đa. Nhưng nếu họ bay trệch hướng và không đủ độ cao thì sẽ bị máy ra-đa phát hiện trong vòng từ 8 đến 15 phút cách mục tiêu. Vì lý do đó cho nên phi hành đoàn Sơn Tây đã phải bỏ nhiều thời gian thực tập các đường bay xâm nhập, mặc dù có hy vọng là nếu các lực lượng hải quân gây ra các cuộc oanh kích đánh lạc hướng thì máy ra-đa lại đổi theo về hướng khác, chủ tâm về hướng Hải Phòng chứ không phải hướng Lào.

Blackburn cũng lo lắng về việc phát hiện một ăng-ten truyền tin tình báo của Trung Quốc đặt trên một dãy núi ở đất Lào cách Hà Nội 100 dặm về hướng tây. Ông ta có yêu cầu là cho các chuyên viên tình báo thử dùng máy bay oanh tạc bắn gãy cọc ăng-ten đó. Nhưng các chuyên viên nói không cần thiết trong trường hợp lực lượng của Manor cố gắng giữ yên lặng không liên lạc truyền tin cho đến khi Simons thật sự đổ bộ xuống đất. Nếu vậy các hệ thống truyền tin xuất phát đi và đến từ các trạm ở Thái Lan vẫn giữ nguyên tình trạng liên lạc bình thường trước cuộc tập kích.

Không kể máy ra-đa chưa phát hiện được, Blackburn, Manor và Simons nghĩ rằng các chuyên viên tình báo đã có lý; họ đã coi hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam nhỏ nhoi không đáng kể. Nhưng có một cái gì ngộ nghĩnh đang xảy ra ở Sơn Tây hoặc là không xảy ra. Và lúc này, hơn một nửa các chuyến bay trinh sát của máy bay Buffalo Hunter có tầm bay thấp theo chương trình đã bị bắn rơi hoặc bị loại bỏ. Các tin tức tình báo về trại giam đã thu hẹp tới mức các chuyên viên điều tra nghiên cứu hình ảnh của phòng 213 chỉ còn có thể tìm tòi các chi tiết khác của các hình ảnh do máy bay SR-71 chụp được trên độ cao 80.000 bộ hoặc cao hơn nữa về doanh trại nhỏ bé. Các hình ảnh này làm người ta ngạc nhiên: doanh trại hình như bỏ trống.

Thông thường trong một chuyến công tác tốt, nếu không có mây hoặc nhiều bóng che khác bao phủ mục tiêu thì máy chụp ảnh kỹ thuật trên máy bay trinh sát SR-71 có thể chụp được nhiều hình ảnh khá rõ ở độ cao cách mặt đất 15 dặm, các chuyên viên DIA cũng có thể đếm được số người ở trong sân trại tù Sơn Tây. Công tác trinh sát SR-71 lần cuối cùng bay ở độ cao và nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh vào ngày thứ bảy 3 tháng 10 đã chụp được nhiều hình ảnh rất rõ ràng - nhưng không có hình bóng người nào.

Manor đã ghi chú trong báo cáo sau công tác của ông ta là tất cả các chuyến bay trinh sát từ ngày 6 tháng 6 đến ngày 3 tháng 10 đã ghi nhận được dấu hiệu giảm bớt về hoạt động trong số hình ảnh chụp được. Nhưng điều này có thể do số tù binh Mỹ đã bị giam kín trong phòng thêm một thời gian nữa. Blackburn nhớ lại khi ông ta ngồi thảo luận với một vài chuyên viên DIA, kiểm soát từng tấm ảnh chụp được đã có người nói rằng: “Hình như họ không còn dùng doanh trại này nữa”. Simons cũng có một ý nghĩ tương tự. Sau này ông ta có nói rằng: “Các tấm ảnh người ta cho tôi biểu lộ một điều khác lạ về các thảo mộc. Cỏ mọc đầy trong doanh trại”. Và ông ta tự nghĩ: “Có thể họ đã hạn chế mọi sinh hoạt của tù binh. Hoặc có thể họ đã giam kín tù binh trong phòng”. Nhưng ông ta cũng nghĩ rằng: “Có thể họ đã di chuyển tù binh đi nơi khác”.

Đối với Simons, việc thuyết trình cho Henry Kissinger là “bộ phận khó khăn nhất trong toàn bộ quá trình công tác”. Sau này ông ta gọi nó là “trường hợp hiếm hoi đối với một viên đại tá bộ binh”. Chỉ có bốn nhân vật hiện diện trong buổi thuyết trình: Phụ tá của Kissinger là trung tướng Alexander Haig với Vogt, Blackburn và Manor. Tất cả đều tập hợp lúc 2 giờ 30 chiều thứ năm 8 tháng 10 tại văn phòng của Kissinger phía tây của Nhà Trắng. Cuộc họp kéo dài không đầy 30 phút.

Vogt giới thiệu mọi người và Blackburn trình bày đại cương trong khoảng một hoặc hai phút. Sau đó Manor đi thẳng vào việc trình bày chi tiết mà ông ta và Simons đã thuyết trình biết bao nhiêu lần trong 3 tuần lễ trước đây. Họ sử dụng một đèn rọi phóng ảnh và biểu đồ mà họ đã từng chiếu để trình cho các vị tham mưu trưởng xem. Cho đến lúc này Simons đã “nghe tướng Manor thuyết trình nhiều lần, đến nỗi ông ta muốn buồn ngủ”. Kissinger gật đầu một cách thông minh khi nghe thuyết trình. Manor chấm dứt thì Simons trình bày về phần công tác dưới đất. Ông ta chỉ nói vào khoảng hai phút rưỡi. Nhưng trước khi kết thúc ông ta bình luận thêm: “Tôi có nói cho ông ta rõ là chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng số lượng đạn tối thiểu cần thiết”. Nhưng, Simons cũng cẩn thận nêu rõ việc khó tránh gây ra thương vong cho kẻ địch vì lẽ doanh trại quá hẹp. Câu nói này đã làm cho Kissinger chú ý, ông ta hỏi Simons: “Anh đang nói điều gì đó?”.

Simons giải thích là ông ta sẽ không thực hiện một cuộc săn bắt lớn: “Chúng tôi đến đó để cứu tù binh chứ không phải để đánh nhau. Nhưng chúng tôi phải thi hành công tác nhanh chóng và phải sử dụng vũ khí khi cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ cần thiết thôi chứ không bừa bãi”. Có một điều ông ta muốn làm sáng tỏ là ông ta không muốn báo động cho một đơn vị canh gác ở phía bắc sông Cồn nếu điều đó có thể tránh được. Nhưng Simons nhấn mạnh là bất cứ ai cản đường chúng tôi thì sẽ bị bắn giết tại chỗ.

Kissinger trả lời: “Anh cứ làm bất cứ điều gì anh xét thấy cần. Việc va chạm quốc tế thì để chúng tôi lo; chúng tôi có thể giải quyết được. Không có một người nào ở Nhà Trắng lại lo nghĩ đến việc thương vong của kẻ địch. Anh nên giới hạn những điều gì xét thấy cần thiết. Nhưng đồng thời cũng nên sử dụng đầy đủ bạo lực cho việc hoàn thành công tác có hiệu quả nhất”. Kissinger có một câu hỏi quan trọng: Trường hợp cuộc tập kích bị thất bại thì sao? Các anh có thể bảo đảm được bao nhiêu phần chắc là các anh sẽ không tạo thêm tù binh Mỹ trong các trại giam ở Bắc Việt Nam? Blackburn trình bày với Kissinger rằng ông ta nắm chắc sự thành công từ 95 đến 97%. Manor lại nhấn mạnh thêm điểm đó: phi hành đoàn của ông ta đã thực tập 697 giờ bay với 268 lần xuất phát để chuẩn bị cho công tác này. Họ đã tập đi tập lại trên dưới 170 lần.

Kissinger tỏ vẻ phấn khởi. Haig thì không thắc mắc điều gì và cũng không bình luận câu nào.

Sau đó Blackburn bày tỏ sự quan tâm của ông ta về một điều cần nghiên cứu rộng rãi thêm nữa cho cuộc tập kích này, đó là phần ảnh hưởng tâm lý có thể gây trở ngại cho việc hoà đàm ở Pa-ri, và không biết Bắc Việt Nam sẽ đối xử với những tù binh còn lại trong các trại giam khác sau này như thế nào? Kissinger cắt ngang: “Thiếu tướng không cần phải lo việc đó. Thiếu tướng đừng dính vào việc chính trị. Đó là phần chúng tôi lo, chứ không phải phần của thiếu tướng”.

Đối với Simons thì phản ứng của Kissinger “xem ra tất đẹp lắm”, bởi vì đây là điều phải làm, Simons thấy vị phụ tá an ninh của Tổng thống có đầu óc quyết định rất nhanh chóng.

Manor trình bày với Kissinger rằng, khoảng thời gian có thời tiết tốt là vào giữa 20 đến 25 tháng 10, trong đó ngày 21 tháng 10 là thời điểm thuận tiện nhất cho cuộc tập kích. Nếu thời điểm này được tổng thống chấp thuận thì các toán hành động của ông ta sẽ xuất phát đi ngay đến căn cứ Thái Lan trong hai ngày nữa. Đó là ngày 10 tháng 10. Thật ra thì Manor không dùng chữ “Tổng thống” mà ông ta lại nói “với giới chức lãnh đạo quốc gia”. Thời điểm thuận lợi thứ hai có thể là vào trước ngày lễ Tạ ơn. Nhưng ông ta lại nói nếu việc tập kích được thi hành vào khoảng giữa 20 đến 25 tháng 10 thì có vẻ hơi khó khăn vì lẽ vào ngày 24 tháng 10 thì tổng thống đã có chương trình đọc diễn văn trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày lễ kỷ niệm thứ 25, và sẽ có 31 vị nguyên thủ quốc gia dự buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng vào đêm đó.

Kissinger ngập ngừng, ông ta nói Tổng thống bận công du và việc chấp thuận cuối cùng phải do Tổng thống quyết định.

Khi cuộc họp chấm dứt, Kissinger đặt một câu hỏi cuối: “Ai có sáng kiến về việc này?” Cả Vogt và Simons đều trả lời: “Có nhiều người tham gia kế hoạch. Đây là một công việc tập thể”. Kissinger phát biểu một điều mà tất cả mọi người dự họp đều còn nhớ mãi. Ông ta nói: “Cho dù nếu việc này không được chấp thuận đi nữa thì tôi cũng xin cảm ơn tất cả các vị, về sáng kiến và trí tưởng tượng của các vị. Xin cảm ơn các vị nghĩ ra được một điều độc đáo”.

Trong khi lái xe về lại Lầu Năm Góc, một trong những người dự họp đã tự nghĩ rằng có một điều gì hơi lạ lùng trong buổi họp. Henry Kissinger thậm chí không hề hỏi họ có chắc chắn là có tù binh nào ở Sơn Tây không.

phithiengia
12-04-2008, 10:14
Tàu sân bay và điệp viên
Với những lý do mà Blackburn và Manor chưa hề được giải thích ngay sau khi buổi thuyết trình với Kissinger thì Nhà Trắng quyết định hoãn thi hành cuộc tập kích. Ba năm sau Manor giải thích với nhóm tù binh được thả vào năm 1972: “Ban đầu thì kế hoạch được tiếp nhận một cách rất hăng hái nhưng sau đó thì lại có quyết định phải hoãn công tác cho đến tháng 11, là thời điểm thứ hai đã dự kiến của chúng tôi. Một lý do khiến tôi muốn thi hành ngay vào tháng 10 là vì tôi rất quan tâm đến vấn đề an ninh. Nhưng dù sao việc đình hoãn này cũng giúp cho chúng tôi thêm thời gian để tiếp tục thực tập và phối hợp”.

Vào ngày thứ 2, ngày 19 tháng 10, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Tôm Moorer mời Blackburn đến văn phòng và nói cho biết là ông ta và Bộ trưởng Quốc phòng Laird sẽ quyết định tối hậu về công tác, không cần đệ trình cấp cao hơn nữa.

Thứ ba tuần sau, ngày 27 tháng 10, Moorer nói cho Blackburn biết ông ta muốn tập hợp một buổi họp nội bộ vào ngày chủ nhật 1 tháng 11 và sẽ cho các toán hành động xuất phát hai tuần lễ sau đó, vào thứ ba, ngày 10 tháng 12. Hôm sau, ngày 28 tháng 10 chuyến máy bay trinh sát Buffalo Hunter lần thứ 7 bay trên vòm trời tại Sơn Tây. Vì máy chụp ảnh quá sớm cho nên tấm ảnh mang về chỉ thấy hiện ra một chân trời ở cách xa trại Sơn Tây mà thôi. Bennett, Blackburn và Manor đều quyết định chấm dứt mọi sự cố gắng của loại máy bay Buffalo Hunter này. Cũng vào cuối ngày hôm đó Blackburn được tin Bộ tư lệnh Hải quân đã chỉ thị chấm dứt mọi chuyến bay Ba-kep cho đến ngày 10 tháng 11. Đây là các loại máy bay có gắn hệ thống ra-đa để theo dõi các phản lực MIG của Bắc Việt Nam và hướng dẫn máy bay oanh tạc của Mỹ bắn phá chúng. Việc chấm dứt các đường bay này làm cho các toán của Ua-no trở thành đui và điếc trong suốt 12 ngày. Nếu Bắc Việt Nam đột nhiên cho tất cả mọi máy bay chiến đấu tập trung ở vùng gần Sơn Tây nhất thì đến khi họ biết được đã quá muộn. Sáng hôm sau, ngày thứ năm 29 tháng 10, Blackburn hỏi Vogt có thể cho các máy bay Ba-kep hoạt động trở lại được không. Nhưng còn những chuyến bay khác hoạt động trên vùng trời Bắc Việt Nam thì ông ta muốn tạm chấm dứt. Đây là những chuyến bay C-130 về hoạt động tâm lý chiến. Thả truyền đơn khắp nơi ở Bắc Việt, cộng thêm với một vài chuyến bay Buffalo Hunter cũng để thả truyền đơn trong chiến dịch “Literbug” mà những chuyên viên thi hành chiến dịch này thường gọi là máy bay thả “bom phân bò”. Vogt đồng ý và cho rằng đây là thời điểm sai lầm nếu tiếp tục các chuyến bay đó để “khuyến khích hệ thống báo động” của Bắc Việt Nam.

Cũng trong ngày hôm đó Blackburn đã phải giải quyết hai đều rắc rối nữa. Một là việc có liên hệ đến Hải quân, còn việc khác thì liên quan tới CIA. Vài tháng trước đây Bộ tư lệnh Hải quân có chương trình thay thế tàu sân bay A-mê-ri-ca để dùng tàu sân bay Răng-rê cho toán hành động 77 ở vịnh Bắc Bộ. Trong khi đó thì các nhân viên phi hành trên tàu sân bay A-mê-ri-ca đã được thực tập để đánh lạc hướng việc tập kích Sơn Tây. Vì việc thay phiên và thực hiện mọi việc tu bổ tàu sân bay là rất phức tạp nên những sự thay thế như vậy đòi hỏi phải dự liệu hàng tháng trước, đôi khi cả một năm. Nhưng Blackburn chỉ nhận được tin thay thế này vào ngày 29 tháng 10. Trong cuốn sổ tay riêng của ông ta, Blackburn có ghi chú vào ngày đó như thế này: “Thật lạ lùng, tôi được báo cho biết về nhu cầu thay thế tàu sân bay Răng-rê và Hen-cốc vào ngày 19 tháng 11 giữ lại tàu sân bay Oriskany cho đến ngày 26 tháng 11. Như vậy thì phải chuyển phi hành đoàn và máy bay từ tàu sân bay A-mê-ri-ca sang Răng-rê hay sao?”. Ông ta tìm gặp ngay Vogt. Vogt sững sờ: “Tại sao người ta lại không tính đến việc này trước đây”. Blackburn giải thích là nhu cầu này đã được ghi trong kế hoạch trước đó. Nhưng thông thường thì bất cứ trong những vấn đề quan trọng nào cũng có khe hở, mà Lầu Năm Góc là một dinh cơ được xây cất cách đây 27 năm cho nên nó có nhiều khe hở lắm. Vogt phải tự lo giải quyết về việc thay đổi bất ngờ các tàu sân bay nói trên, nhưng ông ta lại gặp phải hai trở ngại: Một là không ai biết rõ khi nào thì Nhà Trắng sẽ cho phép thi hành cuộc tập kích, hai là các nhà vạch kế hoạch muốn mọi việc đều xảy ra với nhịp độ bình thường để cho Bắc Việt Nam khỏi lưu ý.

Vogt nói, ông ta sẽ cố gắng giải quyết việc thay đổi tàu sân bay. Nhưng việc này không phải là dễ. Khi điện của chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng được gửi đến Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thì vị tư lệnh của hạm đội Thái Bình Dương chạy ào vào gặp ông tham mưu trưởng của đô đốc J.McCain, là đại tướng A.Cóc-co-ran. ông ta nói: “Có việc gì kỳ quặc đang xảy ra. Chúng ta nhận được nhiều lệnh lạ lùng, chỉ thị thay đổi các tàu sân bay khắp nơi trên Thái Bình Dương và các lệnh này thật là ngớ ngẩn. Không biết có cái quái gì đây?”

Cóc-co-ran nói với Blackburn: “Tôi chưa từng nói dối anh điều gì. Bây giờ tôi cũng không muốn nói dối anh. Nhưng tôi sẽ không giải thích được. Tôi chỉ mong anh nghe theo tôi một lần nữa. Cứ chấp hành mệnh lệnh đã”.

Như vậy là Blackburn chỉ còn có một việc rắc rối thứ hai nữa thôi. Vào ngày 29 tháng 10, ông ta phát hiện ra rằng CIA đang “quấy rối” ngay sau lưng ông ta.

Sáng hôm đó trong cơ sở rộng 213 sào dựng bằng vách gỗ của CIA tại Lăng-gờ-lây, tiểu bang Virginia, George Carver tưởng chừng như đang sống trong một cơn mê. Vừa mới ngày hôm qua ông ta đã bảo đảm với Blackburn rằng không có một điệp viên nào của CIA đang hoạt động tại Bắc Việt Nam. Thế mà bây giờ Blackburn đang thách thức ông ta về sự đoán chắc đó. Trong suốt những tháng hoạch định chương trình cho cuộc tập kích Sơn Tây, suốt trong 16 buổi sáng thứ bảy liền phối hợp chung với người liên lạc được chọn lựa đặc biệt của Carver, Blackburn đã bao lần nhấn mạnh về sự lo lắng của ông ta đến việc có thể có một vài điệp viên nào đó của CIA đang sục sạo ở miền Bắc vào đúng thời gian không thuận lợi, hoặc trong vùng hoạt động không thuận lợi, có thể là bị bắt giữ, và có thể báo động cho hệ thống phòng thủ của Bắc Việt Nam về một sự việc quan trọng nào đó đang xảy ra. Blackburn nhắc lại cho Carver biết về sự lo lắng của ông ta và nói rõ rằng ông ta đã tìm hiểu được qua một đường dây riêng có một hoạt động điệp báo của CIA đang tiến hành trong lúc này.

Carver phải thú nhận điều đó. Nhưng ông ta nhấn mạnh là sự hoạt động ở cách xa Sơn Tây về hướng Nam, gần con đường số 7 ở miền Nam biên giới Lào. Ông ta cãi là hoạt động này không thể làm nguy hại việc tập kích Sơn Tây. Đây chỉ là một hoạt động điệp báo loại nhỏ, vì lẽ đó ông ta đã không nghĩ đến điều này khi Blackburn hỏi về các hoạt động điệp viên trước đây.

Blackburn có cảm tưởng từ lâu là báo cáo của CIA về việc theo dõi các hoạt động điệp báo của họ không được nhanh chóng cho lắm. Hầu như mỗi một điệp viên được đưa vào miền Bắc kể từ năm 1964 đều bị chặn bắt - có hàng trăm điệp viên người miền Nam và một vài người miền Bắc đã được CIA chiêu hồi để làm việc này. Ngay sau khi nắm quyền chỉ huy cơ quan SOG từ năm 1965, Blackburn đã được biết có vài toán điệp báo nhiều tháng nay đã không được tiếp viện. Chính ông ta đã phản kháng việc đưa thêm người cho đến khi nào CIA đã tổ chức lại để lo liệu cho những người đã có mặt tại khu vực hoạt động từ lâu. Chính CIA đã làm mất nhiều điệp viên cừ khôi và suýt làm nguy đến tính mệnh của những người khác như Dick Meadows chẳng hạn trong khi lo đi cứu họ, nhưng Blackburn càng cố nhớ lại bao nhiêu thì càng thấy rõ tất cả hoạt động điệp báo đều không đem đến được một mẩu tin tức tình báo nào có ích lợi.

G.Carver là một trong những chuyên viên tình báo mà Blackburn ưa thích nhất. Carver cũng đồng quan điểm về các loại hoạt động bất quy tắc, chứ không tin tưởng nhiều về số lượng người, và đã hết sức ủng hộ cơ quan SACSA. Carver là một học giả tốt nghiệp Đại học Rốt trước đây, và cũng là một chuyên viên tâm lý chiến, thuộc loại người nhanh tay lẹ chân. Ông ta có thừa năng lực và lúc nào cũng thích cầm điện thoại để hỏi cho ra lẽ. Trong bất cứ buổi họp nào nếu có ai thắc mắc điều gì thì ông ta thường chụp ngay điện thoại để tìm cho ra câu trả lời ngay tức khắc. Chính điều đó khiến Blackburn lo ngại là Carver không hoàn toàn thật lòng với ông ta. Khi ông ta hỏi Carver về địa điểm chính xác mà các điệp viên đang hoạt động tại Bắc Việt Nam thì Carver không chụp điện thoại để tìm câu trả lời. Trái lại Carver ngồi thừ người, không chối cãi không xác nhận, chỉ đề nghị theo thói quen của ông ta là nếu hoạt động gián điệp báo không làm phương hại đến kế hoạch của Blackburn thì Blackburn đừng nên tìm hiểu làm gì.

Blackburn cố gắng dằn lòng, cân nhắc từng lời nói một: “Tôi nghĩ là anh không sòng phẳng với tôi. Theo chỗ tôi biết thì cái tên điệp viên nào đó của anh đang hoạt động gần địa điểm 32 ở miền Bắc Lào chỉ cách Sơn Tây có 100 dặm thôi. Trong vòng 3 tuần lễ nữa chúng tôi sẽ cho xuất phát cuộc tập kích nhưng ngay bây giờ thì tôi lại biết được người của anh đang hoạt động ngay sau lưng tôi. Nhân viên đó có thể làm hỏng hết mọi việc. Và anh cũng không thèm nói cho tôi biết về sự hiện diện của đương sự. Tôi đang nói chuyện với anh là thay mặt cho Chủ tịch. Chúng tôi muốn tên điệp viên ấy chấm dứt ngay hoạt động. Người Bắc Việt có thể theo dõi điệp viên của các anh dễ dàng hơn là chúng tôi, còn chúng tôi cũng có thể tìm ra được hắn chẳng khó khăn gì. Đó là một lý lẽ khiến tôi đã để cho người của các anh tham gia vào việc hoạch định chương trình này - để các anh giúp chúng tôi chấm dứt cái trò tệ hại này”. Blackburn còn nhớ là Carver phản ứng với một thái độ bình thản - tinh đời, trầm ngâm, không tiết lộ điều gì. Ông ta chỉ nói là sẽ cố gắng làm bất cứ việc gì có thể được. Blackburn nổi xung lên, nói là chúng ta đều làm việc cho một tập thể v.v… và v.v…

Blackburn bỏ ra khỏi cơ quan CIA với sự bất mãn, chán nản, rối trí, và lo âu. Có một việc gì kỳ quặc đang xảy ra thế mà ngay chính cả người của CIA có trách nhiệm trong việc giúp đỡ cho cuộc tập kích Sơn Tây cũng không thèm nói cho ông ta biết việc gì và tại sao.

Năm năm sau Blackburn mới tìm hiểu được tất cả mọi lời giải đáp. Nhưng sau đó vài ngày thì Mayer có nói cho ông ta biết một phần lý do về sự bối rối của Carver. Cơ quan CIA đã mất địa điểm hoạt động 32. Cộng sản đã nắm được tin tức về địa điểm xuất phát phụ cho cuộc tập kích Sơn Tây, và các chuyên viên CIA đang cố gắng hết mình để tìm cho ra đầu mối liên lạc đã mất ấy.

phithiengia
12-04-2008, 10:39
Sơ hở và thất lạc công điện
Vào ngày chủ nhật 1 tháng 11, Blackburn, Manor và Simons rời căn cứ không quân Andrews để đi Hawaii và từ đó đi miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này một bộ phận tham mưu nhỏ của toán hành động hỗn hợp cấp thời bay đi Đông Nam Á để tìm gặp các vị chỉ huy Không đoàn và căn cứ có nhiệm vụ yểm trợ cho cuộc tập kích Sơn Tây. Mỗi vị chỉ huy đều nhận được một bức thư có tính chất chỉ thị riêng vừa đủ nội dung tin tức để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Không kể một vài vị sĩ quan mà chính Blackburn, Manor và Simons sẽ trực tiếp gặp, không còn ai biết rõ về mục tiêu của công tác này.

Để tránh mọi sự chú ý có thể xảy ra, các sĩ quan tham mưu của toán hành động bay đến nhiều địa điểm khác nhau trong vùng Đông Nam Á, trên những chuyến bay thường lệ và ngay cả trên những chuyến bay còn thừa chỗ. Sau này Manor có viết trong báo cáo rõ ràng rằng: “Việc này làm hao phí nhiều thời gian và chỉ có thể trông chờ vào một vài đường đây liên lạc may mắn để có thể hoàn tất kịp thời sự phối hợp kế hoạch theo dự định. Đúng ra thì nên có những chuyến bay riêng biệt cho mục đích này, như vậy thì mới giảm bớt được nhiều rắc rối có thể xảy ra và cho phép các chuyên viên thêm nhiều thời gian để hoàn thành công tác”.

Ngày thứ hai, 2 tháng 11, lúc 10 giờ 45 sáng tại Hawaii, Blackburn, Manor và Simons thuyết trình cho Đô đốc McCain và tham mưu trưởng của ông ta. McCain rõ ràng là quan tâm, ngồi yên trên ghế. Lẽ tất nhiên sự quan tâm của ông ta là đối với những tù binh có thể sẽ bị bỏ rơi ở lại - trong đó có con trai của ông ta. Tuy nhiên ông ta vẫn hết lòng ủng hộ việc tập kích. Một trong những người dự buổi họp đã nghĩ rằng ông ta đang bị đặt vào một cương vị khó khăn. Sau buổi họp, McCain dành riêng chiếc máy bay đặc biệt của ông thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương để đưa Blackburn, Manor và Simons bay thẳng suốt 6296 dặm đến Sài Gòn. Cả ba rời O-a-hu lúc 4 giờ 45 chiều để bay vượt qua miền tây Thái Bình Dương trong một chuyến đi dài.

Cả ba người cảm thấy được ưu đãi, chiếc máy bay C-118 (loại DC-7 của quân đội được cải tiến lại) của đô đốc McCain là một loại vận tải cơ thuộc cấp lãnh đạo được trang bị như là một Tổng hành dinh trên không - có ghế đệm êm ấm, có giường nằm, phục dịch sang trọng, thức ăn uống ngon lành - và với tầm bay thấp, tốc độ 350 dặm một giờ, nhờ đó cả ba người đều có dư thời gian để ngủ bù. Máy bay đáp xuống Ai-rơ-len để lấy thêm nhiên liệu, vượt qua làn ranh giới đổi thay giờ giấc quốc tế và lại đáp xuống để lấy thêm nhiên liệu lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau tại Philippines. Chặng ngừng cuối cùng là Sài Gòn. Tại đây họ sẽ thuyết trình cho tướng Creighton Abrams, người thay thế tướng Westmoreland, để chỉ huy Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV).

Tuy nhiên trên đường bay cũng còn một vài việc phải làm cho xong. Trước khi rời Oa-sinh-tơn, Moorer có hỏi Blackburn nếu có một trận thả bom lớn tại miền Bắc, chỉ vào khoảng một ngày thôi, ngay trước thời gian thực hiện tập kích ở Sơn Tây, thì có gây ra điều gì rắc rối thêm không? Có thể đây là một trận thả bom đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam sau hơn 2 năm qua. Moorer có cho biết là Nhà Trắng đang dự tính việc này và có đề nghị là nên buộc chặt việc này với việc giải thoát tù binh ở Sơn Tây. Blackburn đã yêu cầu Mayer viết nhận định về việc này, trước khi ông ta trở về. Tuy nhiên trên đường bay đến Sài Gòn Blackburn vẫn ghi chép riêng những điều suy nghĩ:

a) Trận thả bom sẽ gây ra rắc rối dữ dội, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế.

b) Có thể tạo ra lý lẽ tốt cho Bắc Việt Nam - nếu trường hợp (a) ở trên là đúng, để họ trả thù những tù binh còn bị kẹt lại.

c) Có thể làm rúng động toàn bộ hệ thống báo động của địch.

d) Chúng ta không nên làm ồn ào quá đáng về công tác riêng của chúng ta để đạt được một tâm lý ủng hộ tối đa, ví dụ như việc trình bày rằng công tác này chỉ nhằm mục đích nhân đạo. Nếu để cho trận thả bom dính líu đến việc này thì sẽ làm tổn hại đến mục đích công tác và tạo ra một sự chỉ trích gay gắt.

e) Thừa nhận quan điểm với Nhà Trắng cho rằng việc thả bom nếu được thực hiện trước cuộc tập kích thì sẽ tăng cường thêm hiệu lực cho các cuộc oanh tạc đánh lạc hướng của hải quân chúng ta.

f) Tuy nhiên điều thuận lợi sẽ kém xa điều bất lợi, có nghĩa là sẽ gây ra phản ứng chống đối.

Với thân hình vạm vỡ, ngồi phả khói xì gà, tướng Abrams lắng nghe Blackburn, Manor và Simons trình bày lần đầu tiên cho ông ta rõ về cuộc tập kích Sơn Tây. Bên cạnh ông ta còn có Lucius Clay, phụ tá không quân và chỉ huy trưởng không đoàn 7. Ngoài ra còn có đại tướng Oai Đôn-vin cũng thuộc binh chủng thiết giáp như tướng Abrams và hiện là tham mưu trưởng của MACV. Tướng Abrams là người ít nói. Khi buổi thuyết trình chấm dứt, ông ta nói với Blackburn, Manor và Simons: “Lạy chúa! Đây thật là một công tác chuyên nghiệp. Tôi không thấy các anh sơ sót điều gì. Dường như các anh đã xem xét tận tường mọi góc cạnh. Tôi không có câu hỏi nào cả”. Abrams quay sang phía Clay và hỏi: “Sao, còn anh, có yểm trợ việc này được không?”. Trong suốt buổi họp tướng Clay mở to đôi mắt, giống như đang mơ màng và dường như muốn nói: “Cái tên này thật là điên khùng”. Nhưng rồi ông ta lại nói với Abrams: “Tôi không bảo đảm hoàn toàn, nhưng chúng ta sẽ cố gắng hết sức để cùng lo việc này. Hình như chúng ta chỉ còn có độ 10 ngày để chuẩn bị mọi việc”. Tướng Clay biết rõ là việc này không dễ dàng vì ông ta đang lo thực hiện chương trình rút quân và vật liệu ra khỏi tất cả các căn cứ ở Đông Nam Á, nằm trong toàn bộ kế hoạch triệt thoái của Tổng thống Nixon.

Trong khi Blackburn bay trở về Oa-sinh-tơn để lo mọi việc khác của SACSA thì Manor và Simons dùng máy bay hải quân đi từ Sài Gòn đến vịnh Bắc Bộ, đáp xuống một tàu sân bay dùng làm chiến hạm chỉ huy cho đoàn phản ứng nhanh 77 của phó đô đốc Fred A. Bardshar. Bardshar được tin là có một nhân vật nào đó đang đến nhưng không biết là ai. Ông ta đã nhận được một công điện thuộc loại chỉ huy thượng khẩn do một người bạn ở Tổng hành dinh Thái Bình Dương gửi đến. Công điện báo cho ông ta biết có hai sĩ quan sẽ đến, một đại tá lục quân và một thiếu tướng không quân. Công điện yêu cầu Bardshar giúp họ mọi việc cần thiết, nhưng cuộc viếng thăm cũng như công tác của họ cần phải giữ bí mật tuyệt đối. Bardshar không được thảo luận việc này ngay cả với thủ trưởng của ông ta là Hạm trưởng Hạm đội 7, hoặc ngay cả với chỉ huy trưởng Hạm đội Thái Bình Dương.

Bardshar mời Manor và Simons vào văn phòng soái hạm. Sau đó ông ta cho gọi thêm hai người nữa đến là đại tá Alan Boot Hill - sĩ quan điều hành và trung tá P.D. Hoskins - sĩ quan tình báo. Họ cùng chung lập kế hoạch cho các đường bay đánh lạc hướng của hải quân để che chở cho cuộc tập kích Sơn Tây, trong một thời hạn ngắn và điều kiện eo hẹp đòi hỏi cả về trí thông minh lẫn sức chịu đựng thể xác. Thiết lập một dự án hành quân chi tiết cho các loại máy bay oanh tạc của hải quân xuất phát từ tàu sân bay cũng giống như soạn một bản đại hợp tấu cho một dàn nhạc lớn của viện âm nhạc New York. Thiết lập một dự án oanh tạc vào ban đêm xuất phát từ hai đến ba tàu sân bay cũng giống như soạn bản đại hợp tấu cho hai hoặc ba dàn nhạc cùng trình diễn chung nhưng không tập dượt trước. Và vì lẽ dự án công tác này cần phải giữ tuyệt đối bí mật cho nên Boot Hill và Hoskins phải cố viết một bản nhạc mà các nghệ sĩ trình diễn chỉ được phép trông thấy lần đầu tiên trước khi mở màn hợp tấu.

Blackburn trở về Lầu Năm Góc vào ngày thứ ba 10 tháng 11 để trình bày với Moorer về chuyến đi Đông Nam Á và luôn cả sự lo âu của ông ta về dự tính thả bom một ngày. Thời điểm xuất phát của cuộc tập kích chỉ còn độ 10 ngày nữa cho nên ông ta không muốn nghĩ đến những cơn ác mộng đã thấy trong hàng mấy tuần qua. Nhiều đêm ông ta thức giấc tại căn nhà riêng ở Mắc-te-an, tiểu bang Virginia và tự hỏi: “Lạy chúa tôi! Nếu không có tù binh nào ở đó thì sao? Nếu trại giam trống trơn thì làm sao? Nếu có một cuộc thỏa hiệp nào thì sao?”. Nhưng bây giờ thì còn quá nhiều việc khác phải lo nghĩ đến.

Chiếc máy bay C-130 đầu tiên sẽ từ giã căn cứ Eglin để đi đến vùng mục tiêu vào ngày thứ năm 12 tháng 11. Simons và Manor đã trở lại căn cứ để kiểm soát lần cuối việc chuyên chở mọi vật dụng cần thiết và cầu chúc các toán lính lên đường bình an. Thời điểm xuất phát càng đến gần thì việc bảo vệ an ninh càng cần phải chu đáo. Nhưng Bờ-lu Mắc lại đến văn phòng của Blackburn vào ngày hôm đó để báo rằng ông ta còn lo âu quá nhiều. Lúc này có quá nhiều công điện mật mã từ cơ quan CIA gửi đến Thái Lan và Lào. Nhiều công điện mang nội dung về cuộc tập kích Sơn Tây.

Blackburn biết là sẽ có việc liên lạc công điện vào phút chót. Các chuyên viên CIA sẽ trình bày cho người của Simons về các kế hoạch tẩu thoát và vượt ngục khi cần, và biết đâu nếu trường hợp thời tiết trở nên khắc nghiệt thì có thể một hoặc nhiều trực thăng sẽ xuất phát từ địa điểm 32 ở miền Bắc Lào. Nhưng khi Bờ-lu Mắc chỉ cho ông ta thấy rõ là việc liên lạc đã tăng lên gần như gấp hai số lượng thường lệ thì Blackburn hoảng hốt. Ông ta báo ngay cho Moorer biết để nhờ gọi điện thoại cho Helms yêu cầu CIA hạn chế ngay tức khắc việc này.

Nhưng đây cũng là thời gian mà nhiều người mới sẽ đến tham gia vào cuộc chơi này. Một trong những người đó là phát ngôn viên của Lầu Năm Góc kiêm phụ tá quốc phòng về công việc dân sự tên là Đa-ni-en Hen-kin. Là một phóng viên quân sự lâu năm, làm chủ nhiệm tạp chí quân lực trước khi nhận chức vụ công việc dân sự của Lầu Năm Góc vào cuối năm 1965, Hen-kin thuộc loại người cường tráng, dễ dãi, tóc hoa râm gợn sóng trông có vẻ như ông ta chỉ chải tóc khi nào chợt nghĩ tới. Đôi khi ông ta đã trêu tức các đoàn báo chí của Lầu Năm Góc vì ông ta thường tỏ ra bình tĩnh trước mọi biến chuyển, ví dụ như chuyện chiếc tàu Pu-ê-bơ-lơ bị bắt giữ, chuyện tổng công kích Tết Mậu Thân và chuyện biến cố ở Cam-pu-chia. Một vài ký giả chuyên nghiệp ở Lầu Năm Góc thường mô tả ông ta là “vững như đồng”.

Khi Blackburn chấm dứt buổi họp riêng với Hen-kin về việc tập kích Sơn Tây vào rạng ngày thứ năm 12 tháng 11 thì Hen-kin, chỉ cảm ơn ông ta với vẻ bình thường, và hứa sẽ điều khiển được báo chí. Trong văn phòng làm việc của Hen-kin, trông giống như một căn hầm tại dãy phòng số 2 E800, nằm giữa khoảng đường vòng ngoài Lầu Năm Góc và những cổng vào phía bờ sông, câu chuyện quan trọng về việc giải cứu từ 60 đến 70 tù binh Mỹ ở cách thủ đô Hà Nội chỉ có 23 dặm giống như một chuyện đề nghị thông thường nào đó. Vì lẽ đó Blackburn cảm thấy hầu như mình là người ngu dại khi ông ta buộc về phòng làm việc. Tại sao mình lại quá quan tâm đến mọi việc dính líu này nọ trong khi một nhà báo thành thạo như Hen-kin lại có thể nghe chuyện tập kích như là một câu chuyện bình thường? Không lý việc giải cứu tù binh lại là việc nhỏ nhoi đến thế sao? Biết đâu vì ông ta đã nghĩ rằng cuộc tập kích là chuyện quá sức to lớn.

Cũng vào sáng hôm đó, Blackburn, Manor, Mayer và Simons lại họp thêm một lần nữa với Moorer. Mọi người đều cho là Moorer “thật phi thường”. Moorer nói với Manor: “Tôi giao cho anh một công tác để thi hành. Bây giờ anh lại sẽ nhận được cả một lô những yêu cầu cho biết tin này tin kia. Anh cứ việc tỉnh bơ không cần quan tâm tới”. Việc thi hành công tác là ưu tiên còn chuyện lễ nghi và các điều thắc mắc thì để sau. Moorer nói, ông ta sẽ làm mọi cách để giúp cho Manor và Simons nhẹ bớt gánh nặng trong những ngày sắp tới và cầu chúc cho họ được may mắn.

Mười phút sau khi Manor và Simons rời văn phòng của vị chủ tịch thì Blackburn nhận được điện thoại trực tiếp của Moorer. Ông ta muốn biết nếu trường hợp cuộc tập kích cần phải hoãn lại cho đến tháng… thì sẽ có những rắc rối gì xảy ra. Moorer giải thích: “Để tôi nói cho anh rõ, có một việc gì đó đang xảy ra. Bộ trưởng Laird rất thông cảm nhưng sự việc này lại xảy ra ở Pa-ri”.

Blackburn sững sờ, nhưng ông ta cũng cố trấn tĩnh để thưa với Moorer rằng mọi việc trì hoãn sẽ gây ra tai hại. Suốt trong những tháng sắp tới họ sẽ không có một giai đoạn thời tiết nào tốt cả. Toán tập kích đã sẵn sàng lên đường đi Thái Lan. Tinh thần mọi người đang hăng hái. Một cuộc trì hoãn ngay bây giờ sẽ đem lại nhiều sơ hở nghiêm trọng. Chúng ta chỉ có thể giữ kín sự việc một thời gian tương đối dài nào đó thôi, trong khi mọi người đang căng thẳng tinh thần cao độ. Sau này Blackburn có ghi chú vào sổ tay riêng của ông ta: “Tôi lo sợ họ đang tìm cách nào hợp lý nhất để bãi bỏ một công tác khó khăn và phức tạp. Thật là khó hiểu khi phải bãi bỏ công tác này không kể là có những yếu tố khách quan nào đó mà chúng ta không biết được. Việc tôi nghĩ, không phải là một yếu tố khách quan chủ yếu vượt ra ngoài tiên liệu”.

Một vài phút sau Mayer lại nhận được một cú điện thoại khác, lần này do đại tá hải quân Ha-ry D.Tờ-ra-in, phụ tá điều hành và tùy viên chính của Moorer gọi đến cho biết Moorer cần ngay một bản sao về tập thuyết trình Sơn Tây để trình cho Bộ trưởng Laird. Blackburn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vào buổi trưa Tờ-ra-in gọi lại và nói cho biết Moorer vừa mới gặp Laird khi ông ta đang trên đường đến Nhà Trắng.

Trên cuốn lịch của Blackburn có ghi một buổi hội nghị về tình báo đặc biệt với các chuyên viên DIA và NSA. Trong buổi hội nghị này họ kiểm tra lại những bức ảnh cuối cùng do máy bay trinh sát SR-71 chụp được từ ngày 2 tháng 11 đến ngày 6 tháng 11, đây là những hình ảnh đầu tiên có dấu hiệu nhiều sinh hoạt được tăng lên ở Sơn Tây một cách rõ ràng. Mọi người tin rằng đây là kết quả của việc tù binh được phép đi ra ngoài phòng giam nhiều giờ hơn thời gian đã qua. “Trường trung học” ở hướng nam trại giam cũng có vẻ sinh động hơn. Mọi người đồng ý hoãn cuộc họp thêm một vài ngày nữa để chờ cho chuyến bay trinh sát SR-71 chụp thêm một bộ hình ảnh mới vào những ngày 13, 18 và 20 tháng 11, ngay trước thời điểm xuất phát cuộc tập kích.

A.An-đơ-ri-a-tít, chuyên viên nghiên cứu hình ảnh của DIA đã được biệt phái riêng cho toán hành động của Manor, đã bay đi căn cứ không quân Yo-ko-ta, Nhật Bản. Ở đấy các hình ảnh của máy bay trinh sát SR-71 chụp trong vùng Thái Bình Dương thường được in ra và nghiên cứu. Tại đấy, làm việc trong một cơ sở có đầy đủ dụng cụ hiện đại thuộc Không đoàn kỹ thuật trinh sát 67 của SAC, ông ta sẽ đích thân nghiên cứu kỹ lưỡng những bức ảnh cuối cùng do máy bay SR-71 chụp được ở trại giam Sơn Tây. Các chuyên viên thông thường khác của SAC thì chỉ nghiên cứu về các vùng ở vòng ngoài khu vực mục tiêu, gồm luôn cả những sự thay đổi nếu có về các địa điểm hỏa tiễn SAM đất đối không, các ổ trọng pháo phòng không, các trạm báo động phòng không của địch.

Để tiết kiệm thời gian, cơ quan DIA lập chương trình cho nhiều việc khác được thực hiện chung một lần. Họ quyết định chú tâm đến việc nghiên cứu các tấm hình lớn chụp toàn bộ khu vực và chỉ dùng loại máy chụp ảnh kỹ thuật theo tỷ lệ nhỏ. SAC cũng đã được yêu cầu giảm bớt các chuyến bay trinh sát khác trong thời gian tới để dành riêng mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các chuyến bay đặc biệt theo nhu cầu của các chuyến bay SR-71. Các thủ tục về việc in ảnh và nghiên cứu các bộ phim mới cũng được thay đổi từ gốc. Thông thường, việc tháo tất cả các ống phim gắn trên máy bay SR-71 cũng phải mất 2 giờ. DIA đã yêu cầu SAC xem thử máy bay có thể tháo gỡ phim trong vòng 45 phút được không. Tất cả các chuyến bay trinh sát sẽ xuất phát từ căn cứ Ka-de-na ở Ô-ki-na-oa do phân đoàn trinh sát chiến lược số 9 thực hiện. Tại căn cứ này khi các bộ phim được tháo gỡ ra thì sẽ dùng một phản lực cơ KC-135 chở gấp rút về Yo-ko-ta. Tại đây khi các cuốn phim được in ra và nghiên cứu, An-đờ-ri-a-tít sẽ cho chở ngay các bản kết quả nghiên cứu kèm theo hình ảnh về căn cứ không quân Takhli ở miền Trung Thái Lan, do một chuyến bay đặc biệt thực hiện, để cho phi hành đoàn của Manor và bốn người trong toán đột kích của Simons được biết rõ về các bản phân tích mục tiêu này. Các bản sao hình ảnh và tài liệu này sẽ được gửi về Oa-sinh-tơn. Việc nghiên cứu hình ảnh là một công tác tỉ mỉ, mệt óc. Việc này cần phải có thời gian, nhưng mọi cố gắng đã được thực hiện để làm nhanh chóng công tác này.

Các chuyến bay SR-71 vào ngày 13, 18 tháng 11 là những chuyến bay quyết định. Ngoài những hình ảnh phóng lớn về mục tiêu để xác nhận có sự gia tăng hoạt động tại trại giam, những hình ảnh này còn cung cấp thêm dữ kiện cần thiết trên con đường từ biên giới Lào đến Sơn Tây. Các dữ kiện này cần phải có để xác định mọi khúc quanh, một vùng đáp xuống trong trường hợp khẩn cấp, và nhất là bảo đảm việc không có thêm các hệ thống báo động phòng không cùng bệ phóng hỏa tiễn SAM dọc theo con đường tiến đến mục tiêu. Hai chuyến bay cuối cùng trước khi thực hiện công tác tập kích này sẽ được bay vào buổi sáng sớm hơn thường lệ, trong ngày thứ sáu 20-11, để đến ngày thứ bảy hôm sau thì mọi kết quả nghiên cứu đầu tiên về hình ảnh sẽ được điện báo về cho Manor và Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc rõ. Nhưng trong thời gian gấp rút cuối cùng này chỉ còn đủ thì giờ để tìm thấy một vài dấu hiệu có sự thay đổi làm mọi người mệt óc.

Blackburn được yên tâm về mọi chương trình và thủ tục đó cả hai cơ quan DIA và NSA thực hiện. Họ cho ông ta biết nếu có một phần giây phút nào mà máy truyền tin của Bắc Việt Nam đã bắt được liên lạc và làm phương hại đến kế hoạch tập kích hoặc nếu có sự thay đổi nào về vùng kiểm soát của máy ra-đa cùng với sự chuyển hướng của các tần số, thì cơ quan NSA sẽ “phá ngang” và trực tiếp báo cho Manor và Simons ở Thái Lan biết. Cuộc tập kích Sơn Tây đã được phép sử dụng ưu tiên số một mọi hệ thống điện tử về tình báo trên khắp thế giới. Mọi tiêu lệnh về chiến đấu, mọi lệnh xuất phát không kích, và mọi tiêu lệnh về hỏa tiễn sẽ được chuyển tiếp đến căn cứ Takhli qua các máy điện tử hiện đại nhất vào ngày thứ năm 19 tháng 11, ngay trước giờ xuất phát cuộc tập kích.

Khi Blackburn trở về văn phòng sau một cuộc họp đặc biệt về tình báo thì thấy Bờ-lu Mắc đang ngồi đợi và lần này lại có thêm tin xấu. Bờ-lu Mắc nghĩ rằng Blackburn có thể đã biết một chuyện gì đó xảy ra. Dường như có một tên “nhẹ dạ” nào đó ở trong trại giam Sơn Tây, có nghĩa là đã có một tù binh nào đó bép xép, nói quá nhiều chuyện: không biết có phải vì tên đó đã đầu hàng, đã phản bội đồng đội, vì quá lo âu muốn cho cuộc sống kham khổ của bản thân được phần nào dễ dãi hơn không? Bờ-lu Mắc biết là Blackburn đã có kế hoạch cố làm sao chuyển được tin mật vào ngay trong trại giam để báo trước cho các trưởng nhóm tù binh biết là một cuộc giải thoát sắp được thực hiện, và họ nên sẵn sàng trong tư thế yểm trợ. Bây giờ thì kế hoạch đó cần phải được bãi bỏ. Bờ-lu Mắc không biết được rõ người tù binh “nhẹ dạ” đó là ai.

Ngày thứ năm sôi nổi ấy đã chấm dứt với một tin tức lạc quan hơn. Vào khoảng 6 giờ chiều hôm ấy, Blackburn tình cờ gặp đô đốc McCain trong hành lang Lầu Năm Góc. McCain vừa mới gặp Bộ trưởng Laird và đô đốc Moorer. Cả hai vị này cho ông ta biết là cuộc tập kích Sơn Tây đã được lệnh tiến hành. McCain muốn cho Blackburn biết rõ rằng: “Trong bất cứ trường hợp nào, tôi vẫn ủng hộ việc làm của anh”. Trên con đường lái xe về nhà tối hôm đó, Blackburn suy nghĩ nhiều về các tù binh ở Sơn Tây và những tù binh khác sẽ còn bị kẹt lại không thể giải cứu được. Lạy Chúa tôi, ông ta cầu nguyện cho một người phi công 34 tuổi tên là John McCain III sẽ có mặt ở trong nhóm tù binh Sơn Tây.

Ngày thứ sáu 13 tháng 11 đã mang đến nhiều tin dữ. Sáu tù binh đã chết. Cora Weiss, nhà hoạt động hoà bình đã nhận được tên tuổi của các tù binh qua đời này từ chi nhánh tổ chức ở Bắc Việt, gọi là Uỷ ban đoàn kết với nhân dân Hoa Kỳ. Tất cả 6 người này đã được ghi vào danh sách tù binh giam giữ tại miền Bắc. Như vậy thì công tác Sơn Tây cần phải được thực hiện gấp rút hơn.

Sáng thứ bảy 14 tháng 11, Blackburn đến căn cứ không quân Andrews để dùng điểm tâm buổi sáng với Manor và Simons trước khi hai người này bay đi Thái Lan. Cả hai sẽ lên đường vào lúc 2 giờ chiều trên chiếc máy bay riêng của đô đốc McCain: lần này là một chiếc máy bay loại nhỏ có tốc lực nhanh hơn, hai động cơ loại T.39 dùng riêng cho cấp lãnh đạo. Câu chuyện chính nói trong bữa điểm tâm là về các tin tức tình báo mà Blackburn đã nhận được hai ngày trước đó, nhưng mối lo âu chính là một sự đe dọa mới về an ninh cho cuộc tập kích đột nhiên nảy sinh.

Vào các giai đoạn bắt đầu lập kế hoạch, mọi người liên hệ đều đồng ý cho bắt các đường dây ghi âm xuyên qua các máy điện thoại tại bãi tập số 3 ở căn cứ Eglin và tại văn phòng SACSA ở Lầu Năm Góc. Mọi cuộc nói chuyện đều đã được thu băng, và Blackburn vừa mới được tin là các toán phản gián ở tổng đài điện thám tại An-tô-ni, tiểu bang Tếch-giát đã phát giác ra được một sự việc không ổn qua các băng ghi âm ấy. Họ đã hình dung được là có một “cuộc hành quân lớn” sắp xảy ra. Họ còn biết rõ là cuộc hành quân này sẽ được thực hiện ở Đông Nam Á. Họ cũng biết thêm là hải quân và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có liên hệ đến việc này, và việc này sẽ được xảy ra chớp nhoáng vào ban đêm. Nhưng có điều là họ không thể biết được địa điểm mục tiêu ở đâu, thuộc quốc gia nào, và tổng số lực lượng tham gia hành quân là bao nhiêu.

Đây là một sự tiết lộ tin tức, hoặc phải chăng đây là một sự suy đoán thông minh? Khi cân nhắc mọi ảnh hưởng có thể làm nguy hại cho công tác, Manor và Simons đều đồng ý là họ có trách nhiệm. Nhưng trước khi hai người từ giã căn cứ Ăng-đơ-ri để bay đường dài đến Đông Nam Á thì Blackburn có nói ông ta sẽ kiểm soát lại một lần cuối về việc này và sẽ cấp báo cho họ biết ngay sau khi đến Thái Lan nếu trường hợp có sự nguy hại nào đáng kể xảy ra.

Hôm sau, chủ nhật 15 tháng 11, trong khi Manor và Simons đang bay qua Thái Bình Dương thì nhiều biến chuyển dồn dập đến Oa-sinh-tơn. Nhiều công điện được gửi đến Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc từ viên trưởng vùng CIA và tướng Abrams ở miền Nam Việt Nam. CIA muốn mượn nhiều trực thăng loại lớn có vũ trang, loại HH-53 để yểm trợ cho một cuộc hành quân ở miền Nam nước Lào do các toán người Mẹo của tướng Vàng Pao sắp thực hiện. Tướng Abrams phản đối việc này nhưng ông ta không thể nói cho viên chức CIA ở Sài Gòn biết rõ tại sao. Ông ta muốn sử dụng mọi trực thăng HH-53 trong toàn khu vực để yểm trợ cho Manor và Simons.

Sáng sớm ngày thứ hai 16 tháng 11 khi Blackburn và Mayer đến Lầu Năm Góc thì các sĩ quan điều hành ở Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp đang gặp phải một trường hợp rắc rối nhỏ qua các bức công điện ấy. Các viên chức CIA đang la hoảng lên để yêu cầu máy bay trực thăng; họ không hiểu vì sao cơ quan MACV lại không chịu cấp phát? Blackburn không muốn giải thích điều gì trong thời điểm cuối cùng này, ngay cả nói bóng gió về việc tất cả máy bay đã được đặt trong tình trạng chờ lệnh để thực hiện một chiến dịch của SACSA, hoặc mọi ưu tiên về trực thăng tại Đông Nam Á hiện nay đều do Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp quyết định, cũng đều là điều nguy hại. Mayer cố giải quyết vấn đề. Ông ta đã thương lượng với Bộ Chỉ huy không quân để ban hành lệnh tạm thời tất cả mọi trực thăng HH-53 khắp nơi trên thế giới, đều có trở ngại kỹ thuật nghiêm trọng. Chỉ có các chuyến bay thử máy mới được phép cất cánh.

Từ văn phòng của Moorer, Ha-ri Tờ-ra-in điện thoại cho Blackburn. Tổng thống muốn có một buổi thuyết trình toàn bộ về cuộc tập kích, ngay vào ngày mai. Bộ trưởng Ngoại giao Uy-li-am Râu-giơ đã được mời tham dự. Moorer sẽ thuyết trình ngay sau bữa cơm trưa. Yêu cầu SACSA chuẩn bị mọi sơ đồ và tài liệu thuyết trình cần thiết.

Blackburn và Mayer đã làm việc suốt ngày thứ hai để làm cho tài liệu thuyết trình sơ đồ sát với tình thế mới. Một chuyên viên hội họa tên là Larry Do-ning, binh sĩ hải quân trẻ tuổi, đã làm việc đến khuya để chuẩn bị mọi việc cần thiết. Sáng ngày hôm sau, 17-11, Blackburn và Mayer kiểm soát lại mọi thứ và đánh giá việc làm của người họa đồ này thật là tuyệt vời. Họ chuyển toàn bộ tài liệu sang văn phòng của Tờ-ra-in, gồm cả bản thuyết trình dành cho Moorer đã được đánh máy và ghi chú mục lục cẩn thận, đồng thời có ba băng giấy đen mạ vàng với những chữ “Tối mật” và “chỉ dành riêng cho vị Chủ tịch mà thôi”.

Vừa mới chuẩn bị xong nội dung báo cáo cho Tổng thống biết thêm về công tác Sơn Tây hơn là điều ông ta muốn biết thì Mayer lại phát hiện ra việc các vị chỉ huy cuộc tập kích đã bị thất lạc đâu đó. Theo dự liệu thì Manor và Simons sẽ đáp xuống căn cứ không quân Takhli của Hoàng gia Thái Lan ở miền Trung Thái Lan vào lúc 5 giờ 30 sáng. Theo giờ Oa-sinh-tơn ngày hôm ấy, tức là 5 giờ 20 chiều tại địa phương, Manor phải gửi ngay một công điện đã được soạn thảo trước bằng mật mã đặc biệt về Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc để báo giờ đến nơi. Nhưng bây giờ đã là 9 giờ 30 sáng mà vẫn chưa nhận được công điện. Mayer đã kiểm soát kỹ lưỡng khoảng 50 máy bay của không quân đã hạ cánh trong suốt ngày hôm trước. Bây giờ thì ông ta lại lo lắng rằng có thể hải quân đã bị thất lạc một chiếc máy bay nào đó ở đâu đấy trong vùng hướng tây Thái Bình Dương.

Mayer đã trải qua suốt cả mọi giờ tiếp theo trong phòng 2C495, Trung tâm chỉ huy truyền tin quân sự quốc gia, để lục soát mọi công điện mật mã đặc biệt cố tìm xem viên sĩ quan trực đêm có để công điện của Manor nhầm lẫn vào hồ sơ khác, hoặc có chuyển nhầm công điện ấy đi đến một cơ quan nào khác hay không? Nhưng rồi cũng không tìm thấy bức công điện ấy ở Trung tâm truyền tin. Blackburn chỉ thị cho viên sĩ quan điều hành của ông ta là đại tá không quân Uy-li-am P.Ry-an phải truy tìm khắp nơi tại Trung tâm truyền tin để tìm ra cho được bức công điện. Ông ta nói với Mayer sẽ cố gắng tìm kiếm cho đến 3 giờ chiều; đó là thời điểm mà toán cuối cùng của lực lượng tập kích Simons sẽ đến Thái Lan. Theo chương trình đã định thì đến lúc này Manor và Simons sẽ phải gửi thêm công điện thứ hai, báo cáo cho biết là toàn bộ toán hành động hỗn hợp cấp thời đều có mặt đầy đủ tại căn cứ hậu tuyến.

Trong khi Mayer và Ry-an đang cố tìm tung tích của Manor và Simons thì Blackburn gặp Da-xlốp ở cơ quan NSA để tìm hiểu nguồn tin về việc cuộc tập kích đã bị cơ quan phản gián không quân ở Xanh An-tô-ni phát giác ra. Cả hai người ngồi nghe lại các cuốn băng ghi âm điện đàm giữa Lầu Năm Góc và căn cứ Eglin, từ đầu đến cuối. Da-xlốp kết luận rằng không có việc gì phải lo âu; bởi vì với những nội dung điện đàm đã được ghi trên những cuốn băng ấy thì không ai có thể tổng hợp lại để biết rõ được địa điểm, hình thái của mục tiêu hoặc thời gian xuất phát của cuộc tập kích.

Blackburn không muốn nói cho Da-xlốp biết là ông ta đã có phần an tâm khi thấy cơ quan NSA không tìm ra được chứng cớ để báo động qua sự sơ hở về những cuộc điện đàm đã ghi băng. Một tháng trước đây, một sĩ quan phản gián đã đến văn phòng của Blackburn báo cho biết có một vài tin tức đã bị tiết lộ qua điện đàm từ Lầu Năm Góc đến căn cứ Eglin. Chính bản thân Blackburn đã điện đàm trong lần ấy. Một mẩu tin quan trọng xuyên qua cuộc nói chuyện đã bị nghe trộm, ghi âm và phát giác ra do phòng an ninh không quân thực hiện và được coi như là một sự tiết lộ tin tức tương đối quan trọng - và Blackburn là kẻ vi phạm điều đó. Blackburn biết chuyện tiết lộ này đã được trình báo ngay cho tướng Palmer, tham mưu phó lục quân. Blackburn đồng ý ngay về việc làm này.

Mặc dù đã có sự khuyên nhủ của Da-xlốp nhưng Bờ-lée-bớc vẫn cứ lo lắng về việc tiết lộ tin tức này. Xế chiều hôm đó, Mayer thấy ông ta ngồi trong văn phòng đầy vẻ chán nản, tuyệt vọng. Cả hai người thảo luận về việc sơ ý của Blackburn, và Mayer có nói đây chỉ là một làn khói thoảng qua, tuy công nhận là có sơ ý thật nhưng chắc sẽ không có điều gì phương hại đến cuộc tập kích. Tuy nhiên Blackburn vẫn vô cùng bối rối. Trước đây ông ta đã quá cẩn thận trong việc sử dụng nhiều biện pháp để phân quyền trong việc thiết lập kế hoạch và chỉ giới hạn cho một số ít người biết được sự việc mà thôi. Ngay cả đến vị Tổng tư lệnh của không lực Thái Bình Dương cũng không được biết về kế hoạch. Các toán phản gián của Blackburn cũng đã làm việc vất vả lo tháo gỡ mô hình trại giam Sơn Tây ở căn cứ Eglin mỗi khi có vệ tinh Cốt-smốt của Liên Xô bay ngang qua để tránh việc chụp ảnh và phát hiện vị trí. Và chính ông là người đã nhấn mạnh nhiều nhất để việc ghi băng các cuộc điện đàm, kể cả với máy điện thoại của ông ta nữa. Nhưng bây giờ thì chính ông ta lại là người vi phạm.

Ngày hôm đó Blackburn rời Lầu Năm Góc sớm hơn thường lệ. Về đến nhà, vào buổi tối, ông ta đã viết đơn từ chức, xin ra khỏi quân đội Hoa Kỳ. Sau bữa cơm tối ông ta điện thoại gọi cho Mayer đến. Blackburn đưa cho Mayer xem đơn từ chức. Mayer đọc trong im lặng, đọc rất kỹ, và sau đó thì xé nát lá đơn ném vào ngọn lửa đang bùng cháy trong lò sưởi. Mayer nói: “Thiếu tướng nên nhớ là chúng ta đang tự đày cho mình một bài học phải cẩn thận hơn; cho đến bây giờ thì xem ra chưa có gì nguy hại cả. Việc xảy ra sẽ cho chúng ta thêm kinh nghiệm là phải thận trọng nhiều hơn nữa trong tương lai, nếu không thì chúng ta sẽ làm đổ vỡ công việc”. Sau đó ông ta khuyên Blackburn nên quên đi việc sơ hở vừa qua và nên đi ngủ sớm để ngày mai có thể đến làm việc sớm hơn.

Ngày hôm đó Mayer cũng lại gặp nhiều việc rắc rối. Tờ-ra-in gọi điện thoại vào lúc 11 giờ 15 phút buổi sáng và chỉ thị lập ngay tài liệu thuyết trình mới để cho Moorer trình bày tại Nhà Trắng. Buổi họp với Tổng thống đã được ấn định vào 2 giờ 30 phút chiều, nhưng Moorer cần có ngay những biểu đồ thuyết trình mới với nhiều kích thước khác nhau. Và ông ta cần có toàn bộ tài liệu vào lúc 1 giờ 30 phút trưa để có ít thời gian nắm trước các vấn đề.

Mayer hốt hoảng khi biết tin Larry Dô-ning, người họa đồ duy nhất biết về công tác Sơn Tây đã về nhà. Người họa đồ này đang ở nhà giữ con thay cho vợ đã đi bệnh viện và không thể đến được. Cuối cùng Mayer phải cố tự vẽ các bản sơ đồ. Ông ta biết là các bản thuyết trình cho Tổng thống nghe cần phải vẽ trên những tấm sơ đồ 20x30 inh-sơ, mỗi tấm có đường cắt ngang ở giữa và nối lại bằng băng dính ở phía sau để có thể gấp lại cho vừa với khuôn khổ của giá thuyết trình ở văn phòng Tổng thống. Mayer gọi hai người ở phòng sơ đồ Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp đến phụ giúp. Cả hai người này đều không được phép biết về kế hoạch tập kích này. Vì lẽ đó, Mayer phải tách riêng mỗi người ra một phòng khác nhau, đưa cho một người các bản đồ miền Bắc Việt Nam chưa có ghi dấu gì và các tấm sơ đồ về doanh trại Sơn Tây, còn người khác thì lo vẽ các tiêu đề và các dấu hiệu cần thiết.

Khi mọi việc xong xuôi thì chính Mayer tự lo dán ghép lại. Sau khi tổng hợp các bản đồ và các dấu hiệu lại với nhau thì toàn bộ đã trở thành những đồ biểu tối mật chỉ rõ đường bay thẳng đến Sơn Tây và cả trại giam. Cả hai người giúp việc cho ông ta đã đều không biết được rằng họ đã chuẩn bị các sơ đồ cho một địa điểm chứa bom nguyên tử hoặc là bản đồ chỉ đường cho các chuyến bay trinh sát SR-71 trên vùng trời Bắc Việt Nam. Mayer chỉ thị là cả hai người không được nói chuyện với nhau ít nhất là trong một tuần lễ.

Đến 1 giờ 20 phút khi Mayer sẵn sàng đem trình các bản sơ đồ thì ông ta chợt thấy là không có một cái cặp đựng tài liệu. Cả văn phòng vẽ sơ đồ của Bộ tổng tham mưu hỗn hợp cũng không có. Trong suốt 9 phút còn lại ông ta đã điện thoại từ văn phòng này đến văn phòng khác và sau cùng được biết có một cái cặp tại một văn phòng ở ngay trên phòng làm việc của ông ta, đấy là Trung tâm thám sát hỗn hợp, phòng 2D921. Chính văn phòng này chuyên sản xuất các bản đồ, biểu thuyết trình.

Trong văn phòng số 2E 873, đô đốc Moorer lật thoáng qua các sơ đồ nhưng không phát biểu ý kiến hoặc thắc mắc điều gì. Mayer yên tâm khi nghĩ đến việc ông ta đã dán các dấu hiệu vào đúng chỗ trên sơ đồ với nhiều keo để khỏi bị rơi ra. Nhưng đến 2 giờ trưa thì Nhà Trắng gọi đến. Buổi thuyết trình bị hoãn lại. Moorer sẽ có mặt tại văn phòng Tổng thống sáng mai vào lúc 11 giờ.

Mayer quay trở về văn phòng của Blackburn. Theo dự định thì toán tập kích Sơn Tây phải đến Thái Lan vào lúc 3 giờ chiều hôm ấy (giờ Oa-sinh-tơn). Như vậy chỉ trong vài phút nữa sẽ có một công điện gửi về để xác nhận họ đã đến nơi. Công điện này sẽ được gửi thẳng cho Mayer, nội dung vẻn vẹn có mấy chữ: “Tia sáng điện”. Nhưng cho đến giờ phút này vẫn không nhận được công điện nào của Manor và Simons gửi về. Ba giờ chiều đã trôi qua, rồi đến 3 giờ 30, Blackburn và Mayer bắt đầu tự hỏi không biết việc gì có thể xảy ra ở Nhà Trắng và về tung tích của những người tập kích.

Moorer bình tĩnh: “Theo tôi thấy thì mọi việc đều tốt đẹp. Chúng ta sẽ biết rõ thêm ngay sau khi tôi thuyết trình cho Tổng thống vào ngày mai”.

Blackburn chưa nhận được bức công điện nào của Manor hoặc của Simons nhưng ông ta quyết định không nên nói cho vị đô đốc Chủ tịch biết là các toán tập kích Sơn Tây chưa có tin tức gì.

Vào lúc 7 giờ 30 tối, khi Blackburn và Mayer rời Lầu Năm Góc sau suốt một ngày làm việc mệt nhọc và căng thẳng thì các bức công điện mà họ hằng mong đợi vẫn chưa thấy gửi về. Nhưng Manor và Simons không bị lạc, chỉ có công điện của họ bị thất lạc mà thôi. Có khả năng nó còn nằm đâu đó ở một trạm chuyển tiếp tại Nhật Bản. Manor đã gửi các công điện về đúng theo giờ đã định: công điện thứ nhất báo cáo là ông ta và Simons đã đến nơi, công điện này được gửi đi lúc 5 giờ 30 sáng từ Takhli lúc 3 giờ chiều (theo Lầu Năm Góc) để báo cáo tất cả 56 người trong toán tập kích của Simons đã đến nơi bình an. Nhưng bởi lẽ các công điện này phải dùng mật mã đặc biệt và đã được mang tay đến một trạm truyền tin tự động ở Nhật Bản để nhờ chuyển đi, trong khi đó thì trạm này lại chuyển theo hệ thống bình thường. Những bức công điện hỏa tốc của Manor đã đến trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia vào khoảng 9 giờ tối hôm ấy. Trong thời gian đó thì Mayer đã tìm ra được Simons bằng cách mạn phép vi phạm gọi điện thoại thẳng qua Thái Lan. Qua đường dây điện thoại không bảo đảm an ninh, ông ta chỉ có thể nói nhảm nhí vài lời sau khi đã nghe chính tiếng nói của Manor và Simons và xác nhận được tất cả toán lính vẫn còn sống, mạnh khoẻ, và sẵn sàng đi tập kích Bắc Việt.

Trên đây chỉ là một phần đầu trong hàng trăm sự rối loạn về thông tin đã gây ra tai hoạ cho các toán tập kích Sơn Tây như là một bệnh dịch.

phithiengia
14-04-2008, 11:00
Văn phòng Tổng thống (phòng hình bầu dục)
Vào sáng thứ tư ngày 18-11, Đô đốc Moorer đến Nhà Trắng để thuyết trình cho Tổng thống Nixon nghe về cuộc tập kích Sơn Tây. Hôm ấy là ngày kỷ niệm thứ 80 lần xuất phát chiếc chiến hạm đầu tiên của Hoa Kỳ mang tên U.S.S. Mai-ne. Đây cũng là ngày quyết định có nên thi hành công tác tập kích hay không, và nếu được chấp thuận thì khi nào sẽ thi hành. Vị đô đốc hy vọng rằng chuyến xuất phát công tác này sẽ thuận buồm xuôi gió hơn là chiến hạm Mai-ne.

Moorer đến thăm phòng Tổng thống vào đúng 11 giờ trưa. Tại đây đã có sự hiện diện của Tổng thống Nixon, Henry Kissinger, Laird, Giám đốc CIA Richard Helms và ngoại trưởng Uy-li-am Râu-giơ. Sau khi chào hỏi theo lệ thường, Moorer bắt đầu đặt lên giá các tấm sơ đồ 20x30 inh-sơ mà Mayer đã vội vã tập hợp trong ngày hôm qua. Laird đã trình bày cho Tổng thống rõ về quan điểm công tác này nhưng ông ta muốn để cho Nixon nghe rõ lại toàn bộ sự việc trước khi có quyết định tối hậu. Ông ta cũng biết tài liệu thuyết trình này đã làm cho Kissinger thích thú: đây là một công tác đầy sáng tạo và hấp dẫn.

Theo đúng cách thuyết trình tại văn phòng Tổng thống vào năm 1970 thì Moorer sẽ tự tay lật từng tấm sơ đồ một. Sau này ông ta có nói đùa rằng: “Anh đừng đưa một kẻ giữ ngựa đến Nhà Trắng”. Ông ta đã không có đủ thì giờ để kiểm soát lại tất cả sơ đồ cho nên rất băn khoăn không biết là có được sắp đúng thứ tự hay không. Khi Tổng thống ra hiệu bắt đầu thuyết trình, Moorer cẩn thận mở tập tài liệu và bắt đầu: “Thưa Tổng thống, mật danh của công tác này là King-pin”.

Trong số các vị có mặt tại văn phòng Tổng thống sáng hôm đó chỉ có ngoại trưởng Râu-giơ là người duy nhất chưa được biết cuộc tập kích này. Tuy nhiên khi Moorer bắt đầu đọc lướt qua tập tài liệu và dùng cây gậy bằng kim khí để dẫn thêm trên các sơ đồ, thỉnh thoảng lại phát biểu một cách nhỏ nhẹ các ý kiến riêng của mình thì toàn thể cử toạ đều tỏ vẻ say mê thích thú. Sau khi cuộc thuyết trình vào đề được vài phút thì Kissinger điện gọi viên phụ tá của ông là trung tướng Alexander Haig đến. Một lúc sau tướng Haig đến văn phòng Tổng thống và cũng chăm chú lắng nghe.

Moorer thưa: “Thưa Tổng thống, đấy là nội dung đại cương của công tác”. Xong, ông ta trình bày tiếp các đoạn đường bay của toán xung kích của Simons từ Thái Lan đến Sơn Tây: đường bay chính xác để tránh ra-đa của kẻ địch phát hiện và bắn rơi trên đoạn đường đến mục tiêu. Moorer mô tả các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân sẽ được thực hiện trên vùng trời cảng Hải Phòng 20 phút trước khi đổ bộ tại Sơn Tây làm cho Bắc Việt Nam phải tập trung mật độ phòng không để chống đối lại và không còn chú ý đến việc đổ bộ của toán tập kích nữa. Tổng thống dường như bị thu hút vào trong khung cảnh mô tả của buổi dạ vũ trên không sẽ được thực hiện trong một vùng rộng 300.000 dặm vuông tại Đông Nam Á.

Moorer vừa nói tiếp vừa mở rộng một tấm sơ đồ lớn về toàn bộ trại tù Sơn Tây: “Thưa Tổng thống, sau đây là cách thức đổ bộ và giải thoát tù binh”. Ông ta giải thích tiếp là sự thành công của cuộc tập kích này được dựa trên các yếu tố then chốt như: bất ngờ, nhanh chóng, và đơn giản. Ông ta cũng trình bày rõ một cách hoàn hảo sau nhiều ngày huấn luyện tại căn cứ không quân Eglin. Moorer còn mô tả thêm một vài hình ảnh để làm sáng tỏ việc chuẩn bị công phu và chu đáo công tác tập kích này. “Thưa Tổng thống, vị chỉ huy toán xung kích quả quyết rằng công tác này sẽ thành công. Ông ta đã đích thân tuyển chọn từng người một cho cuộc tập kích. Tất cả mọi binh sĩ đều là người tình nguyện, có quyết tâm và không để mắc một khuyết điểm nào. Việc thực tập được thông suốt toàn diện và hăng say. Phi hành đoàn là những người thiện nghệ. Các phi công cũng đã được tuyển chọn từng người một và tất cả các sĩ quan chỉ huy phi hành cũng đều là người tình nguyện”.

Đến đây thì Kissinger lần đầu tiên cắt ngang: “Thưa Tổng thống, trước đây hơn một tháng tôi có dịp nói chuyện với hai người chỉ huy cuộc tập kích là đại tá Simons và thiếu tướng Manor. Thật là hào hứng nhất. Simons thề ông ta sẽ đổ bộ vào cái trại ấy và thoát ra một cách an toàn với với tất cả lính của ông ta. Ông ta nói phần thuận lợi có thể đạt tới 97%. Tôi có nghe nói là đến hơn cả trăm lần rồi”. Bộ trưởng Laird tiếp thêm là việc thiết lập kế hoạch cho công tác này đã được chuẩn bị từ tháng năm.

Moorer tiếp tục trình bày, mô tả cặn kẽ về mọi vấn đề an ninh chặt chẽ đã được thực hiện trong thời gian chuẩn bị kế hoạch và giai đoạn thực tập. Trong thời gian cuộc tập kích được thực hiện sẽ có nhiều biện pháp đặc biệt về an ninh khác nữa được thi hành. Ông ta bảo đảm với Tổng thống rằng: “Nếu có trường hợp nào đó xảy ra cho ta biết được là kẻ địch đã phát hiện mục tiêu công tác thì cuộc tập kích sẽ được bãi bỏ tức khắc”.

Tổng thống nhấn mạnh là ông ta không muốn để việc đó xảy ra.

Lật sang một tấm sơ đồ khác, Moorer trình bày những đe dọa nghiêm trọng có thể xảy ra cho toán tập kích cả từ trên không lẫn dưới đất. Với những chi tiết rõ ràng mà ông ta trình bày về sự bố phòng của Bắc Việt Nam thì khả năng hỗ trợ của tình báo Mỹ cho cuộc tập kích phải có trình độ cao. Ví dụ như bốn trong sáu phi công giỏi của loại MIG-21 tại Phúc Yên, một sân bay gần Sơn Tây nhất, đã được thuyên chuyển đến phục vụ tại phi trường Vinh, vào xa phía Nam. Hơn nữa ông ta còn chỉ rõ là tại Phúc Yên không có hệ thống báo động về ban đêm cho nên các máy bay còn lại sẽ phản ứng chậm. Moorer cũng cho biết thêm có bốn phi công MIG-17 tại phi trường Hải Phòng nhưng ở đây cũng không có hệ thống báo động về ban đêm. Ông ta nói nếu các loại máy bay này cho dù có ở trong tình trạng bị động, cũng không đủ sức chống lại các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân. Sau cùng ông ta chỉ rõ là tất cả các máy bay MIG-17 hiện đang có mặt tại phi trường Kép, và tại đấy không có một phi công nào giỏi để chiến đấu ban đêm.

Cuối cùng Moorer nói về mục tiêu của công tác đấy là các tù binh ở Sơn Tây. “Thưa Tổng thống, đây là doanh trại duy nhất đã được xác nhận có giam tù binh, ở ngoại biên Hà Nội. Trong trại Sơn Tây có 70 tù binh Mỹ. Trong số này có 61 người đã được xác nhận tên họ và binh chủng; 43 không quân, 14 hải quân, 4 thủy quân lục chiến”. Trung tá hải quân C.D.Clower đã được thăng cấp đại tá kể từ khi bị bắt, hiện nay là sĩ quan trưởng nhóm của số tù binh này. Vào tháng giêng và tháng năm vừa qua chính quyền Bắc Việt Nam đã cho di chuyển hai sĩ quan trưởng nhóm đi nơi khác. Một lần nữa Tổng thống tỏ ra xúc động về các chi tiết chính xác mà Lầu Năm Góc đã thu lượm được đối với mục tiêu.

Sau khi đã cẩn thận trình bày rằng, thời tiết sẽ là một yếu tố quyết định trong công tác này, Moorer kết luận: “Nếu Tổng thống chấp thuận công tác này, tôi dự định giao cho thiếu tướng Manor thi hành cuộc tập kích vào thời điểm thuận tiện nhất về thời tiết. Thưa Tổng thống, tôi chỉ có bấy nhiêu lời. Tôi xin sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của Tổng thống nếu có”.

Tổng thống ngẩng đầu lên nói: “Thật là tuyệt diệu, đầy đủ chi tiết, không có gì thừa. À! Tôi biết là các anh đang chờ quyết định tối hậu càng sớm càng tốt, và tôi dự định sẽ quyết định sớm. Nhưng thời hạn chót mà anh có thể đợi được là bao nhiêu ngày nữa, mà không làm rắc rối thêm cho Manor?”.

Moorer hy vọng rằng đôi mắt của ông ta không phản lại ý nghĩ băn khoăn lo ngại trong đầu. Mặc dù ông ta biết là Tổng thống sẽ đơn phương quyết định việc này nhưng ông ta cũng muốn nhìn xem thử Kissinger, Haig hoặc Laird có bộc lộ cảm nghĩ gì khác không. Nhưng câu hỏi vừa rồi của Tổng thống có vẻ như muốn kéo dài thời gian chờ đợi thêm nữa, nhưng theo ông ta thì không nên trì hoãn quá lâu. Đây là một công tác chưa từng có và sôi động. Vì lẽ đó Moorer thận trọng trả lời Tổng thống: “Thưa Tổng thống nếu chúng ta không thi hành kịp vào giai đoạn thời tiết tốt sắp tới thì phải chờ đến tháng 3 sang năm là thời điểm sớm nhất mới có thể thi hành được. Trong vùng khu vực mục tiêu mỗi năm chỉ 4 hoặc 5 lần tuần trăng mật và thời tiết phối hợp thuận lợi nhất. Như Tổng thống đã biết chúng ta vừa mới bỏ qua một thời điểm vào ngày 21 tháng 10. Nếu lần này chúng ta quyết định cho xuất phát công tác, tôi sẽ gửi ngay một công điện trong vòng 24 giờ để chỉ thị cho phép thi hành. Tướng Manor và đại tá Simons hiện nay đang ở Thái Lan, sẵn sàng lên đường”.

Moorer giải thích thêm về một vấn đề rắc rối: “Đối với loại công tác này thì vào phút chót cần có sự phối hợp hành động của nhiều cơ quan - như tàu hải quân, các máy bay, nhân sự, các công tác trinh sát đặc biệt, các toán tìm kiếm và cấp cứu trong trường hợp có thất lạc. Để phối hợp nhịp nhàng mọi việc trên đây, cần phải có ít nhất ba ngày. Nhưng nếu chúng ta không có quyết định cho thi hành thì không nên vội vàng làm rối loạn mọi việc bởi vì sẽ có nhiều người đặt ra nhiều thắc mắc. Điều này có thể làm phương hại cho kế hoạch xuất phát trong tương lai của chúng ta. Tuy nhiên, khi được Tổng thống chấp thuận thì công tác vẫn có thể được bãi bỏ bất cứ vào giờ phút nào ngay trước thời điểm xuất phát. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn mọi hệ thống truyền tin mật mã và hỏa tốc để sử dụng vào phút chót nếu có trường hợp chỉ thị bãi bỏ hoặc hoãn lại”.

Tổng thống vội vàng trả lời là ông ta hiểu được sự lo lắng của Moorer. Không còn phải đặt vấn đề có nên giải thoát tù binh hay không vì việc này đã được quyết định rồi. Vấn đề đặt ra bây giờ là khi nào sẽ thi hành công tác, thế thôi. Nixon hứa với Moorer là ông ta sẽ có quyết định rất sớm. Nhưng Tổng thống lại còn một câu hỏi cuối: “Nếu cuộc tập kích này thất bại thì sao? Các anh đã chuẩn bị đầy đủ mọi lý do che đậy cho thích hợp chưa?”.

Moorer trình bày là đã có năm “câu chuyện che đậy” được đặt ra. Ông ta lại lật tiếp cuốn sổ tài liệu: - Nếu cuộc tập kích thành công nhưng có vài máy bay và binh sĩ bị tổn thất thì câu chuyện sẽ trở nên đơn giản - vì lẽ kết quả biện minh cho sự tổn thất - Nếu trường hợp cuộc tập kích bị tiết lộ bí mật trước giờ xuất phát thì Lầu Năm Góc sẽ giải thích đấy là một loại công tác tối mật và không thể tuyên bố công khai các chi tiết được. Nếu công tác bị dở dang hoặc bị tiết lộ ngay sau khi xuất phát thì sẽ được giải thích đấy là một sự cố gắng tìm kiếm và cấp cứu một phi công trinh sát nào đó bị bắn rơi. Nếu cuộc tập kích bị thất bại ngay tại mục tiêu hoặc nếu không giải cứu được tù binh nào cả và tin tức này được loan báo ra thì vấn đề sẽ được giải thích là việc cố gắng này xét ra cần thiết đối với sự ngoan cố của Bắc Việt Nam, và kết quả sẽ biện minh cho sự liều lĩnh đó.

Tổng thống gật đầu, rồi có một câu hỏi chót: “Ai sẽ là người biết được sớm nhất về về sự thành công hoặc thất bại của cuộc tập kích?”. Moorer giải thích đại cương về hệ thống liên lạc phức tạp giữa toán tập kích của Simons với bộ chỉ huy của Manor ở Đà Nẵng, với trung tâm chỉ đạo ở Lầu Năm Góc và với phòng tình hình ở Nhà Trắng. Chỉ trong vòng 1 hoặc 2 phút thì Oa-sinh-tơn sẽ biết rõ ngay những gì xảy ra ở Sơn Tây. Moorer nhắc lại với Tổng thống rằng toàn bộ thời gian công tác này được kể từ khi Simons đặt chân xuống mục tiêu cho đến khi thi hành xong công tác sẽ không quá 30 phút, hy vọng là chỉ 20 phút thôi. Ngay sau khi Simons gọi các trực thăng đến để bốc toán tập kích ra khỏi mục tiêu thì sẽ có ngay công điện mật báo cho biết số tù binh đã được giải cứu. Chỉ cần có 2 phút để chuyển công điện ấy về đến Oa-sinh-tơn.

Tổng thống yên lặng suy nghĩ trong một vài phút. Cuối cùng ông ta chợt hỏi: “Làm sao người ta có thể không chấp thuận việc này?” Đây là một câu hỏi để mà hỏi. Tổng thống nói với đô đốc Moorer: “Tôi biết các anh đã làm việc này suốt mấy tháng qua. Cá nhân tôi cũng muốn thấy các tù binh được trở về. Lạy Chúa tôi, nếu thành công thì chúng ta có thể mời tất cả anh em tù binh đến tại đây để dự liên hoan trong ngày lễ Tạ ơn, ngay tại tòa Nhà Trắng này. Nhưng tôi cũng không muốn thấy ai bị bắt giam thêm vào các trại tù đó”.

Và Tổng thống nói tiếp rằng ông ta không muốn các cuộc biểu tình báo động xảy ra thêm nữa. Cuộc xuống đường tại Oa-sinh-tơn vào 6 tháng trước đây, sau lần xâm nhập Cam-pu-chia, vẫn còn ám ảnh ông ta. “Lạy Chúa tôi, họ đã bao vây toà Nhà Trắng, các anh còn nhớ không? Lần này nếu xảy ra nữa thì có thể họ sẽ phá sập các cổng chính và sẽ có cả nghìn tên “hip-pi” xúm nhau lại đái ngay trên tấm thảm của văn phòng này. Đấy là việc họ sẽ làm”.

Tổng thống cũng băn khoăn lo lắng không biết Fullbright([24]) có tuyên bố rằng cuộc tập kích này là một cuộc xâm lăng Bắc Việt Nam không. Ông ta kết luận: “Này đô đốc Tom, nếu để xảy ra như vậy thì đau lắm. Nhưng tôi biết anh có thể vượt qua được mọi việc. Tôi tin chắc là chúng ta sẽ thi hành; hãy để cho tôi một ít thời gian ngắn nữa để suy ngẫm thêm. Dù có việc gì xảy chăng nữa thì tôi cũng chúc các anh may mắn”. Ông ta đứng dậy và chìa tay ra bắt tay Moorer. Đấy là một cử chỉ nồng ấm, đầy thông cảm, một cử chỉ mà Nixon ít khi biểu lộ với ai.

Haig nói thầm với Moorer yêu cầu để lại một bản sao tài liệu, sơ đồ, bản đồ, v.v… để Tổng thống xem lại. Trước khi rời văn phòng bầu dục, Moorer vội vã sắp xếp lại phần tài liệu cần để cho Tổng thống xem, và phần ông ta cần mang về Lầu Năm Góc.

… Ngoài hành lang văn phòng Tổng thống, một trong những người dự họp vừa rồi đã chặn Moorer lại và nhỏ nhẹ vào tai: “Tom, anh vừa làm xong một công việc tuyệt vời. Tổng thống rõ ràng xúc động, tôi có thể đoán chắc với anh rằng: Tổng thống sẽ chấp thuận công tác này”. Nhưng sau đó ông ta lại có vẻ ngập ngừng nói tiếp một cách vụng về: “Có một điều tôi muốn nói là nếu việc này thất bại thì chúng ta nên tìm một cách nào để cho Tổng thống khỏi bị dính vào, có được không? Cho đến nay chúng ta đều biết là Tổng thống chỉ nhận được toàn là những lời chỉ trích, chê bai mỗi khi ông ta quyết định việc gì về Việt Nam. Chúng ta không thể để cho ông ta bị kẹt thêm lần này nữa. Anh hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ”.

Moorer lái xe trở về Lầu Năm Góc trong im lặng. Ngay khi vừa về đến văn phòng, ông ta gọi Tờ-ra-in nhờ chuyển những lời cảm ơn đến Blackburn và Mayer đã làm những thay đổi hữu hiệu các sơ đồ và các ghi chú và đã thuyết trình một cách tốt đẹp. Nhưng Tờ-ra-in nghĩ rằng Blackburn muốn biết là “đã có lệnh cho thi hành hay chưa?” vì chính Tờ-ra-in cũng không biết điều này. Ông ta chỉ có thể chuyển lời là Moorer có vẻ rất hài lòng, và họ sẽ sớm có quyết định.

Chính trong thâm tâm Moorer cũng không thực chắc lắm về việc này. Tổng thống có vẻ rất tán thành, dường như bồng bột ngay trong một vài lời phát biểu của ông ta. Ông ta chỉ nêu một vài câu hỏi mà thôi. Tuy nhiên ông ta vẫn để lộ ra vẻ lo âu, ngại ngùng và suy nghĩ nhiều hơn những lần trước đây như Moorer đã thấy trong những quyết định khác. Và điều làm cho Moorer thắc mắc nhất chính là câu nói: “Cố gắng để cho Tổng thống khỏi bị dính vào việc này”.

Tổng thống đã quyết định nhanh chóng. Ngay xế chiều hôm đó ông ta đã cho Bộ trưởng Laird lệnh thi hành cuộc tập kích. Moorer vô cùng cảm kích về quyết định này. Blackburn cùng với Mayer lập tức bắt đầu sửa soạn mọi việc cần thiết cho “máy chạy”. Moorer nói với Blackburn, trong khi ông ta vẫn còn bị ám ảnh về câu chuyện nói ngoài hành lang văn phòng Tổng thống: “Này Đon, có một việc mà tất cả chúng ta đều phải nghĩ tới”. Ông ta nói tiếp với một giọng tâm sự: “À này, tôi không nghĩ là Tổng thống biết đến công tác này đâu”.

Moorer không nhớ việc trao đổi ý kiến này, cương quyết chối cãi chuyện có kẻ nào đó đã đề nghị ông ta phải nhận lấy mọi lời chê bai nếu có việc gì sai trái xảy ra tại Sơn Tây. Nhưng dù sao ông ta cùng không muốn công nhận là đã có những lời đề nghị về việc này. Tuy nhiên Blackburn vẫn còn nhớ rõ sự việc và có ghi chú vào sổ nhật ký như sau: “Moorer không cần phải nói cho tôi biết là nếu mọi việc thất bại thì chính ông ta sẽ chịu tất cả lời chỉ trích, chứ không ai khác. Ông ta cũng nhắc nhở tôi đừng để cho nhiều người biết về buổi họp tại Nhà Trắng này để tất cả mọi người giữ kín việc Sơn Tây”.

phithiengia
14-04-2008, 11:44
Những điếu thuốc lá
Vào xế chiều ngày 18 tháng 11, khi được tin Tổng thống đã chấp thuận cuộc tập kích thì cả toán SACSA bắt tay ngay vào hành động. Đây là giây phút mà Blackburn và Mayer đã chờ đợi sau bao nhiêu tháng làm việc và thiết lập kế hoạch. Nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc đang lo ngại và buồn cười. Mayer vội vàng soạn thảo ngay bức công điện mật mã cho lệnh thi hành để trình Vogt chuẩn y. Bức công điện này rất ngắn gọn, nội dung như sau: “Mumbletypeg, Amputate King-pin”. Nhưng Vogt nhìn bức công điện và nói: “Lạy Chúa tôi, chẳng có ý nghĩa gì cả”. Mayer phải giải thích là Manor sẽ hiểu được nghĩa khi so sánh với các chữ mật mã đã được soạn thảo trước. Vogt không tin điều này. Trước đây đã từng xảy ra việc lộn xộn về truyền tin, và Mayer không biết làm cách nào để thuyết phục ông ta là sẽ không có một lầm lẫn thứ hai nữa. Mayer đành phải trở lại văn phòng ở Lầu Năm Góc, mở khóa một tủ hồ sơ trong một căn phòng kín, lấy ra kế hoạch truyền tin dành riêng cho chiến dịch “King-pin”. Khóa tủ hồ sơ và phòng kín lại, rồi ông vội vàng quay trở lại văn phòng của Vogt để trình cho ông ta thấy rõ là bức công điện hoàn toàn đúng nghĩa. Cuối cùng Vogt mới chịu ký lệnh cho gửi đi: Mayer lại phải đem bức công điện đến trình Moorer, Moorer lại trình tiếp cho Laird để xin ký nhận lần cuối. Sau cùng, Moorer kiểm phê lại và bây giờ thì Mayer có thể gửi đi được, với lời cầu nguyện là sẽ không bị thất lạc tại nơi nào đó trên đường dây từ Lầu Năm Góc đến Thái Lan.

Bức công điện này được chuyển từ Trung tâm truyền tin Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp vào lúc 5 giờ 30 chiều hôm đó qua hệ thống hoả tốc, một hệ thống đặc biệt cực nhanh, trực tiếp, chỉ dùng chuyển các loại công điện báo động về các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Trong khi Mayer xông xáo khắp nơi để xin ký nhận và chuyển gửi bức công điện thì Blackburn lại nhận được một tin xấu về thời tiết. Cơn bão Pat-sy đã thổi vào Ma-ni-la với sức gió 105 dặm một giờ và cấp cao là 140 dặm; lại đang chuyển về hướng tây với tốc độ 80 dặm một giờ. Các hình ảnh vệ tinh chụp được trên vùng mục tiêu cho thấy rõ là trời vẫn còn trong sáng nhưng có nhiều mây lạnh đang từ Trung Quốc chuyển đến. Trận bão và mây lạnh có thể sẽ tập trung vào Bắc Việt Nam, Blackburn vẫn nhớ là các chuyên viên khí tượng đã nghiên cứu kỹ về thời tiết ở Đông Nam Á trong suốt mấy năm qua để tìm ra được một khoảng thời gian có khí hậu tốt là từ 20 đến 25 tháng 11. Lúc này khi Tổng thống đã chuẩn y nhưng với thời tiết này xem như các chuyên viên khí tượng đã chọn sai ngày.

Nhưng vẫn còn nhiều sự phối hợp cuối cùng cần phải được thực hiện, Blackburn đã gặp Gim An-len và đại tá hải quân Don En-gen để giải quyết trách nhiệm của không quân và hải quân trong việc tiếp đón tù binh và mọi thủ tục săn sóc y tế khi họ được trở về. Theo thủ tục thông thường về việc di tản các thương binh từ các vùng Đông Nam Á trở về thì chỉ cần chuyển họ đến bất cứ quân y viện nào gần nhất là đủ. Tuy nhiên trong trường hợp di tản các tù binh đã được giải thoát lại nảy sinh ra nhiều cuộc tranh luận nội bộ và trở thành một trong những vấn đề rắc rối nhất mà Mayer đã phải đương đầu trong mấy tuần qua. Trong trường hợp này, binh chủng nào cũng muốn giành riêng cho mình phần đón tiếp tù binh và mỗi binh chủng đã tranh cãi hết giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, để giành phần thắng. Mayer nói đùa với Blackburn là cuộc tranh luận về việc này đã trở thành những buổi đấu lý khôi hài trông giống như trận tấn công lần thứ hai ở A-pa-ri thuộc miền Bắc Lu-giông - tất cả chỉ vì vấn đề tù binh, có nghĩa như là một chuyện quảng cáo rầm rộ. Sau cùng Mayer phải đề nghị một giải pháp dung hòa. Ông ta nhắc cho mọi người biết là không có một tù binh nào ở Sơn Tây thuộc binh chủng lục quân, vì lẽ đó tất cả sẽ được chuyển trong chặng đầu từ Thái Lan về quân y viện lục quân Tri-phen ở Hawaii - đấy là giải pháp trung lập. Tại đấy sau khi đã được khám nghiệm cho phép di chuyển tiếp thì họ sẽ được chuyển về một bệnh viện nào gần nhất tại quê nhà. Nhưng Bộ Tư lệnh không quân cố nằn nì nói là tất cả tù binh thuộc binh chủng riêng của họ phải được chuyển về bệnh viện không quân, chứ không phải bệnh viện lục quân hoặc hải quân nào cả. Còn Bộ Tư lệnh hải quân thì lại muốn tất cả tù binh thuộc binh chủng của họ kể luôn cả tù binh lính thủy đánh bộ, phải được đưa về bệnh viện hải quân, chứ không đưa đi đâu khác. Blackburn thì không muốn để cho cuộc tập kích Sơn Tây trở thành một sự tranh luận tiến công về giao tế nhân sự. An-len và En-gen đều đồng ý với ông ta: việc săn sóc tù binh là sau khi được khám sức khỏe sơ qua tại Thái Lan thì tất cả tù binh sẽ được chuyển ngay về Tổng y viện gần nhất ở Philippines, trong căn cứ không quân Clark. Rồi từ đấy họ sẽ lần lượt được chuyển về các bệnh viện không quân và hải quân nào gần nhất nơi quê nhà.

Trên đường từ Lầu Năm Góc về nhà vào lúc 6 giờ chiều hôm ấy, Blackburn lo nghĩ đến việc chuyển vận đại quy mô về các đơn vị tiếp cứu - các loại máy bay vận tải phản lực C-9A dùng riêng cho việc săn sóc tù binh sẽ từ Philippines bay đến nằm chờ tại Thái Lan, cũng như các loại trực thăng tiếp cứu HH-53 sẽ bay từ căn cứ hậu cần ở miền Trung Thái Lan đến địa điểm xuất phát tại miền Bắc gần biên giới Bắc Việt Nam nhất. Tất cả những sự vận chuyển đó sẽ có thể làm cho hệ thống báo động của Bắc Việt Nam phát hiện được. Khi về đến nhà, ông ta vẫn còn băn khoăn lo nghĩ về những điều phải làm thêm để ngăn ngừa không cho toàn bộ hệ thống vận chuyển nói trên bị phát hiện. Nhưng một rắc rối mới to lớn khác lại xảy ra.

Phó Đô đốc Gia-nét C.Đô-nan-sơn điện thoại từ Lầu Năm Góc đến. Đô-nan-sơn là phó giám đốc kiêm trưởng phòng hành quân và thám sát thuộc Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp. Ông ta hỏi Blackburn là có một đại tá không quân nào đó đã đến Thái Lan với tướng Manor có phải là người của Blackburn không? Blackburn trả lời ngay là phải: có chuyện gì xảy ra đấy? Đô-nan-sơn giải thích là viên sĩ quan ấy đã điện thoại cho Bộ chỉ huy chiến lược không quân ở O-na-ha, từ Đông Nam Á gọi về, báo động cho mọi người biết là cuộc “hành quân” sẽ được xuất phát sớm và các công tác tái tiếp nhiên liệu cũng như các đường bay trinh sát đã được ấn định trước đều cần phải lập lại. Bộ chỉ huy chiến lược không quân (SAC) và cả trung tâm thám báo không hiểu viên sĩ quan ấy muốn nói gì và đương sự cũng không chịu tiết lộ thêm chi tiết nào cả. Trung tâm thám báo đã gọi Đô-nan-sơn để xin xác nhận. Đô-nan-sơn muốn biết là viên sĩ quan ấy có được phép gọi điện thoại theo hệ thống điện đàm thông thường không? Theo ông ta nghĩ, mọi thay đổi chương trình đều phải do tướng Manor gọi về cho văn phòng ông ta mới đúng. Blackburn sửng sốt. Ông ta trả lời ngay là viên sĩ quan ấy không được phép nói điều gì với SAC cả. Theo như sự phân công nhiệm vụ từ trước nằm trong kế hoạch Sơn Tây thì: không một viên chức nào ở SAC được quyền biết tại sao phải cho xuất phát các chuyến bay SR-71, cùng với các công tác trinh sát vệ tinh trên vùng trời miền Tây Việt Nam, và cũng không ai được biết về các chuyến bay KC-135 và RC-135 dự định cho thời điểm 20 đến 25 tháng 11. Mọi viên chức tại SAC cũng không nên thắc mắc về việc này.

Blackburn yêu cầu Đô-nan-sơn đợi tại trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia và ông ta sẽ đến Lầu Năm Góc ngay lập tức. Nhưng trước khi ra khỏi nhà, Blackburn gọi đại tá không quân Phờ-ran-kơ-lin Ri-cơ và yêu cầu ông này đến gặp Đô-nan-sơn và Blackburn tại Trung tâm chỉ huy. Ri-cơ là một trong những chuyên viên thiết lập kế hoạch Sơn Tây, chuyên lo mọi việc tại trung tâm chỉ huy, kiêm luôn cả hệ thống truyền tin từ Lầu Năm Góc đến Manor, đến Bộ Tư lệnh Trung Đông ở Hawaii, đến lực lượng phản ứng nhanh 77, và tất cả việc điều hành lệnh yểm trợ cho cuộc tập kích xuất phát từ căn cứ, máy bay trinh sát SR-71 ở O-ki-na-oa, cả việc điều hành máy bay di tản tù binh tại căn cứ không quân Clark ở Philippines. Blackburn bảo Ri-cơ là có lẽ ông ta phải gọi điện thoại ngay cho ông bạn nào đó của họ ở nước ngoài.

Tại Lầu Năm Góc Blackburn gọi điện thoại cho Đô-nan-sơn và Ri-cơ đòi liên lạc với Bộ chỉ huy SAC. Ông ta yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với viên sĩ quan nào vừa gọi từ Thái Lan về. Đấy là đại tá Giôn Clan-xi, sĩ quan trực của văn phòng thám báo SAC. Blackburn giải thích qua đường dây là ông ta chỉ hỏi các câu hỏi chứ không trả lời điều gì cả. Cái tên nào đó đã nói rằng cuộc hành quân “sẽ có thể” thi hành sớm hay đã nói “sẽ” thi hành sớm? Clan-xi trả lời: “sẽ có thể”. Người đó có nói rõ loại hành quân nào không? Clan-xi trả lời: “Không”. Vì lẽ đó cho nên ông ta đã gọi cho Đô-nan-sơn: ông ta không biết việc gì sẽ xảy ra cũng như việc SAC phải làm gì.

Blackburn yêu cầu Ri-cơ gọi ngay điện thoại cho Manor. Ri-cơ giải thích là không có đường đây bảo mật thẳng đến Takhli, cho nên buộc lòng phải điện đàm theo lối thông thường. Khi Blackburn nghe tiếng Manor ở đầu dây, ông ta nói với Manor là ông ta vừa điện đàm với một vài người bạn ở Trung Đông và đề nghị Manor nên dùng dây đàn dương cầm để treo cổ một trong các viên sĩ quan của Manor vì tên này đã độc tấu một bản nhạc không được phép. Blackburn kết luận là toàn bản nhạc này đã làm rối loạn một đám thính giả không được mời đến dự buổi hòa tấu.

Cho đến gần nửa đêm Blackburn mới trở về nhà. Ông ta không nhận thức được tại sao SAC lại có vẻ hốt hoảng khi nghe được tin công tác sẽ xuất phát sớm. Xuyên qua cuộc điện đàm úp mở vừa qua ngay chính cả Manor cũng không hiểu tại sao. Cũng giống như Blackburn, Manor tỏ vẻ bối rối và giận dữ.

Blackburn chỉ còn ngủ được một vài giờ nữa thôi. Đến khoảng 4 giờ sáng ông ta bị chuông điện thoại dựng dậy. Đó là Mayer từ trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc gọi về báo Manor vừa mới gửi về một công điện, nhận được lúc 4 giờ 11 phút. Nội dung cho biết toán của Simons và lực lượng phản ứng nhanh 77 đã sẵn sàng, nhưng có thể sẽ bị hoãn lại vì thời tiết xấu. Blackburn thắc mắc chuyện gì lại xảy ra; cuộc tập kích phải được xuất phát “sớm” hay là sẽ bị hoãn lại muộn hơn nữa?

Sau đó một vài giờ khi Blackburn đến Lầu Năm Góc ngày thứ năm 19 tháng 11, thì sự bối rối của ông ta lại càng tăng thêm. Ông ta nghe nói là nếu cuộc tập kích không được xuất phát theo chương trình đã định hoặc nếu bị hoãn lại chỉ cần một ngày thôi thì cũng đủ làm rắc rối cho các chiến dịch khác. Không ai cho ông ta biết các chiến dịch khác là gì. Ông ta chỉ được biết là nếu cuộc tập kích phải hoãn lại trong khi Tổng thống đang nghỉ cuối tuần vào ngày thứ 7 tại trại Đa-vít thì mọi diễn biến cần phải trình báo cho Tổng thống biết ngay.

Chỉ còn có hai ngày nữa là đến thời điểm xuất phát. Và 8 giờ sáng hôm ấy Blackburn đã báo cho Moorer biết về tình hình bất lợi của thời tiết. Lẽ tất nhiên bây giờ thì cả hai người chỉ còn có cách ngồi đợi. Nhưng ngày hôm ấy vấn đề thời tiết lại chỉ là một chuyện nhỏ và một loại bão táp khác đang âm ỉ ập đến.

Suốt ngày Blackburn cố kiểm soát lại những tin tức kiểm thính điện tử cuối cùng của NSA. Một công điện gửi trước giờ về “lệnh chiến đấu trên không” đã được gửi đến Takhli để báo cho Manor biết về tình trạng giờ chót của hệ thống phòng không Bắc Việt Nam. Khi ông ta trở lại văn phòng vào lúc 4 giờ 30 chiều hôm ấy thì được báo cho biết là tướng Bennett ở DIA đang muốn tìm gặp ông ta về một chuyện gì đó. Và lúc ấy tướng Bennett đang trên đường đi đến văn phòng của Chủ tịch Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp. Cả hai người gặp nhau ngay khi Bennett đang bước vào phòng của Moorer. Bennett nói ngay: “Này Don, tôi vừa nhận được tin xấu lắm. Hình như trại Sơn Tây trống rỗng. Tất cả tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác từ lâu rồi”.

Moorer sửng sốt: “Lạy Chúa, trong giờ phút này xin anh đừng nói với tôi những chuyện như vậy”.

Công điện hỏa tốc cho lệnh thi hành tập kích đã được gửi đi 24 giờ trước đây rồi. Blackburn không thể tin nổi là 6 tháng làm việc vừa qua lại mang đến cho ông ta một tin dữ cuối cùng như thế này. Ông ta hỏi độp ngay: “Này, xin thong thả một chút, ai báo tin đó?”.

Bennett trả lời là nguồn tin ngay từ Hà Nội chuyển về.

Nguồn tin này do Nguyễn Văn Hoàng thông báo. Vào đầu tuần lễ này, Hoàng gặp một người bạn cũ ở trong công viên Chi Lăng tại Hà Nội, cách trại giam Hỏa Lò về hướng tây-bắc độ 6 quãng đường và cách câu lạc bộ thể thao Ba Đình độ 4 quãng, đấy là chỗ mà hai người đã làm quen với nhau lần đầu tiên. Người bạn của Hoàng là “An-phờ-rét - một uỷ viên tinh quái” hoặc một “cố vấn tài giỏi” - đấy là mật danh do người Mỹ dùng để gọi đương sự, một ủy viên cấp cao và lâu năm trong phái đoàn đa quốc gia của Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến (ICC), được thành lập vào năm 1954 sau kết quả Hiệp định Giơ-ne-vơ chia đôi hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Uỷ hội ICC này không có đủ quyền lực để thi hành và kiểm soát đình chiến, nhưng các thành viên của nó đôi khi vẫn là những điệp viên rất hữu hiệu, cho phe này hoặc phe khác, đôi khi lại làm việc cho cả hai phe. Hai lần mỗi tuần, các chuyến bay hành khách từ Gia Lâm, Hà Nội chở họ đi Viêng-chăn Lào. Ở đấy mọi tin tức điệp báo được chuyển về Băng-cốc và sau đó thì họ về nước nghỉ phép hoặc để tham khảo thêm về vấn đề ngoại giao.

Đã nhiều năm qua, một vài thành viên của uỷ hội ICC đã cố giúp cho tình báo Mỹ moi ra các địa điểm trại tù binh lại Bắc Việt. Họ đã cố gắng làm việc nhiều nhưng ít có kết quả tốt. Họ nghĩ rằng Bắc Việt Nam không cho phép các chuyến bay thương mại bay trực tiếp ngang qua các doanh trại tù binh trên đường đáp xuống phi trường Gia Lâm, cho nên họ đã cố ghi chú cẩn thận mọi chi tiết về giờ giấc và đoạn đường bay quanh co từ Viêng-chăn về đến Hà Nội.

Vào mùa thu 1969, An-phờ-rét đã cố gắng tìm kiếm một nguồn tin trực tiếp hơn qua việc bí mật xây dựng Nguyễn Văn Hoàng. Ông ta thực hiện bằng cách thỉnh thoảng đưa ra một vài nguồn tin tức mà các thẩm vấn viên trong nhóm của Hoàng đã cố gắng điều tra từ các tù binh, nhưng những tin tức này thì các giới chức Mỹ đã biết chắc là không xác thực, vì lẽ họ đã khai thác hai tù binh được Hà Nội trao trả vào tháng 8 năm đó. An-phơ-rét ngụy tạo ra việc như là có một tên đại tá Mỹ nào đó đã say rượu nói chuyện khoác lác trên chuyến bay từ Băng-cốc đi Hồng-công nghỉ phép và giải trí ba ngày. Lẽ tất nhiên đấy là một chuyện đã được sắp đặt trước, và Hoàng đã báo cáo ngay với các thủ trưởng của đương sự như là một nguồn tin đã khai thác được từ tù binh. Cả hai cơ quan DIA và SACSA đã theo dõi công phu việc này để biết chắc chắn là nguồn tin đã lọt đến Bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam xuyên qua nhiều đường dây khác.

Cuối tháng chín năm 1970, An-phơ-rét báo cáo là ông ta tin tưởng rằng Hoàng đã bị mắc câu - đương sự sẽ trở thành một nguồn tin quý báu trao đổi giữa hai bên. Cơ hội đã đến vào đầu tháng 11. An-phơ-rét nói với Hoàng là ông ta sẽ về nước để tham khảo công việc trong một vài ngày. Ông ta còn tâm sự là sẽ được thăng chức vượt cấp. Chỉ còn có một trở ngại duy nhất cho việc thăng chức này là do nơi Bộ Ngoại giao của nước ông ta còn tỏ vẻ chán nản về sự thiếu khả năng của ông ta trong việc gây được phản ứng tốt đối với Hà Nội về vấn đề tù binh. Bộ Ngoại giao của nước ông ta cũng như các Bộ Ngoại giao khác trong phái đoàn trung lập ICC đều thân thiện với cả hai phía, cố gắng làm vui lòng Oa-sinh-tơn và cả Hà Nội. An-phơ-rét tâm sự thêm rằng ông ta vừa bị Bộ Ngoại giao kiểm tra khả năng qua một công điện yêu cầu phải báo cáo rõ chính xác số lượng tù binh Mỹ hiện bị giam giữ tại miền Bắc Việt Nam. Các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ không chịu tin về bản danh sách chỉ có 339 tù binh đã được Hà Nội chuyển giao vào đầu tháng tư năm ngoái, và họ đang thúc đẩy tất cả các Bộ Ngoại giao trên thế giới bằng mọi cách giúp tìm ra sự thật về số lượng tù binh này. An-phơ-rét làm ra vẻ bộc lộ điều suy nghĩ của mình: “Người Mỹ thật đang cuống cuồng lo lắng. Tôi đoán chắc là họ sẽ bằng lòng trả mọi giá nếu có một báo cáo chính xác thuyết phục được họ”. Hoàng đề nghị sẽ gặp lại An-phơ-rét, có thể trong một cuộc như đi dạo mát tại công viên Chi Lăng, một hoặc vài ngày trước khi An-phơ-rét về nước.

Khi hai người gặp lại nhau, họ đều vui mừng. Hoàng cầu chúc cho An-phơ-rét được thắng lợi trong việc thăng cấp và xin lỗi lần này không thể gặp nhau lâu được. Khi chia tay, Hoàng đưa cho An-phơ-rét một bao thuốc lá Điện Biên, An-phờ-rét còn nhớ rõ lời nói của Hoàng: “Đây này, anh dùng để hút cho vui trên chuyến bay. Thuốc lá này hơi nặng cho nên đừng hút quá nhanh”. An-phờ-rét để ý thấy bao thuốc lá đã mở. Hoàng vừa cười vừa nói tiếp: “Tôi mở ra để xem thử thuốc lá có còn tốt không”. Ngày hôm sau trong khi chờ đợi máy bay tại phi trường Gia Lâm, An-phờ-rét châm một điếu hút. Thuốc nặng quá. Ngoài ra Hoàng cũng biết là ông ta không hút thuốc lá. Như vậy rõ ràng là bao thuốc lá này có một ý nghĩa gì đó. Ngay khi đến Hồng Kông, An-phờ-rét liền đưa những điếu thuốc lá ấy cho một người bạn nhờ kiểm tra.

Gói thuốc lá của Hoàng đã được phân tích tại Oa-sinh-tơn vào buổi trưa ngày thứ năm tiếp theo, một vài giờ trước khi Bennett gặp Blackburn tại văn phòng của Moorer. Các chuyên viên phân tích mật mã của DIA đều thắc mắc khi nhận thấy rõ ràng là Hoàng đã sử dụng một cái mã của các tù binh để viết về số lượng tù binh bị giam giữ trong mỗi trại. Các chuyên viên này hy vọng là Hoàng vẫn còn nhớ rõ các cách mã hóa khác. Nhưng trong danh sách các trại giam lại không thấy có trại Sơn Tây. Theo như số lượng Hoàng cho biết thì tất cả vào khoảng 150 người, hiện đang bị giam giữ trong một trại tù mà từ trước đến nay chưa hề ai nghe đến, địa điểm đó gọi là Đồng Hới.

Khi các chuyên viên phân tích hình ảnh của DIA lục soát lại những tấm hình mới nhất chụp được về doanh trại bộ đội ở Đồng Hới thì họ thấy khu vực doanh trại này đã được nới rộng ra một cách đáng kể. Những vách tường mới đã được dựng lên để ngăn doanh trại ra nhiều khu nhỏ và các chòi gác đã có thêm lính gác. Cũng trong thời gian này thì các chuyên viên hình ảnh lại trình bày cho Bennett thấy những tấm ảnh mới nhất về Sơn Tây do máy bay trinh sát SR-71 vừa chụp được. Một vài tấm ảnh này đã được chụp qua hệ thống hồng ngoại tuyến chứng tỏ rằng doanh trại này vẫn sinh động; hình như có một số người nào mới được chuyển về Sơn Tây.

Đấy là tin tức xấu do Bennett đưa ra sau khi ông ta đã giải thích nguồn gốc xuất phát và ông ta cũng nói cho Moorer và Blackburn biết đây là loại tin tức được đánh giá vào hạng B 3 - có nghĩa là gần đến đỉnh cao nhất của sự xác thực. B có nghĩa là nguồn tin tình báo ở nước ngoài. 3 có nghĩa là nguồn tin này đáng được tin cậy, có đường dây liên lạc trực tiếp với người đưa tin.

Sau khi nghe Bennett nói, Blackburn vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng rằng Sơn Tây có thể bị bỏ trống. Ông ta nói với Moorer và Bennett: “Cái tên đưa tin này từ trước đến nay chưa há miệng nói gì cả. Tôi không thể chấp nhận hoàn toàn được, tôi muốn tìm hiểu thêm họ đã đưa ra kết luận này bằng cách nào”. Ông ta yêu cầu Moorer cho phép được báo cáo lại việc này vào 6 giờ sáng mai với sự đánh giá chất liệu tin tức theo ý riêng của ông ta. Moorer và Bennett đều đồng ý. Khi rời văn phòng Moorer, Bennett nói với Blackburn cùng xuống trung tâm thu thập và theo dõi tin tức của DIA tại phòng số 2D 921 để “nhân viên của tôi trình bày mọi việc cho anh rõ. Nếu anh cần điều gì thì cho tôi biết ngay. Nhưng tôi nghĩ là chúng ta cũng đã quá muộn rồi”.

Bennett tỏ vẻ bị kích động khi thốt ra tiếng “quá muộn”, vì còn nhiều tin tức xấu khác nữa. Dù Sơn Tây có ở trong tình hình nào đi nữa, và cho dù tất cả các trại giam đều được giải thoát một cách thành công thì đối với nhiều tù binh Mỹ khác vẫn là điều quá muộn.

Ngoài danh sách 6 tù binh đã chết mà nhà hoạt động hoà bình Cora Weiss chuyển giao vào ngày 13 thứ 6 tuần trước, Bennett còn nhận được tin có thêm 11 người nữa vừa mới chết. Tên của những người này hiện có trong một danh sách mà bà ta vừa mới nhận được và chỉ chịu chuyển giao cho chính quyền trong bốn ngày nữa, có nghĩa là thứ hai 23 tháng 11. Nhưng dù sao thì DIA và NSA cũng đã khám phá ra được danh sách bí mật này qua hệ thống Gam-ma của họ.

Từ hơn một năm nay bà Cora Weiss vô tình trở thành người mang tin cho giới tình báo Mỹ mà không biết.

Kể từ 1969 đến nay, cứ mỗi lần Cora Weiss bước xuống máy bay sau khi từ Hà Nội về, hoặc sau khi đi thăm phái đoàn hòa đàm Bắc Việt Nam ở Pa-ri về, thì bà ta đều bị theo dõi. Cơ quan NSA cũng đã lập hệ thống kiểm thính để nắm lấy mọi điện tín, các cuộc điện thoại đi xa, các công điện, qua những trạm vi-ba đặc biệt của cơ quan này. Bà ta chỉ là một trong nhiều đối tượng bị theo dõi, trong số này gồm có cả lãnh tụ phong trào Báo đen, nữ diễn viên màn bạc Jane Fonda, nhà hoạt động phản chiến Tom Hayden và tất cả những ai đi thăm Bắc Việt Nam về. Đấy là một phần của những hoạt động tình báo đặc biệt gọi là hệ thống Gam-ma do cả hai cơ quan NSA và DIA thực hiện, và đây cũng là việc bất hợp pháp vì lẽ đã theo dõi công dân Hoa Kỳ khi họ sử dụng các đường dây liên lạc nội địa hoặc ở nước ngoài. Đây cũng là một hoạt động tinh vi, tốn kém, và đôi khi cũng rất hữu hiệu. Một vài viên chức được phép biết về hệ thống kiểm thính này đã phải thề sống chết không bao giờ được mở miệng nói ra tiếng “Gam-ma” này.

Có vào khoảng 20 mật danh khác nhau dùng để chỉ về hệ thống kiểm thính Gam-ma. Tất cả đều dùng nhóm bốn chữ như: “Gam-ma Giét”, “Gam-ma Goát” hoặc “Gam-ma Gýt”. Mỗi chữ sau là dùng để chỉ một mục tiêu, một phương pháp hoặc một nguồn gốc đặc biệt. Một trong những hệ thống này có liên hệ đến việc kiểm soát thư tín được gọi là “bảo đảm thư tín”. Thư từ của bà Cora Weiss thường xuyên bị kiểm soát. Một phần khác của hoạt động tình báo đặc biệt này mang ngụy danh là “Đen-ta” mặc dù hoạt động này chỉ chuyên về việc thu lượm tin tức quân sự của Liên Xô. Tại cơ quan DIA tất cả mọi hệ thống kiểm thính này đều do một sĩ quan gọi là viên chức Gam-ma Đen-ta phụ trách. Các loại tin tức này đều được liệt vào hạng “tối mật” (Trine), bên cạnh có ghi chú nhóm chữ dành riêng cho mỗi loại “Trine” là loại tin tức có độ mật cao nhất trong các loại tin tức tình báo đặc biệt này.

Điều mà cả hai cơ quan NSA và DIA muốn tìm hiểu trong trường hợp của bà Cora Weiss là để xem trước bà ta có tin tức nào mới về tù binh không, hoặc có bản danh sách mới nào về tù binh đã chết không, về tên tuổi người chết và tù binh hoặc viên chức Bắc Việt Nam nào mà bà ta đã tiếp chuyện trực tiếp hoặc bà thấy, cùng với tất cả những gì đã quan sát được nhưng không muốn báo lại cho chính quyền Mỹ biết. Hệ thống kiểm thính vừa qua đã xác nhận tình trạng thất vọng của tù binh Mỹ. Trong số 17 người vừa được tin đã chết có ghi trong hai danh sách của bà ta, thì 11 người đã bị bắt cầm tù tại miền Bắc Việt Nam, còn 5 người được ghi là mất tích cũng ở miền Bắc, một người mất tích ở Lào. Không có tin tức nào cho biết trường hợp hoặc nguyên nhân xảy ra những cái chết đó.

Nguồn tin này lại càng thúc giục thêm việc tìm hiểu xem có còn tù binh Mỹ nào hiện đang bị giam giữ ở Sơn Tây không. Blackburn vội vàng về lại văn phòng và chỉ thị cho Mayer điện thoại gấp cho Harris ở DIA. Ông ta muốn gặp ngay toàn thể toán chuyên viên của Harris để sẽ đích thân kiểm soát lại từng mẩu tin, từng mẩu tài liệu nhỏ.

Đã gần đến 5 giờ 30 chiều. Mayer gọi điện thoại và trở lại văn phòng báo cáo cho Blackburn thêm nhiều tin tức xấu nữa. Tất cả nhân viên DIA đã về nhà hết.

Blackburn không tin nổi điều này và nổi điên lên. Ông ta cầm điện thoại gọi ngay Harris và yêu cầu lập tức gọi tất cả mọi nhân viên trở lại. Harris đề nghị là toán chuyên viên DIA sẽ đến vào sáng sớm mai để xem lại mọi việc. Có thể giờ này mọi người đang bị kẹt xe trên đường về. Blackburn nói ông ta vẫn sẵn lòng chờ đợi cho đến khi nào Harris gọi được tất cả mọi người trở lại sở làm cho dù phải lùi xe trở lại. Điều mà Blackburn muốn là bất cứ “tay” nào cũng phải trở về Lầu Năm Góc ngay sau khi Harris tập hợp lại được “đàn bò đi lạc” của ông ta. Blackburn cũng muốn họ phải đem đến văn phòng từng mẩu tin nhỏ đã thu lượm được về Sơn Tây. Ông ta không cần biết là họ sẽ phải làm việc thêm 12 tiếng đồng hồ nữa. Moorer đang đợi một báo cáo vào đúng 6 giờ sáng mai. Nếu các chuyên viên xác định được là Sơn Tây đã bị bỏ trống thì Moorer sẽ ra lệnh hoãn cuộc tập kích. Nhưng nếu mọi người không làm việc kịp thì cuộc tập kích này sẽ xuất phát theo thời điểm đã định - trong khi mọi chuyên viên tình báo quân sự quốc gia đang ngủ ngon trên giường tại các vùng ngoại ô Virginia.

Harris đã gọi được mọi người trở lại. Mãi cho đến khuya đêm ấy, Blackburn, Mayer và Harris còn ngắm nhìn hình ảnh, lắng tai nghe, và xem xét kỹ lưỡng mọi điều do chuyên viên DIA trình bày tại sao họ đã biết được các tù binh không còn ở Sơn Tây nữa. Mọi người bàn cãi về các điều này.

Riêng Mayer thì đồng ý với các dữ kiện đã được trình bày. Ông ta nghĩ là Blackburn nêu ra lệnh đình hoãn cuộc tập kích. Đối với Mayer thì doanh trại mới ở Đồng Hới trông có vẻ là một mục tiêu đầy hứa hẹn hơn: doanh trại này cũng ở vùng vắng vẻ như Sơn Tây và có nhiều tù binh bị giam giữ trong ấy. Ông ta suy luận là mọi người nên hoãn lại để một hoặc hai tháng nữa sẽ tiến công doanh trại mới thì tốt hơn.

Blackburn nói ông ta vẫn chưa bị thuyết phục. Ông ta đồng ý nguồn tin của Hoàng chuyển giao là rõ ràng; tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác và cơ quan DIA đã biết được địa điểm mới. Nhưng tin tức này đã xuất phát từ một nguồn gốc mà theo sự suy nghĩ riêng của Blackburn thì nó không có cơ sở chắc chắn nếu như không muốn nói là đáng ngờ. Trong khi đó thì các chuyên viên nghiên cứu hình ảnh của DIA, đoán chắc rằng có một số người nào đó đã được chuyển về lại Sơn Tây. Trong nhiều tuần lễ vừa qua doanh trại này đã có vẻ sinh động nhiều hơn. Chỉ có một điều là họ chưa biết được ai đã được di chuyển về trại ấy.

Blackburn không thể hiểu được tại sao mọi người lại có thể đi đến một kết luận như vậy từ đống tài liệu bề bộn bày ra trước mặt. Vì lẽ đó, ông ta yêu cầu các chuyên viên của Harris phải kiểm soát lại một lần nữa mọi phương cách phân tích từ đầu đến cuối. Ông ta nổi cáu với họ là không biết họ sẽ làm gì để có thể tìm ra đầu hoặc đuôi trong đống dữ kiện ấy. Ông ta cũng sững sờ kinh ngạc về những lời giải thích của họ. Khi thì họ nói chắc chắn rằng các tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác, khi thì lại nói họ vẫn nghi ngờ là có lẽ tù binh đã được chuyển về lại Sơn Tây.

Sau này ông ta nhớ ra, là đã từng chán ngán bảo họ: “Này các anh đừng làm trò hề, đừng có úp mở. Tôi chỉ cần câu trả lời thẳng vấn đề. Tôi sẽ trở lại đây vào lúc 5 giờ sáng mai. Đến 6 giờ sáng tôi sẽ đi với tướng Bennett vào trình cho đô đốc chủ tịch Hội đồng An ninh hỗn hợp biết rõ là tù binh vẫn còn ở đấy hoặc tù binh không còn ở đấy nữa. Tôi chỉ yêu cầu các anh một câu trả lời chắc chắn vào 5 giờ sáng mai. Họ có ở đó không, hoặc họ không có ở đó. Chỉ có vậy thôi. Không úp mở, không giải thích, không bàn tán, không nói năng gì thêm nữa. Tôi cần biết vẻn vẹn có bấy nhiêu thôi, bởi vì 6 giờ sáng mai thì đô đốc Chủ tịch và Tổng thống sẽ phải quyết định cho xuất phát công tác hay không. Chúng ta sẽ được phép lên đường hay không”.

Blackburn nói với họ là cho đến giờ này ông ta vẫn chưa biết mảy may gì về quyết định này cả. Ông ta nói thêm: “Nhưng điều tôi muốn là câu trả lời rõ ràng và các anh cũng đừng nên nằm mơ để tìm ra câu trả lời trong giấc ngủ. Tôi muốn rằng câu trả lời đó được căn cứ trên sự thông minh sáng suốt. Các anh nên trở về văn phòng ở Arlington hoặc đi bất cứ nơi nào các anh muốn để làm việc ngay, bởi vì đến 5 giờ sáng mai thì chúng ta cần câu trả lời xác đáng chứ không phải một đống phân bò”.

Blackburn biết chắc là câu trả lời sẽ như thế nào. Cuộc tập kích sẽ được thi hành. Mặc dù các tù binh vẫn còn ở đó hay đã đi rồi là chuyện còn trong nghi vấn, nhưng với 95 đến 97% yếu tố hoàn toàn tin tưởng là Simons có thể đổ bộ vào và thoát ra một cách an toàn, thì cũng là điều đáng được thi hành. Nếu sau này được biết tin là các tù binh đã được chuyển về lại Sơn Tây mà không có sự cố gắng giải cứu họ ra thì đấy là điều không thể tha thứ được - và Blackburn cũng lo sợ rằng “chúng ta sẽ không bao giờ có một cơ hội may mắn nữa”.

Chẳng còn việc gì để làm nữa cho nên ông ta và Mayer lái xe về nhà. Họ mới vừa thiêm thiếp ngủ thì điện thoại lại réo lên, lúc đó là 4 giờ sáng. Một công điện của Manor gửi về lúc 3 giờ 56 phút; cuộc tập kích có thể sẽ được thi hành 24 giờ sớm hơn thời điểm đã định. Manor đã ra lệnh cho Simons và toán phản ứng nhanh 77 thi hành công tác, và đã báo cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương biết vào buổi sáng thứ 6 ngày hôm ấy 20 tháng 11 trong khi trời còn tối đen. Blackburn và Mayer phải vội vã quay trở về Lầu Năm Góc với cặp mắt mờ vì mất ngủ sau suốt một tuần lễ đầy ác mộng và bây giờ thì kết cục lại sắp xảy ra.

Blackburn thầm nghĩ trong khi lái xe xuống chỗ đỗ xe ở đường Ghê-oóc-ghi Oa-sinh-tơn: “Lạy Chúa toàn năng, bây giờ thì đến lượt bọn chuyên viên tình báo lại cố thuyết phục Moorer ra lệnh đình hoãn mọi việc!”. Đối với ông ta thì một cuộc tập kích thành công vào một “lỗ trống” cũng còn hơn là chẳng có cuộc tập kích nào cả.

Mayer thì lại có sự quan tâm khác hẳn. Trên đường đến Lầu Năm Góc ông ta nghĩ: “Ông tướng điên khùng Blackburn này định xâm lăng Bắc Việt Nam hay sao mà lại để cho Simons nhảy vào một trại tù trống rỗng”. Nhưng ông ta cũng còn nhiều vấn đề khác phải lo nghĩ đến. Nếu cuộc tập kích được lệnh thi hành thì ông ta chỉ còn có một vài giờ nữa để chuẩn bị mọi việc tối hậu tại Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc. Đô đốc Moorer, Bộ trưởng Laird và hàng lô tướng tướng tá khác sẽ cần có đầy đủ thuyết trình trước mặt họ để theo dõi diễn biến công tác. Cách đây mấy giờ, ông ta đã từ Lầu Năm Góc trở về và đã nghĩ rằng cuộc tập kích có thể sẽ được xuất phát vào ngày thứ bảy. Như vậy thì ông ta vẫn còn ngày thứ sáu để chuẩn bị mọi thứ.

Ngay khi đến Lầu Năm Góc, Mayer điện thoại gọi tất cả sĩ quan trực trong trung tâm chỉ huy và DCSOPS để báo động cho mọi người biết là chiến dịch King-pin sẽ được lệnh thi hành ngày hôm đó. Trong thời gian này thì Blackburn gặp lại Harris và toán chuyên viên DIA. Lúc 5 giờ sáng, ông ta bình tĩnh hỏi mọi người: “Có hay không?”. Họ bắt đầu ú ớ: “Có, nhưng mà…”. Blackburn cắt ngang: “Không có nhưng mà gì cả. Tất cả điều tôi muốn biết là họ có ở đấy hay không? Đấy cũng là điều tôi sẽ nói với đô đốc Chủ tịch và đấy cũng là điều cấp trên của các anh sẽ nói với đô đốc Chủ tịch. Nếu đô đốc cần hỏi thêm điều gì thì các anh sẽ trả lời sau. Nhưng bây giờ thì các anh chỉ có việc nói cho tôi biết họ có ở đó hay không. Đô đốc cần câu trả lời chứ không cần câu hỏi”.

Đã đến giờ Blackburn đi gặp Moorer và Bennett tại văn phòng chủ tịch. Bennett tỏ ra ngây thơ. Ông ta một tay cầm tập công điện, hình ảnh và nói: “Đây là đống tài liệu tôi nhận được chứng minh rằng tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác”. Ở tay khác ông ta cầm một tập hồ sơ dày rồi nói tiếp: “Đây là tất cả tài liệu chứng minh rằng họ vẫn còn ở đó”.

Moorer hỏi: “Theo anh thì chúng ta phải làm gì?”.

Bennett trả lời: “Tôi đề nghị chúng ta cho lệnh thi hành”.

Blackburn cố gắng che giấu sự nhẹ nhõm trong lòng.

Sau này Blackburn nhớ lại: “Bennett đã cầm trong tay lệnh thi hành án tử hình. Suýt nữa thì mọi việc đều tan vỡ. Tôi biết chắc là Simons sẽ nhảy vào đó và đem người của ông ta thoát ra an toàn. Tôi muốn công tác này phải được xuất phát”.

Moorer kéo Bennett đi vào phòng 3 F.880 của Bộ trưởng Laird. Tại đấy, trong bữa điểm tâm, cả hai nói cho Bộ trưởng Quốc phòng biết là Manor đã ban hành lệnh cho xuất phát công tác giải cứu tù binh ở tại một trại giam mà bây giờ thì họ biết có lẽ đã bị bỏ trống, nhưng Manor thì không biết điều này. Bennett trình bày với Laird là tù binh đã được đưa đi nơi khác nhưng theo ý kiến riêng của ông ta thì có lẽ số tù binh này cũng đã được chuyển về lại Sơn Tây.

Thật lòng mà nói thì các tấm ảnh do máy bay trinh sát vừa chụp được đã không mang lại một kết luận chính xác nào. Các chuyến bay thất bại của Buffalo Hunter và việc thiếu các hình ảnh chụp được ở tầm thấp đã làm cho việc nghiên cứu trở nên khó khăn. Thời tiết cũng quá gay gắt. Ví dụ như chuyến bay vào ngày 6 tháng 11 vừa qua đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp nhưng lại là bức ảnh chụp đám mây ở cách xa trại giam độ một dặm, mặc dù đấy là vùng trời ở ngay trên khu trại. Vào ngày 13 tháng 11 cũng đã có nhiều đám mây khác bao phủ ngay trên trại, tạo ra bóng che cho nên các hình ảnh chụp được không rõ. Ngoài các việc trên thì khu vực mục tiêu vẫn tỏ ra có vẻ bình thường. Ngày thứ tư 18 tháng 11 là cơ hội cuối cùng để cho xuất phát, máy bay trinh sát chụp ảnh để kiểm tra sự có mặt của tù binh. Nhưng chuyến bay SR-71 này bị trục trặc kỹ thuật và phải đáp xuống Thái Lan. Vì không có thiết bị đặc biệt để tháo gỡ phim chụp ảnh, cũng vì không có nhân viên được phép xem xét hệ thống trang bị máy bay, cho nên các cuộn phim đã không được gửi về Yo-ko-ta kịp thời để phân tích, phải đợi cho đến tối ngày thứ sáu 20 tháng 11 mới chuyển đi được. Đợi đến lúc ấy thì cuộc tập kích đã mở màn rồi.

Khi Bennett được tin là hình ảnh chụp trong ngày 18 tháng 11 đã thất bại, ông ta lập tức cho một chuyến bay trinh sát khác xuất phát vào sáng sớm ngày 20. Chuyến bay này có nhiệm vụ bay 2 vòng qua vùng mục tiêu. Các chuyên viên hình ảnh của SAC và DIA sẽ lập tức nghiên cứu các ảnh chụp được và kết quả sẽ được chuyển ngay từ Yo-ko-ta đến cho Manor tại căn cứ Sơn Trà ở Đà Nẵng qua hệ thống điện thoại “tự động” bằng mật đàm vào 8 giờ tối hôm ấy. Tức là 3 giờ 30 phút trước khi toán của Simons sẽ rời Udorn để đi Bắc Việt Nam.

Moorer trình với Laird nếu kết quả của hình ảnh đem lại tin tức xấu thì vẫn còn đủ thời gian để đình hoãn cuộc tập kích qua hệ thống công điện hỏa tốc. Tuy nhiên ông ta trình bày thêm là vẫn còn 50% hy vọng. Ông ta muốn cố gắng thử một lần nữa xem sao. Và ông muốn cho thi hành công tác dù chỉ còn hy vọng 10%.

Tin tức 17 tù binh đã chết luôn luôn đè nặng lên tâm trí ông ta. Chính Moorer cũng bị cấu xé, dằn vặt trong tâm trạng này. Sau này ông có giải thích là lúc bấy giờ không có gì là “toàn trắng” hoặc “toàn đen” cả. Thật là mỉa mai vì cũng trong một ngày mà khi thì có nguồn tin cho biết là cuộc tập kích Sơn Tây sẽ quá chậm, khi thì một nguồn tin khác lại thúc giục ông ta phải gấp rút cho lệnh xuất phát.

Bộ trưởng Laird đồng ý và nói với Moorer nên cho thi hành cuộc tập kích Sơn Tây như đã định. Nếu trại tù này trống rỗng, hay cuộc tập kích bị thất bại vì một lẽ nào đó, thì sẽ cố tìm cách che giấu dư luận là cuộc tập kích chưa bao giờ xuất phát cả.

Một thời gian dài sau khi cuộc tập kích đã chấm dứt, Mayer có nhận định rằng: “Có lẽ đấy là quyết định gay go nhất mà Laird phải đưa ra”.

Ngay sau khi Moorer và Bennett rời văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng thì giám đốc CIA là Richard Helms đến gặp. Laird thảo luận mọi hệ thống kiểm thính Gam-ma và những báo cáo tình báo mâu thuẫn với Helms, nhưng cuối cùng đã cho Helms biết là ông ta đã quyết định cho thi hành cuộc tập kích theo kế hoạch. Laird cũng châm biếm nói thêm rằng khi cuộc tập kích đang được thi hành thì cũng là lúc mà chồng của Cora Weiss sẽ có mặt ở Hà Nội. Khi Helms ra về, Laird kiểm soát lại một lần nữa tất cả các báo cáo về thời tiết ở Đông Nam Á. Có hai quyết định đã được ghi rõ trong tập thuyết trình về chiến dịch King-pin đang ở trước mặt ông ta; đấy là quyết định cho phép thi hành hoặc không thi hành theo thời tiết - quyết định này phải được ban hành lúc 9 giờ 18 phút buổi sáng theo giờ Oa-sinh-tơn, và quyết định thứ hai là đình hoãn công tác ngay trước giờ xuất phát, quyết định này phải ban hành lúc 10 giờ 08 phút. Laird dùng điện thoại trực tiếp và an toàn gọi thẳng đến Nhà Trắng xin được nói chuyện với Tổng thống. Ông ta trình bày cho Nixon về những tin tức bi quan mà Moorer và Bennett đã trình bày qua bữa điểm tâm vừa rồi, về những kết quả của hệ thống kiểm thính Gam-ma của NSA và CIA đã tiết lộ cho biết bà Cora Weiss có một danh sách thêm 11 tù binh chết nữa, nâng tổng số lên 17 người chết trong tháng. Điều tệ hại nhất là trong danh sách cuối cùng đó có ghi tên tuổi ba người đã chết vào năm 1970, một người chết vào tháng 10, và một người vừa mới chết cách đây 15 ngày. Laird cũng trình cho Tổng thống biết là có tin báo rằng các tù binh ở Sơn Tây đã bị di chuyển đi chỗ khác nhưng các hình ảnh do máy bay SR-71 vừa chụp được lại cho thấy là trại tù này đã có một số người mới được chuyển đến. Vì lẽ đó Laird vẫn quyết định cho thi hành cuộc tập kích. Nixon đồng ý. Ông ta yêu cầu Laird thông báo mọi diễn biến công tác cho ông ta rõ.

No comments:

Post a Comment